Thị xã Nghĩa Lộ: Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 7/4/2015 | 9:31:31 AM
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ hiện có 416 cơ sở sản xuất (CSSX), với trên 1.300 lao động, tổng vốn đầu tư trên 95 tỷ đồng. Ngay sau những ngày nghỉ tết, các CSSX trên địa bàn đã bắt tay vào làm việc. Nhờ đó, hết quý I/2015, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của thị xã đạt 15,7 tỷ đồng (bằng 25,4% kế hoạch năm).
Cơ sở sản xuất máy nông nghiệp của anh Phạm Văn Đông ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ.
|
Doanh nghiệp tư nhân Nhân Thu (phường Trung Tâm) được thành lập năm 2010, ban đầu, chỉ xay xát lương thực, phục vụ nhân dân trên địa bàn. Do chưa có thương hiệu nên gạo ngon cũng chỉ được nhân dân trong khu vực biết đến hoặc bị trà trộn với các thương hiệu khác.
Để cải thiện tình trạng này, năm 2012, đơn vị đã đăng ký thương hiệu cho các loại gạo và được Đề án khuyến công hỗ trợ 40 triệu đồng, mua máy đánh bóng gạo. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, Doanh nghiệp luôn duy trì việc làm thường xuyên cho 8 lao động và từ 15 - 20 lao động thời vụ, với mức lương bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Một tháng, doanh nghiệp bán trên 1.000 tấn lương thực các loại ra thị trường và thu trên 700 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.
Cơ sở sản xuất, gia công cơ khí các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp Phương Đông (phường Cầu Thia) là một trong những cơ sở có giá trị sản xuất cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, chấp hành tốt chính sách của Nhà nước, đóng góp ngân sách hàng tháng đầy đủ. Cơ sở thành lập năm 2000, số vốn tại chỗ trên 500 triệu đồng, vốn lưu động 350 triệu đồng, chuyên sản xuất, kinh doanh các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy tuốt lúa đạp chân, xe cải tiến, máy cày bừa và các nông cụ cầm tay như: cuốc, dao, lưỡi cày, lưỡi bừa....
Ngoài ra, cơ sở còn nhận lắp nhà khung sắt cho các doanh nghiệp, cá nhân theo yêu cầu. Sản phẩm của cơ sở được sản xuất dựa trên hỗ trợ của máy gấp tôn và máy hàn, giúp quá trình tạo sản phẩm nhanh, đẹp, năng suất cao, giá thành không tăng nên sản xuất đến đâu, tiêu thụ ngay đến đó, được nhân dân trong vùng và các huyện Than Uyên (Lai Châu), Phù Yên (Sơn La)... đánh giá rất cao. Hiện, cơ sở đã giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho 6 lao động, với mức lương từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.
Các CSSX của thị xã hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề như: chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; dệt may; khai thác vật liệu xây dựng; chế biến nông - lâm sản; sản xuất, gia công cơ khí và một số nghề thủ công khác. Hầu hết các cơ sở đều hoạt động tốt, làm ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và một số vùng lân cận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển, nhân rộng ngành nghề CN-TTCN ở thị xã còn gặp không ít khó khăn như: các doanh nghiệp, hộ sản xuất chủ yếu là các cơ sở vừa và nhỏ; thiếu vốn đầu tư, quỹ đất để mở rộng sản xuất; khâu tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế... Mặt khác, các CSSX theo hướng tự phát, chủ yếu là ngành nghề thủ công, người lao động chưa được đào tạo bài bản, thời gian đào tạo ngắn, vì vậy, chỉ sản xuất một số mặt hàng đơn giản, giá thành thấp, thu nhập chưa cao.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất, phấn đấu năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 58 tỷ đồng, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đẩy mạnh kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát lại số cơ sở hiệu động kém hiệu quả để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; triển khai tốt các chính sách hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị cũng như các đề án khuyến công năm 2015...
Khánh Linh - Thùy Hương
Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi Công điện tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng.
Xác định nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, Chính phủ yêu cầu NHNN phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
YBĐT - Với mục tiêu tăng tổng đàn gia súc trên 67.000 nghìn con, đàn gia cầm trên 600 nghìn con, các hộ chăn nuôi huyện Trấn Yên đã chủ động công tác tái đàn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi, đảm bảo ổn định và duy trì tăng tổng đàn vật nuôi trên 5% theo mức tăng trưởng chăn nuôi mà ngành nông nghiệp nhiều năm qua đã giữ vững.
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi các cục hải quan địa phương yêu cầu tăng cường kiểm soát mặt hàng phân bón.