Văn Chấn phát triển kinh tế đồi rừng
- Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2015 | 10:34:34 AM
YBĐT - Những năm gần đây, trồng rừng kinh tế được chính quyền và nhân dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) quan tâm đầu tư. Hướng đi này không chỉ dần xóa bỏ tập tục đốt rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép của một bộ phận đồng bào dân tộc mà còn cho thấy tín hiệu vui về cuộc sống no đủ từ những cánh rừng do chính bàn tay đồng bào trồng nên.
Cán bộ kểm lâm huyện Văn Chấn trao đổi với đồng bào Mông cách trồng và giữ rừng.
(Ảnh: Hoàng Đô)
|
Những năm 2003 trở về trước, huyện Văn Chấn có vài chục nghìn héc-ta đất có thể trồng rừng nhưng để bỏ trống. Trồng rừng kinh tế còn rất xa lạ với người dân. Việc trồng rừng chỉ do các lâm trường đóng trên địa bàn đảm nhiệm. Người dân không mấy mặn mà với việc trồng rừng, coi việc trồng và phát triển vốn rừng là cho Nhà nước, kiểm lâm.
Cùng với đó, chu kỳ trồng rừng dài trong khi đó người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt nên họ sống bám vào rừng tự nhiên. Với quyết tâm đưa tiềm năng lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2006, huyện đã đưa trồng rừng kinh tế vào chương trình phát triển kinh tế địa phương. Để tạo bước đột phá, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng kinh tế và huy động các đơn vị, cơ quan và nhân dân hưởng ứng.
Với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành cùng với những chính sách hợp lý của huyện, của tỉnh nên người dân đã hiểu rõ lợi ích từ rừng mang lại, từ đó đã đưa diện tích rừng trồng mới của Văn Chấn ngày một nâng cao. Tính riêng giai đoạn 2010 - 2014, toàn huyện đã trồng mới được trên 18.567ha rừng, trong đó người dân tự đầu tư trồng 12.169ha, doanh nghiệp trồng 1.349,2ha. Từ trồng rừng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của gia đình anh Đặng Thanh Thủy ở thôn Văn Thi 4 (xã Sơn Thịnh). Năm 2006 gia đình anh Thủy bắt tay vào trồng rừng theo Dự án 661, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Qua nhiều năm triển khai trồng rừng đến nay gia đình anh đã có hơn chục héc-ta rừng kinh tế. Mỗi năm, tiền tỉa thưa bán được 15-20 triệu đồng. Số tiền này gia đình anh lại tiếp tục đầu tư trồng rừng. Anh Thủy cho biết: “Như nhiều hộ dân khác trong thôn, trước đây gia đình chưa nhận thức được giá trị của việc trồng rừng kinh tế. Thế rồi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống tận nhà tuyên truyền, vận động về tác dụng của rừng hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng nên hiện nay nhiều bà con trong thôn đã sống được bằng nghề rừng”.
Hiện nay, ở nhiều xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, người dân đã sống và làm giàu được bằng nghề rừng như Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Sơn Thịnh, Nghĩa Tâm. Xã Tân Thịnh (huyện Văn Chấn) hiện có 1.600 hộ dân thì có đến trên 1.000 hộ dân có đất trồng rừng và sống bằng nghề rừng.
Ông Trần Văn Dĩnh - Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: “Hơn chục năm trở về trước, chỉ có vài chục hộ tham gia trồng rừng. Khi đó, bà con chưa thấy hết được lợi ích mà nghề rừng mang lại. Để phát huy thế mạnh kinh tế rừng, xã thực hiện giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác; khai thác triệt để các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh, của huyện đưa vào triển khai thực hiện ở địa phương; vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau khi một số hộ tiên phong về trồng rừng được thu hoạch và cho giá trị kinh tế cao thì bà con mới bắt đầu thay đổi tư duy. Đến nay, thấy được hiệu quả từ kinh tế rừng, không cần vận động nữa nhân dân đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Hiện xã có tổng diện tích rừng trên 1.500ha đất rừng. Trung bình mỗi năm người dân và doanh nghiệp đóng trên địa bàn trồng mới từ 80-100ha rừng kinh tế. Đến kỳ khai thác, 1ha rừng trồng có trữ lượng khoảng 90 - 100m3, bán được 80 - 100 triệu đồng. Kinh tế rừng được khẳng định là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tân Thịnh”.
Ông Vũ Đình Huân - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền xây dựng kế hoạch trồng rừng tới các thôn, bản; tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp tích cực tham gia trồng rừng; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn đôn đốc chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế chuẩn bị tốt các điều kiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người trồng rừng. Vào vụ trồng rừng, cán bộ kiểm lâm xuống các bản làng để giao cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ đó, hàng năm, trồng rừng trên địa bàn huyện đều đạt kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi năm toàn huyện trồng mới trên 3.500ha rừng bằng các loại cây lâm nghiệp như: keo, mỡ, quế, bồ đề, trẩu.... Quan trọng hơn, từ những mô hình trồng rừng hiệu quả đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Bà con đã biết trồng và phát triển vốn rừng, không phá rừng đốt nương làm rẫy như những năm trước”.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn có những bước tiến mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã đưa tiềm năng, lợi thế mặt nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh và an toàn ATM, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4, 1/5 sắp tới.
Ngân hàng ANZ vừa công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổ chức này tiếp tục giữ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,5% trong năm nay và năm 2016.
Chiều 17/4/2015, Sở Giao thông vận tải tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo giao thông; công tác phát triển giao thông nông thôn (GTNT) năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.