Cơ hội từ một dự án

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2015 | 3:08:07 PM

YênBái - YBĐT - Một ngày gần giữa tháng Tư mà vẫn rơi rớt chút lạnh, chút mưa của mùa đông. Chị Phạm Thị Kim Yến - khuyến nông viên xã Bảo Hưng (Trấn Yên) chờ tôi ở trụ sở UBND xã như đã hẹn trước. Đúng là người của cơ sở, ai cũng quen, chào hỏi hồ hởi, hỏi thăm cây chè, cây lúa...

Khuyến nông viên Phạm Thị Kim Yến (bên trái) trao đổi cách chăm sóc chè với bà Nguyễn Thị Lựu.
Khuyến nông viên Phạm Thị Kim Yến (bên trái) trao đổi cách chăm sóc chè với bà Nguyễn Thị Lựu.

Chúng tôi cùng đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở thôn Trực Thanh - một trong ba thôn của xã Bảo Hưng tham gia Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất chè Bát Tiên tại huyện Trấn Yên. Ông Thường vắng nhà nhưng sự xởi lởi, vồn vã của vợ ông - bà Nguyễn Thị Lựu dành cho khách dường như đã khiến chút mưa lạnh rơi rớt lùi xa. Bà Lựu cho hay, nhà mình thuộc 17 hộ tham gia Dự án. Gia đình cả thảy có 7 sào chè Bát Tiên, trong đó có 1 sào đối ứng. Diện tích này đạt mức trung bình so với các hộ được lựa chọn thực hiện Dự án: nhiều nhất là hộ bà Trần Thị Hồng Duyên, thôn Bảo Lâm với 12 sào; hộ ông Trần Thanh Hương, Phạm Thanh Sơn, thôn Trực Thanh mỗi hộ 8 sào... và 2,5 sào ở hộ ít nhất. Địa bàn Bảo Hưng có tổng số 3,5ha chè Bát Tiên thuộc Dự án.

Bà Lựu hào hứng kể chuyện được lựa chọn vào Dự án. Những cái hay, cái lợi cũng đã thể hiện rõ ràng trong thực tế cuộc sống gia đình bà. Đầu tiên là khuyến nông viên lúc nào cũng sâu sát, nhiệt tình, trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây chè... Ngỡ rằng mọi công đoạn sẽ đều phức tạp hơn nhiều nhưng thực ra cũng bình thường. Tiếp nữa, trước đây, nếu thấy cây chè có sâu bệnh, ra cửa hàng hỏi, người bán bảo phun thuốc gì, ông bà mua thuốc ấy thì nay đã có sự tư vấn mang tính khoa học, hiệu quả và chất lượng của khuyến nông viên. Bà cũng bảo rằng, điều hay nữa là được đi học tập, tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng chè với các hộ khác, ở địa phương khác.

Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất chè Bát Tiên tại huyện Trấn Yên thực hiện trong năm 2013 - 2014 với diện tích 5ha, 22 hộ tham gia ở hai xã Bảo Hưng và Nga Quán. Hiệu quả là cây chè sinh trưởng và phát triển tốt hơn; hạn chế một phần sâu bệnh hại; bón phân bảo đảm và an toàn; năng suất chè tăng khoảng 15%. Bà Trần Thị Hoàn Liên - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, với hiệu quả này, đơn vị tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng ra các xã trồng chè trên địa bàn. 

Đặc biệt, nhờ được hỗ trợ 50% chi phí men chế phẩm để ủ phân vi sinh đã giảm đáng kể lượng đầu tư phân bón cho cây chè. “Tôi nói cụ thể, thực tế nhà tôi đây, tiền mua phân bón đã giảm tới gần 1/3 so với trước. Thế này này, nguyên liệu làm phân vi sinh là tận dụng rơm khô, rơm tươi, rạ, cỏ, trấu, mùn cưa... Như năm ngoái đấy, nhà tôi đánh hẳn hai xe ô tô bã nấm về làm. Bã nấm xin được, tôi chỉ mất mỗi tiền thuê xe chở thôi. Công ủ phân cũng nhiều nhưng đều có thể tranh thủ thời gian. Thích nhất là cái khoản tốt dai của cây chè, giúp cải tạo đất lại còn bảo đảm an toàn khi dùng “món” phân vi sinh này” - bà Lựu chia sẻ.

Bà cũng tiếp tục đưa ra những con số so sánh để thấy hiệu quả của Dự án. Trước kia, với diện tích chè của nhà, mỗi năm ông bà thu từ 50 - 60kg chè khô. Bây giờ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng diện tích ấy cho từ 80 - 90kg. Sản phẩm làm ra đến đâu bán được hết ngay đến đó, thậm chí có những thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đó chính là câu trả lời thuyết phục nhất về hiệu quả và chất lượng an toàn vệ sinh của sản phẩm. Tư thương thành phố Yên Bái lâu nay vẫn giữ vai trò tiêu thụ sản phẩm chè cho nhân dân địa phương. Giá thu mua tùy từng thời điểm, khoảng 100.000 đồng cho mỗi ki-lô-gam chè khô nhưng cũng có lúc lên tới 300.000 đồng.

Không có gì cụ thể hơn và thiết thực hơn đối với người nông dân bằng năng suất, chất lượng và thu nhập thực tế của gia đình họ khi tham gia bất kỳ mô hình hay dự án nào. Hộ bà Lựu cũng vậy. Từ hiệu quả của Dự án, tháng 8 năm ngoái, gia đình đã trồng thêm 4 sào chè Bát Tiên. Bà vui vẻ: “Thấy có hiệu quả thì trồng thêm chè, đơn giản thế thôi. Nói thật, mọi thứ là ông nhà tôi đi tập huấn về rồi bảo lại nhưng tôi cũng nắm chắc đấy. Cứ thế bảo nhau nên giờ nhiều người trong thôn Trực Thanh này cũng thích làm theo cách của Dự án rồi”.

Để sản phẩm chè luôn ổn định giá thu mua hẳn là mong ước không chỉ riêng của bà Lựu. Được vậy, cây chè Bát Tiên sẽ có thêm cơ hội phát triển hơn nữa và cũng sẽ có thêm nhiều người tiêu dùng được thưởng thức hương vị chè Bát Tiên.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015.

YBĐT - Vừa qua, Sở Công thương Yên Bái phối hợp với Công ty TNHH thương mại F17 và UBND huyện Trạm Tấu tổ chức phiên chợ "Đưa hàng việt về nông thôn" huyện Trạm Tấu năm 2015.

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái hỗ trợ người nộp thuế.

YBĐT - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, phát huy sức mạnh đoàn kết, dân chủ, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, Đảng bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý thuế và thu ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khách hàng đang giao dịch vàng miếng

Sáng nay (21/4), các thương hiệu vàng miếng trong nước cùng quay đầu đi xuống, riêng thương hiệu SJC được các doanh nghiệp giảm từ 50.000-70.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục