Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa
- Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2015 | 2:18:50 PM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái có nhiều thay đổi. Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao" được triển khai trên địa bàn đã tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hướng tới một nền nông nghiệp mang tính hàng hóa tập trung, chất lượng cao.
Các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, liên kết với doanh nghiệp giúp người dân yên tâm sản xuất. (Ảnh: Trang trại chăn nuôi Thanh Lâm, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái).
|
Sau hai năm thực hiện Đề án, thành phố đã triển khai hỗ trợ cho sản xuất trồng rau tập trung, rau trái vụ, nuôi trồng nấm, hoa, cây cảnh, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm... bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt hình thành vùng trồng rau tập trung có giá trị kinh tế tại các xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên, Văn Phú, Minh Bảo, Tân Thịnh. Hiện nay, tổng diện tích trồng rau của thành phố trên 560ha, trong đó trồng tập trung trên 150ha, chủ yếu tại các xã: Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Âu Lâu…, còn lại trồng phân tán trên toàn địa bàn. Thành phố đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đầu tư trồng các loại rau màu hiệu quả kinh tế cao như cà chua, ớt. Cùng với đó, thành phố cũng đã hỗ trợ cho 3,4ha mô hình trồng rau an toàn cho 3 xã: Âu Lâu, Minh Bảo, Tuy Lộc từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; triển khai dự án trồng bí đỏ đồng tiền tập trung tại xã Phúc Lộc với diện tích trên 9ha, cho thu nhập 2,6 triệu đồng/sào.
Chị Phạm Thị Linh ở thôn 3 Thanh Hùng, xã Tân Thịnh cho biết: “Chúng tôi xác định, trồng rau an toàn theo hướng hàng hóa tập trung để bảo đảm sức khỏe không những cho người tiêu dùng mà còn cho chính bản thân mình. Được tham gia các lớp tập huấn, tôi thấy, trồng rau an toàn rất dễ áp dụng, bảo vệ sức khỏe cho chính người trực tiếp sản xuất, kinh phí đầu tư không lớn hơn so với trồng rau theo truyền thống trước đây. Thu nhập từ trồng rau màu của gia đình tôi đã tăng hơn trước, 1 sào cũng đạt từ 6 - 7 triệu đồng”.
Trong năm 2013 và 2014, việc hỗ trợ sản xuất nấm tiếp tục được triển khai theo Đề án và ngày càng xuất hiện nhiều các cơ sở sản xuất nấm với quy mô lớn trên 3 vạn bịch nấm các loại như hộ ông Nguyễn Quốc Tuấn - xã Hợp Minh, ông Trương Văn Thắng - xã Giới Phiên… Các cơ sở này đã mang lại thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/năm. Hiện tại, có 33/35 cơ sở sản xuất nấm đầu tư bán kiên cố lán trại bằng cột bê tông để sản xuất lâu dài. Sản lượng nấm qua 2 năm đạt trên 300 tấn nấm tươi các loại, doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng. Tuy tổng số hộ tham gia sản xuất nấm mới bằng 11,7% so với mục tiêu Đề án đến năm 2015 là 300 hộ nhưng đây là những hộ sản xuất với quy mô tương đối lớn, lâu dài và bền vững.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới, thành phố đã hỗ trợ người dân đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp bán công nghiệp, hàng hóa chất lượng cao. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thành phố, giai đoạn 2008 - 2013, từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, thành phố đã triển khai 445 mô hình. Năm 2013 - 2014, thực hiện 117 mô hình, trong đó, 26 mô hình lợn nái, 35 mô hình lợn thịt, 32 mô hình cá lồng, 17 mô hình gà và 7 mô hình ba ba. Năm 2014 đã triển khai hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Đề án 86 mô hình với tổng số tiền 1,15 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Nguyệt - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: "Qua đánh giá, kiểm tra, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, đối với mô hình chăn nuôi lợn thịt, thu nhập bình quân 60 triệu đồng/năm, chăn nuôi lợn nái đạt 50 triệu đồng/năm, gà 1.000 con/lứa đạt 40 triệu đồng, nuôi lợn nái sinh sản kết hợp lợn thịt đạt 55 triệu đồng/năm, gà 300 con/lứa đạt 12 triệu đồng/năm. Các chính sách khuyến khích của tỉnh, của thành phố đối với các hộ chăn nuôi đã tác động tích cực đến việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân".
Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng là mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp thành phố trong thời gian qua. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã lồng ghép Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao” với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh và chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển khí sinh học bi-ô-ga, chương trình phục hồi thu nhập… tăng nguồn lực cho phát triển các mục tiêu trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án trong năm 2013 và năm 2014 là 7,7 tỷ đồng, trong đó nguồn của tỉnh 3,2 tỷ đồng, nguồn của thành phố 3,1 tỷ đồng, nguồn của chương trình phục hồi thu nhập đường cao tốc 1,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, nông dân đã đầu tư trồng rau an toàn, nuôi trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gia cầm, ba ba, cá lồng…
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của thành phố năm 2014 đạt 120 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, tổ chức, thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, qua đó, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các thành viên và đông đảo xã viên, người lao động trong các HTX.
YBĐT - Ngày 25/4, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chấp hành (mở rộng) lần thứ 8, khóa II, nhiệm kỳ 2011-2016 và kết nạp hội viên mới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí vốn cho công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng mới trồng và trồng rừng phòng hộ ở các khu vực rất xung yếu.