Triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 11/6/2015 | 3:13:04 PM
YênBái - YBĐT - Sáng 11/6, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên- Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trị Hội nghị triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020 (ảnh).
|
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nâng cao thu nhập và mức sống của cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định chính trị- xã hội; quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động tiêu cực đối với môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi ích về môi trường.
Mục tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thủy sản đạt 5,0%/năm. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp tập trung một số sản phẩm chủ yếu, có lợi thế để triển khai phát triển hiệu quả nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, phát triển trồng trọt theo hướng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, trong đó tập trung vào một số cây trồng có thế mạnh phát triển như: như quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa, ngô hàng hóa, xây dựng vùng thâm canh sắn bền vững trên đất dốc, nâng cao hiệu quả sản xuất chè, phát triển vùng cây ăn quả đặc sản…
Về chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại; phát triển chăn nuôi gắn với cơ sở giết mổ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đối với lâm nghiệp: đầu tư phát triển theo hướng nâng cao giá trị rừng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó là tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng; tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách, các đề án, dự án nhằm đổi mới cơ chế quản lý, khuyến khích hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tích cực.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh bổ sung 5 quy hoạch đã nêu trong Đề án, trong năm 2015 thực hiện 2 quy hoạch gồm: Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020, điều chỉnh Quy hoạch phát triển trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh, bổ sung lập mới 8 chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, trong năm 2015 triển khai 4 dự án: Dự án trồng cây sơn tra, vối thuốc trên đất lâm nghiệp tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; dự án trồng mới giống nhãn ghép và ghép cải tạo giống bằng giống nhãn chín muộn tại huyện Văn Chấn, Văn Yên; Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; Dự án quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2016-2020.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh theo đúng quy định của Nhà nước; thẩm định các đề án, dự án theo đúng quy định, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, đề án, dự án; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Sở Tài chính thẩm định tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án theo tiến độ đã được xác định trong Đề án; xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Đề án và kế hoạch của tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn hoàn thành trước 30/8/2015; phối hợp với các sở, ban, ngành tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung, phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành đã được xác định trong Đề án và nhu cầu thị trường, nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, hiệu quả…
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái hôm nay đã có những bước đổi thay, trong đó đồng vốn ngân hàng đã tỏa về các bản làng, vùng quê, trên khắp các cánh đồng, nương chè, đồi cây... làm bật lên một cuộc sống sinh động, phát triển. Từ những vùng quê nghèo, nay đã thay da đổi thịt, đời sống nhân dân no ấm hơn, cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch hiệu quả.
Ngân hàng Thế giới (WB ) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 2,8% trong năm 2015, hối thúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hoãn nâng lãi suất đến năm 2016.
YBĐT - Ngày 10/6, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình đã có cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Cuộc đối thoại có chủ đề “Huyện Yên Bình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. (ảnh)
YBĐT - Gốc Sấu là thôn đặc biệt khó khăn của xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, nằm cách trung tâm xã 3,5 km, cả thôn có 31 hộ dân, 187 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông. Trong những năm qua, Chi bộ thôn đã có nhiều giải pháp vận động nhân dân phát triển kinh tế, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.