Tiếp cận thuận lợi, sử dụng hiệu quả
- Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2015 | 9:50:44 AM
YênBái - YBĐT- Trong những năm qua, nhờ được tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Văn Chấn đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Người dân thôn Thác Hoa 3, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) sử dụng nguồn vốn vay NHCSXH huyện trồng chè giống mới cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Chi Phạm Thị Khanh - thôn Thác Hoa 3, xã Sơn Thịnh là một trong những điển hình sử dụng hiệu quả cao nguồn vốn vay từ NHCSXH để vươn lên thoát nghèo. Được biết, trước đây, gia đình chị Khanh cũng có của ăn, của để, nhưng năm 2009 tai họa ập xuống khi chồng chị phát hiện mắc căn bệnh ung thư phổi. "Có bệnh thì vái tứ phương", hễ có người mách ở đâu có thuốc chữa được bệnh là chị lại "khăn gói quả mướp" lên đường. Sau hơn một năm chạy chữa, chồng chị ra đi, bỏ lại người vợ trẻ và 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Tài sản bao năm tích góp cũng tiêu tan theo những tháng ngày điều trị bệnh, trên 1,5ha chè do không có tiền đầu tư phân bón và cải tạo nên cũng còi cọc.
Năm 2013, qua giới thiệu của Hội Phụ nữ xã, chị được NHCSXH huyện Văn Chấn cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Từ số tiền vay này cộng với khoảng 5 triệu đồng tích góp được, chị đầu tư cải tạo trên 5.000m2 chè già cỗi bằng giống chè cành cho năng suất và chất lượng cao. Cùng với việc tích cực đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc trên 1 ha chè cũ, chị mua dụng cụ nấu rượu và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Do chăm chỉ làm ăn, đến nay, chị đã có cuộc sống ổn định. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm trên 80 triệu đồng.
Cũng như trường hợp của chị Khanh, gia đình anh Triệu Văn Mong, dân tộc Dao, thôn Phù Sơn, xã Sơn Thịnh cũng là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH. Năm 2013, anh được NHCSXH huyện cho vay 25 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình vùng khó khăn. Có tiền, anh đầu tư chuyển đổi giống cây trồng cũ kém hiệu quả sang đầu tư trồng chè và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Mong cho biết: "Trước đây, trên 2 ha nương, đồi gia đình đầu tư trồng cây sắn. Canh tác nhiều năm, đất bạc màu nên sắn ít củ, cộng với giá mua thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Có năm tiền bán sắn không đủ tiền trả công thu hoạch chứ không nói đến đầu tư".
Khi được vay 25 triệu đồng từ NHCSXH, anh đầu tư 15 triệu đồng cải tạo đất trồng trên 7.000m2 chè cành. Được tập huấn kỹ thuật, thấy rõ lợi ích kinh tế từ cây chè giống mới, anh phá bỏ tiếp hơn 5.000m2 còn lại để chuyển sang trồng chè. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây chè bén rễ lên xanh tốt, đến nay bắt đầu cho thu hoạch. Không dừng lại ở đó, anh còn đầu tư trên 10 triệu đồng làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chịu khó học hỏi lại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn lựa con giống, phòng chống dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình khỏe mạnh, chóng lớn. Tính trung bình mỗi năm từ trồng trọt, chăn nuôi, gia đình anh Mong thu được gần 100 triệu đồng. Chị Khanh, anh Mong là hai trong nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Văn Chấn vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH triển khai tại địa phương. Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Văn Chấn giảm trung bình 4% - 5%/năm.
Ông Đỗ Long Thảo - Phó giám đốc NHCSXH huyện Văn Chấn cho biết: "Để đồng vốn cho vay phát huy tốt hiệu quả, NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên của huyện tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động, đồng thời bàn biện pháp chỉ đạo điều hành hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo cũng như chú trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 476 tổ vay vốn". Tính đến cuối tháng 6 năm 2015, tổng dư nợ ủy thác đạt 306,2 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ ưu đãi, bằng 106,8%. Dư nợ cho vay hộ nghèo đạt trên 136 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 5,75 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 349 triệu đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh 61 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 48,6 tỷ đồng… Nợ quá hạn ủy thác chỉ có 404 triệu đồng, chiếm 0,14%.
Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch tiếp tục làm tốt việc cung ứng vốn ưu đãi đến các hộ dân, hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, theo quy định mới, hiện hạn mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo được nâng lên từ 30 triệu đồng/hộ lên mức 50 triệu đồng/hộ. Đây là tín hiệu vui cho những hộ thuộc diện chính sách trên địa bàn có điều kiện hơn nữa tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, đầu tư cải tạo cây trồng và chăn nuôi đại gia súc, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên (Yên Bái) đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng (BVR), thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức tuần tra, truy quét và xử lý các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Nhờ đó, rừng trên địa bàn được bảo vệ tốt hơn; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép được đẩy lùi.
Bộ tài chính đang soạn thảo Dự thảo Quyết định về việc sửa đổi khoản 4 Điều 10 của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu.
YBĐT - Những ngày này, bà con nông dân huyện Lục Yên đang tập trung sản xuất lúa mùa. Bất chấp cái nắng như đổ lửa, trên mọi cánh đồng đều tấp nập người và máy móc làm đất, cấy lúa... Tất cả đang chạy đua cùng thời vụ. Tuy nhiên, nhiều diện tích khô hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất vụ mùa.
YBĐT- Khai Trung là xã vùng cao nằm ở phía tây bắc của huyện Lục Yên, được ví như một bình nguyên giữa rừng núi trùng điệp. Đã từ nhiều năm nay, với quyết tâm khai thác tiềm năng đất đai và thế mạnh cây ngô theo hướng sản xuất hàng hóa, người dân Khai Trung đã gieo trồng theo kỹ thuật canh tác bền vững tạo nên những vùng ngô hàng hóa, tập trung.