Bước đột phá trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/7/2015 | 1:26:45 PM

YênBái - YBĐT - Với nhiều “quyết sách” trúng và đúng, Yên Bình đã vận dụng và khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có của địa phương để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Nhờ đó, sản xuất CN - TTCN đã có bước đột phá cả về số lượng và giá trị, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Sản phẩm măng khô của Công ty cổ phần Yên Thành được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản.
Sản phẩm măng khô của Công ty cổ phần Yên Thành được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản.

Bất chấp nắng nóng gay gắt của những ngày hè, trên khắp các nhà máy, phân xưởng dọc quốc lộ 70 cho đến vùng Đông hồ và Cụm công nghiệp (CN) Thịnh Hưng, tiếng máy, tiếng chuông báo ca vẫn vang lên từng hồi. Không khí lao động khẩn trương, hối hả tràn ngập mọi nẻo đường. Dẫn chúng tôi đi thăm các cơ sở sản xuất CN - TTCN, anh Tô Ngọc Phương - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thông tin nhanh: “Hiện, Yên Bình có 847 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến CN-TTCN, trong đó có 36 công ty, doanh nghiệp tư nhân, 10 hợp tác xã và 802 hộ cá thể, tăng 58 cơ sở so với năm 2010”.

Theo anh Phương, tiêu biểu trong số những cơ sở mới đi vào hoạt động phải kể đến Công ty Daesung Global Hàn Quốc. Đây là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên “đặt gạch” tại Cụm CN Thịnh Hưng, thuộc xã Thịnh Hưng của huyện. Cuối năm 2013, Nhà máy May xuất khẩu của Công ty chính thức khởi công. Để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, huyện Yên Bình đã cùng với các ban, ngành của tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục đầu tư. Nhờ đó, đầu năm 2014, Nhà máy đã có toàn bộ cơ sở hạ tầng để thực hiện dự án. Đến nay, đã đi vào hoạt động ổn định với trên 500 lao động có tay nghề, sẵn sàng đáp ứng mọi điều kiện về đơn hàng của các đối tác.

Bên cạnh những cơ sở mới thành lập, các cơ sở sản xuất, chế biến đã gắn bó lâu trên địa bàn cũng không ngừng mở rộng thị trường, quy mô kinh doanh và dây chuyền công nghệ. Với ngành nghề sản xuất chính là chế biến gỗ rừng trồng và tre măng Bát độ, Công ty Cổ phần Yên Thành đã “dừng chân” ở Yên Bình được 10 năm nay. Ngay từ khi đến đầu tư, Công ty đã được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cho biết: “Trong năm 2014, Công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại. Nhờ đó trong quí I/2015, mặc dù thời tiết mưa nhiều nhưng Công ty vẫn sản xuất, tiêu thụ được trên 1.200m3 gỗ sản phẩm và gần 300 tấn tre măng Bát độ, doanh thu đạt trên 17 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm gỗ và tre măng Bát độ của Công ty giờ đây không chỉ tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước mà đã mở rộng đến các thị trường ngoài nước như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Theo bà Nguyễn Thị Toán - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, mặc dù không có nhiều tài nguyên, khoáng sản cũng như lợi thế nhưng Yên Bình luôn xác định CN là khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Vì thế, huyện đã đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 17 - NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển CN giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời ban hành nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư.

Qua đó, Yên Bình thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước cải cách hành chính; chú trọng làm tốt công tác đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao chất lượng lao động, hệ thống đào tạo nghề theo hướng thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của địa phương. Huyện cũng đã thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ với các chủ doanh nghiệp để động viên, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, trong xây dựng kết cấu hạ tầng, Yên Bình đã làm tốt công tác quy hoạch đất đai ở các xã, thị trấn, quy hoạch cụm dân cư, cụm CN tại 2 xã Mông Sơn và Thịnh Hưng; quy hoạch vùng lúa cao sản, trồng rừng, chè, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để phục vụ cho CN chế biến và xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống chợ, đường giao thông, đường điện khá đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chế biến và bao tiêu sản phẩm.

Với những cách làm trên, trong 5 năm qua, Yên Bình đã thu hút được 52 dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn trên 5.000 tỷ đồng. Đây thực sự là một thành công lớn của huyện, bởi từ làm tốt thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất CN - TTCN đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Giá trị sản xuất CN - TTCN năm 2015 ước đạt 1.341 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), trong đó, phần địa phương quản lý đạt 600 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đề ra, tăng 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Sản xuất CN - TTCN hàng năm đã tạo ra nhiều sản phẩm như: xi măng 1,2 triệu tấn; bột Cacbonat Canxi 285.000 tấn; chè khô 3.200 tấn, gỗ xẻ 80.000 m3; sản phẩm may xuất khẩu 290.000 sản phẩm... Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước đạt 17 triệu USD (tương đương 370 tỷ đồng), chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 84,7% so với năm 2010.

Sản xuất CN tăng trưởng cao, trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành 22/24 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Tin tưởng rằng, với quyết tâm và cách làm đúng hướng, sản xuất CN - TTCN huyện Yên Bình sẽ có những bứt phá mới, đưa Yên Bình hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Hùng Cường

Các tin khác
Mô hình nuôi lợn của hộ ông Trần Xuân Tẩm cho hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Là địa phương có diện tích lúa nước khá khiêm tốn, nhưng với bước đi, cách làm năng động, nhạy bén, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) đã vươn mình trở thành “đầu tàu” trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Sáng nay, giá vàng miếng SJC chỉ hạ 50.000 đồng nhưng từng đó cũng đủ để tuột khỏi mốc 33,90 triệu đồng/lượng, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2010.

Nông dân thị xã Nghĩa Lộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đúng hướng dẫn để bảo vệ lúa mùa.

YBĐT - Thời điểm này, hơn 812 ha lúa mùa trà sớm của thị xã Nghĩa Lộ đã đẻ nhánh cấp II, trà chính vụ đang đẻ nhánh cấp I, nhìn chung sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất.

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái hướng dẫn người nộp thuế kê khai thuế.

YBĐT - Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, tình hình thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mức tăng trưởng khá, đạt 671 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khả quan khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, công tác thu ngân sách trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi ngành thuế phải phấn đấu cao hơn nữa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục