Hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/8/2015 | 3:32:27 PM

YênBái - YBĐT - Mặc dù là tỉnh miền núi điều kiện kinh tế chưa phát triển nhưng quán triệt và vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương nên trong những năm qua, mạng lưới giao thông của Yên Bái phát triển mạnh mẽ.

Đường tránh ngập thành phố Yên Bái.
Đường tránh ngập thành phố Yên Bái.

Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng Giao thông - Vận tải (GTVT) ở miền núi của Đảng và Nhà nước, trong những năm đổi mới, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống giao thông hợp lý, đủ mạnh để phục vụ kịp thời nhu cầu của nền kinh tế đang bước vào giai đoạn hội nhập.

Trong những năm 1990 trở lại đây, GTVT của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực. Các tuyến đường huyết mạch được đầu tư xây dựng khá đồng bộ như Quốc lộ 70, 37, 32, 32C, Yên Bái - Khe Sang, Yên Thế - Vĩnh Kiên... và đặc biệt là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới đưa vào khai thác.

Có được những kết quả đó là do ngành đã biết phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, tranh thủ khai thác tối đa các nguồn lực, kể cả nguồn lực tại chỗ, nguồn lực trong nước và viện trợ quốc tế để xây dựng, phát triển và quản lý tốt hệ thống giao thông. Giao thông phát triển, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh có điều kiện giao thương với các tỉnh lân cận và nước láng giềng Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp kinh tế, xã hội của Yên Bái phát triển với những sắc thái mới, tạo đà để tỉnh trở thành vùng kinh tế năng động, thích ứng với chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước.

Có rất nhiều con đường là động lực giúp Yên Bái cất cánh trong đó, đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có thể nói là một điểm nhấn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Sau 5 năm thi công, tuyến cao tốc được đưa vào khai thác đã giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai và ngược lại xuống còn 3,5 giờ thay vì 7 giờ như trước đây, rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh Yên Bái với thủ đô Hà Nội xuống còn 120km, từ Yên Bái đi cửa khẩu Quốc tế Lào Cai còn dưới 130km và Yên Bái đi Cảng Hải Phòng xuống còn dưới 190km. Để đón đầu những lợi thế khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, tỉnh đã mở tuyến đường tránh ngập thành phố Yên Bái đi qua các Cụm công nghiệp Đầm Hồng, Cụm công nghiệp Phía Nam đấu nối với đường cao tốc. Cùng với đó là quy hoạch mở rộng các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư.

Có thể thấy trong hơn 5 năm trở lại đây, tỉnh Yên Bái đã huy động nhiều nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở các vùng động lực kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, vùng sâu, vùng xa. Các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh được đầu tư thỏa đáng đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống đường giao thông ở 9 huyện, thị, thành phố. Đây cũng là thời kỳ có nhiều công trình giao thông quan trọng được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng như đường Mường La - Mù Cang Chải nối gần khoảng cách huyện nghèo Mù Cang Chải với tỉnh Sơn La; đường Khánh Hòa - Minh Xuân; Dự án nâng cấp quốc lộ 32C, đường Yên Bái - Khe Sang, Yên Thế - Vĩnh Kiên…

Không chỉ đầu tư xây dựng những con đường chính mà nhiều cầu, cống trên các trục đường vào đến trung tâm xã của tất cả các huyện, trong đó có các xã vùng sâu, vùng xa đều được đầu tư xây dựng, đã chấm dứt tình trạng ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, đồng thời mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng quê. Đa số các nguồn vốn đầu tư được huy động từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn vay. Chỉ tính riêng năm 2012, số vốn đầu tư cho giao thông là 389,422 tỷ đồng; năm 2013 là 356,072 tỷ đồng và năm 2014 là trên 1.000 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, nhân dân, ngành giao thông đến nay, Yên Bái đã có mạng lưới giao thông phát triển và phân bổ khá hợp lý với mạng lưới giao thông đường bộ trên 6.000km (4 tuyến quốc lộ với tổng số 377km, 15 tuyến tỉnh lộ với tổng số 424km và 5.694km đường giao thông nông thôn - miền núi). Đặc biệt là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua Yên Bái dài 72 km đã rút ngắn thời gian đi các vùng kinh tế trọng điểm; cùng với mạng lưới đường sắt dài 83km và 115km đường sông qua địa bàn tỉnh đã tạo cho Yên Bái mạng lưới giao thông đồng bộ, liên kết từ đông sang tây, tạo đà cho kinh tế xã hội Yên Bái cất cánh trong những năm tới.

Quang Thiều

Các tin khác
Tổng nhu cầu than của cả nước năm 2016 là 41,8 triệu tấn, đến năm 2020 là 74,9 triệu tấn và năm 2030 là 143,7 triệu tấn, trong khi khả năng khai thác nội tại của Việt Nam là thấp hơn nhiều.

Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc sản xuất, và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này.

Hiện mức giá điện mà EVN bán ra thị trường ở mức bình quân là 1.622,05 đồng/kW/h, được áp dụng từ 16/3.

Theo Cục Điều tiết điện lực, giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm là 1087,3 đ/kWh. Hiện mức giá điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán ra thị trường ở mức bình quân là 1.622,05 đồng/kW/h, được áp dụng từ 16/3.

Ngày 27-8, Bộ Công thương cho biết, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng về việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng dầu.

Ngày 26/8, Bộ Công Thương cho biết, dù ASEAN đang phải đối mặt với những biến động kinh tế khu vực và toàn cầu, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 (AEM-47) tại Kuala Lumpur, Malaysia, vẫn khẳng định quyết tâm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục