Tránh phát sinh khiếu kiện từ việc quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường
- Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2015 | 9:08:30 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với một số công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi từ các nông, lâm trường trước đây của các cơ quan chức năng Nhà nước cho thấy, việc chấp hành pháp luật về đất đai của một số công ty còn bộc lộ không ít hạn chế.
Cụ thể về thủ tục: Mẫu đơn xin giao khoán đất, hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản và biên bản giao khoán, nhận khoán về đất không đúng theo mẫu số quy định tại Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, trong hồ sơ giao khoán không trích lục thửa đất từ hồ sơ địa chính, trích đo địa chính thửa đất, không có danh sách công khai các trường hợp đủ điều kiện giao khoán đất và không có bộ sổ theo dõi biến động tình hình sử dụng đất và bộ sổ địa chính theo quy định tại Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về quản lý và sử dụng đất cũng còn nhiều vấn đề phải bàn như: Ranh giới, diện tích đất giao khoán giữa hồ sơ và thực tế không đồng nhất. Nhiều hộ gia đình sau khi nhận khoán tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng sai mục đích. Nhiều diện tích đất được thuê đã có biến động nhưng các công ty không đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai. Diện tích đất nông nghiệp được thuê để sản xuất nhưng trên thực tế ở một số công ty sau khi được Nhà nước cho thuê đất tiến hành ký hợp đồng giao khoán cho các hộ gia đình tự bỏ vốn ra trồng cây, sản xuất kinh doanh và công ty được hưởng giá trị phần trăm của sản phẩm thu được theo từng chu kỳ, na ná hình thức phát canh thu tô.
Thời gian gần đây, trong diện tích đất của một số công ty đã được Nhà nước cho thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp hoặc làm trụ sở của các đội sản xuất, lợi dụng trình độ dân trí hạn chế của người dân địa phương, không hiếm doanh nghiệp đã tổ chức bán tài sản trên đất là vườn cây hoặc trụ sở các đội sản xuất cho các hộ dân. Tài sản này đều không còn giá trị sử dụng (vườn cây thì già cỗi, không cho sản phẩm mà trụ sở các đội sản xuất thì đã mục nát).
Điều cần nói ở đây là về giá cả của những tài sàn này lại rất cao mà người dân vẫn mua vì cho rằng số tiền bỏ ra mua có cả giá trị quyền sử dụng đất. Thế nhưng không mấy người dân hiểu được đối với diện tích đất này khi Nhà nước thu hồi của các công ty, nếu chuyển sang làm đất ở, theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 sẽ phải tổ chức bán đấu giá. Nếu người mua tài sản trên đất mà không trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc có trúng đấu giá thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp đủ số tiền theo kết quả đấu giá, cộng với số tiền đã mua tài sản từ trước, dẫn đến tổng số tiền sẽ rất lớn so với giá trị thực của thửa đất, do vậy có thể sẽ phát sinh khiếu kiện.
Trên thực tế, đã có những trường hợp người dân đã rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười này vì mua những nhà đội sản xuất nằm trên đất nông trường thuê, trị giá thực chỉ đáng một vài triệu đồng, song số tiền mà họ phải bỏ ra lớn hơn thế rất nhiều, vì cho rằng số tiền bỏ ra mua đã có cả giá trị quyền sử dụng đất.
Từ thực tế trên khuyến cáo các hộ dân không nên bỏ tiền ra mua những vườn cây hoặc những trụ sở các đội sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường với cái giá “trên trời”, để rồi tự nhận về mình phần hậu quả thiệt thòi “tiền mất tật mang”.
Phạm Minh
Các tin khác
So với chốt phiên trước, giá vàng SJC giảm 120.000 đồng/lượng. Vàng thế giới giảm 16 USD về mức 1.105 USD/oz.
Sáng nay ngày 9/9, hầm đường bộ dài trên 500m qua thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) trên tuyến đường bộ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã được thông sau 7 tháng thi công, vượt tiến độ đề ra.
Sáng 9/9, Bộ Giao thông Vận tải chính thức phát đi thông cáo liên quan đến việc xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác gây thiệt hại, lãng phí cho ngân sách Nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao) mà báo chí có phản ánh thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký ban hành Quyết định số 3210/QĐ-BGTVT ngày 7/9 yêu cầu kiểm tra đối với công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải.