Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ bắt đầu thu phí từ ngày 15/9 tới
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2015 | 3:11:58 PM
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ vừa có đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải cho phép nhà đầu tư tổ chức thu phí hoàn vốn dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) từ ngày 15/9.
Vị trí một trạm thu phí tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Quang Cường/Vietnam+)
|
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, giai đoạn 1 của Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc này đã hoàn thành công tác thi công vào ngày 30/6 vừa qua và đã được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.
Đến nay, nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng và lắp đặt xong thiết bị tại trạm thu phí, đã lắp đặt xong hệ thống chiếu sáng. Trong thời gian đầu thu phí, khi chưa hoàn thiện nhà điều hành thu phí, Công ty cồ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đã bố trí các container để thay thế tạm thời và lắp đặt xong các thiết bị điều hành thu phí, đảm bảo hoạt động thu phí được tiến hành bình thường.
“Nhà đầu tư đã ký hợp đồng và in đầy đủ các loại vé theo quy định tại Thông tư số 45/2015/TT-BTC và được Cục Thuế Hà Nội chấp thuận cho phép sừ dụng đồng thời đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo và bố trí đầy đủ bộ máy tổ chức thu phí sẵn sàng thực hiện công tác thu phí,” bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cho hay.
Theo đó, trên dọc tuyến đường có tổng chiều dài 29km sẽ bố trí hệ thống các trạm thu phí gồm một trạm trên đường cao tốc tại Km188+300; 2 trạm nằm trên đường nhánh tại các nút giao Thường Tín, Vạn Điểm; một trạm nằm trên đường nhánh đi Quốc lộ 1 cũ và trạm dùng chung với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tại Km212+200 trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.
Trước đó, Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ. Mức thu phí cụ thể dao động từ 10.000-180.000 đồng/vé/lượt tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.
Đoạn tuyến được đề xuất mức phí thấp nhất là đoạn Vạn Điểm-cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và ngược lại với mức thu từ 10.000-40.000 đồng/vé/lượt, tùy loại phương tiện.
Đoạn tuyến được đề xuất mức phí cao nhất là đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ-Hà Nam và ngược lại mức thu từ 45.000-180.000 đồng/vé/lượt, tùy loại phương tiện. Đoạn tuyến Pháp Vân-cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và ngược lại cũng được đề xuất mức thu từ 45.000-175.000 đồng/vé/lượt, tùy loại phương tiện.
Biểu mức cước phí phương tiện phải nộp qua tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Quang Cường/Vietnam+)
Bên cạnh đó, các phương tiện cũng có thể sử dụng vé tháng với mức từ 300.000-5.400.000 đồng/vé/tháng; vé quý với mức từ 810.000-14.580.000 đồng/vé/quý tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.
Tuyến đường có thời gian thu phí hơn 17 năm. Với phương án thu phí này, dự án có đơn giá 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi), bằng với mức thu tại các tuyến đường cao tốc làm mới như Cầu Giẽ-Ninh Bình, hay Nội Bài-Lào Cai.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng chiều dài khoảng 29km với điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội). Điểm cuối tại Km211+256 (Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình).
Dự án có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được khởi công từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Tổng mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25,0m.
Giai đoạn 2, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, dự kiến vào tháng Mười tới sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn, xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng.
Dự kiến, việc giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong năm 2015-2016 và tổ chức thi công công trình hoàn thành cuối năm 2017 để đến đầu năm 2018 đưa vào khai thác.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Tuần Văn hóa - Du lịch (VH&DL) Mường Lò năm 2015 được tổ chức chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng Nghĩa Lộ (18/10/1952 - 18/10/2015) và nhằm tôn vinh, quảng bá nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2016 sẽ cắt 10% chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan Trung ương so với dự toán của năm 2015, trừ các khoản chi cho con người và nhiệm vụ đặc thù.
Theo VDSC, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000-20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua.
YBĐT - Còn chưa đầy một tháng nữa, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chính thức diễn ra. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do đó luôn thu hút được sự quan tâm của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.