Yên Bái đồng hành cùng doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/10/2015 | 10:02:52 AM

YênBái -

YBĐT - Ông Kim Sangho - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Daesung Global chia sẻ: “...Trong quá trình tuyển dụng lao động, Công ty đã được các sở, ban, ngành phối hợp giúp đỡ để có thể nhanh chóng tuyển dụng được lượng lao động theo nhu cầu".

Dây chuyền Nhà máy may của Công ty TNHH Daeseung Global tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Yên Bình. (Ảnh: Thanh Miền)
Dây chuyền Nhà máy may của Công ty TNHH Daeseung Global tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Yên Bình. (Ảnh: Thanh Miền)

Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp là sự phát triển của Yên Bái”, tỉnh Yên Bái đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi khó khăn và thuận lợi.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái có sự phát triển khá nhanh về số lượng, cơ cấu ngành nghề và quy mô vốn kinh doanh đã có sự thay đổi lớn. Số doanh nghiệp hiện có quy mô vốn kinh doanh theo đăng ký từ 10 tỷ đồng trở lên chiếm khoảng trên 250 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 23 nghìn người lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Đến hết năm 2014, tỉnh Yên Bái có tổng số 1.357 doanh nghiệp, 328 hợp tác xã và 20.781 hộ kinh doanh cá thể. Tổng số tiền thuế các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách Nhà nước là trên 723 tỷ đồng, chiếm 56% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp của tỉnh vẫn chưa vượt qua được những khó khăn, yếu kém về năng lực do đa số quy mô kinh doanh nhỏ, máy móc thiết bị sản xuất lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật và thợ bậc cao, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế vì thiếu các nhà quản lý giỏi. Điều đó dẫn đến trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp, sức cạnh tranh yếu, thiếu sự liên doanh liên kết nên bị động trước sự biến động của thị trường.

Cùng với đó, sự phát triển của các doanh nghiệp chưa được đầu tư theo chiều sâu, chưa gắn được sự đầu tư phát triển của doanh nghiệp với quy hoạch và kế hoạch phát triển của tỉnh. Ở một số lĩnh vực, doanh nghiệp phát triển quá nhiều, dẫn đến thiếu việc làm (lĩnh vực xây dựng, tư vấn giám sát, chế biến chè, chế biến gỗ), năng lực tài chính lại yếu kém nên hoạt động rất khó khăn, hiệu quả kinh doanh không cao.

Để khắc phục những nhược điểm này, thời gian qua, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chủ trương không phát triển các cơ sở chế biến nhỏ mà tập trung đổi mới thiết bị ở các nhà máy chế biến hiện có. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mới phải trên cơ sở cân đối đủ về nguyên liệu và đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, quy trình chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong chế biến chè, cần nâng cao chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến chè cần giải quyết tốt từ khâu chọn giống chè, thực hiện quy trình trồng và chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn kỹ thuật sạch. Trong chế biến sắn, cần ổn định vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm nguồn cung cấp đủ cho các nhà máy sắn Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn; không mở rộng diện tích trồng sắn và đầu tư thêm các nhà máy chế biến sắn; các nhà máy đã xây dựng cần tập trung đầu tư chiều sâu thiết bị chế biến tinh bột sắn thành các sản phẩm như sản xuất cồn, bánh kẹo, đồ thực phẩm gia dụng, thức ăn gia súc...

Cán bộ bán hàng Công ty TNHH Hòa Bình Yên Bái giới thiệu sản phẩm.

Ông Kim Sangho - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Daesung Global chia sẻ: “Chúng tôi chọn Yên Bái là nơi đầu tư dự án vì ở đây, chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất tích cực và toàn diện của lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện và các ban, ngành, đoàn thể cũng như chính quyền địa phương cơ sở. Đặc biệt, trong quá trình tuyển dụng lao động, Công ty đã được các sở, ban, ngành phối hợp giúp đỡ để có thể nhanh chóng tuyển dụng được lượng lao động theo nhu cầu. Trong đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các trung tâm dạy nghề tại các huyện, xã trong tỉnh đào tạo và tuyển dụng lao động trực tiếp cho Công ty. Lực lượng lao động địa phương khá dồi dào, chịu khó, nhanh chóng tiếp thu và nắm bắt các máy móc kỹ thuật tiên tiến. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương tỉnh Yên Bái đã giúp đỡ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục về mặt pháp lý cũng như công tác tuyển dụng lao động. Chúng tôi hứa sẽ đưa dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Yên Bái”.

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp tiêu biểu nhân dịp đầu năm 2015 vừa qua, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để kịp thời khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể bao gồm: giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc; là cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp với các tổ chức để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững; công khai, minh bạch các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của trung ương và địa phương; xã hội hóa nguồn lực đầu tư.

"Tỉnh Yên Bái thành lập 1 tổ công tác chuyên giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp do một đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dựa trên căn cứ pháp lý thuộc thẩm quyền của tỉnh; phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp” - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Cán bộ Chi cục Hải quan Yên Bái tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và ổn định sản xuất cùng với những giải pháp, chính sách của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã triển khai tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ. Yên Bái đã tích cực triển khai các giải pháp về giảm lãi suất cho vay, cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với sản xuất, kinh doanh hàng xuất, nhập khẩu; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ngành công nghiệp hỗ trợ đồng thời xử lý các tồn đọng về tài chính như: khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ các khoản phải nộp ngân sách đối với các doanh nghiệp nợ thuế do nguyên nhân bất khả kháng…

Ngành thuế với chức năng của mình đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh phù hợp với từng địa bàn dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ chính sách thuế cho người nộp thuế…

Quang Thiều

Các tin khác

YBĐT - 9 tháng năm 2015, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (Cục Thuế tỉnh quản lý) đạt 989 tỷ đồng (bằng 82% dự toán Bộ Tài chính giao, 72% dự toán của tỉnh và 116% so cùng kỳ năm trước). Có 7/10 chỉ tiêu thu đạt từ 74% trở lên.

YBĐT - Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của thành phố Yên Bái (phần thành phố quản lý) 9 tháng đạt 4.982 tỷ đồng, bằng 66,43% kế hoạch.

YBĐT - Đến nay, huyện Văn Yên đã thu 66 tỷ 277 triệu đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước, đạt 90,8% dự toán tỉnh giao, 86,2% dự toán huyện đề ra, vượt 16,7% so với cùng kỳ năm 2014.

YBĐT - Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái 9 tháng qua ước đạt 5.292 tỷ đồng, bằng 62,27% kế hoạch năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục