Giai đoạn 2016-2020, Yên Bái phấn đấu kiên cố hóa 700km đường giao thông nông thôn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/10/2015 | 2:09:29 PM

YênBái - YBĐT - Sáng 17/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm định “Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020” và “Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”.

Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,  Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Dự thảo Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ kiên cố hóa ít nhất 700 km mặt đường GTNT (trong đó 300km đường loại bề mặt rộng 3m (Bm=3,0) và 400km đường loại Bm= 1,5) và mở mới, mở rộng ít nhất 600km đường thôn bản.

Về suất đầu tư, đối với loại mặt đường Bm=3,0 tại các xã, phường, thị trấn có suất đầu tư khoảng 0,66 tỷ đồng/km và suất đầu tư khoảng 0,78 tỷ đồng/km tại các xã, thị trấn của hai huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu; đối với loại mặt đường Bm=1,5 tại các xã, phường, thị trấn có suất đầu tư khoảng 0,21 tỷ đồng/km và suất đầu tư 0,25 tỷ đồng/km tại các xã, thị trấn của hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.

Tổng nhu cầu nguồn vốn cho cả giai đoạn để thực hiện Đề án là 398 tỷ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 224,4 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của nhân dân 173,6 tỷ đồng.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ( thứ 4, phải sang) trao đổi với các đại biểu về các đề án, chính sách hỗ trợ của tỉnh. 

Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị, thành phố đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp vào nội dung Đề án, tập trung vào một số vấn đề cụ thể. Đó là, về cơ chế hỗ trợ, đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ suất đầu tư, tăng mở mới loại đường Bm=3,0 và giảm đường loại Bm=1,5; áp dụng cơ chế hỗ trợ với các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng 2 như với 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải trình bày Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020.

Về việc ban hành chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, các ý kiến đóng góp vào những nội dung cơ bản của Dự thảo bổ sung một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn, để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư san tạo, giải phóng mặt bằng đối với các dự án trong các khu công nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 50% kinh phí san tạo mặt bằng; mức hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/dự án.

Về hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, đối với các khu công nghiệp, ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước đến hàng rào khu công nghiệp. Đối với các cụm công nghiệp, bổ sung mức hỗ trợ 50% kinh phí từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ huyện xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước đến hàng rào cụm công nghiệp.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi gia súc, hỗ trợ trồng cây dược liệu, trồng rau an toàn... được hỗ trợ 70% chi phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án. Đây là những lĩnh vực có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 nên cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động địa phương, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long đề nghị, các địa phương cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, quy định về việc phân cấp quản lý đầu tư và các thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Về Đề án phát triển giao thông nông thôn cần xem xét, tính toán về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế hỗ trợ đối với các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng 2; tăng cường công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao.

Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng tiếp thu những ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố, đồng thời đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa sớm hoàn thiện đề án và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh để trình các cấp có thẩm quyền và Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ họp tới nhằm triển khai thực hiện các đề án đạt hiệu quả cao.

Đức Toàn


Các tin khác
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi.

Chiều 16/10, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

YBĐT - Năm 2015, Trạm Tấu có kế hoạch mở mới, mở rộng 123 km đường đất, 2 km đường bê tông; tổng kinh phí hỗ trợ tỉnh phê duyệt hơn 4,5 tỷ đồng. Để đảm bảo đủ nguồn vốn triển khai các công trình, ngành chức năng đã tham mưu cho UBND huyện phân bổ nguồn vốn theo hướng ưu tiên vốn cho các công trình đường bê tông, các công trình có tính khả thi và hiệu quả công trình cao để phân bổ nguồn vốn.

Lực lượng vũ trang huyện Trạm Tấu cùng người dân tham gia xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo tại thôn Tà Chử, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt, thực hiện hiệu quả Đề án Giảm nghèo bền vững với 11 nhóm chính sách, dự án và các giải pháp tổng thể mà Trung ương chỉ đạo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 20,56% cuối năm 2014 (bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 4%/năm, riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải trên 6%/năm), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa cho biết, tính đến 12 giờ trưa 15-10, đã có 122.755 vé tàu tết Bính Thân được bán qua các hình thức: qua web, tại các điểm thu hộ, các cửa vé, qua điện thoại giao tận nhà…, chiếm khoảng 80% số vé tàu tết theo kế hoạch. Trong đó, số vé bán qua web là 62.000 vé, số vé bán tại ga là 60.755 vé.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục