Ngô, rau xanh đồng đồng đất Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/10/2015 | 2:40:02 PM

YênBái - YBĐT - Màu xanh của cây ngô đông và rau màu các loại đã dần phủ kín khắp đồng đất. Sáng sáng, chiều chiều, nông dân bận rộn thăm đồng, chăm sóc cho cây ngô đông, cây rau tươi tốt...

Làm dèo cho đỗ ở xã Việt Thành.
Làm dèo cho đỗ ở xã Việt Thành.

Đào Thịnh là một trong tám xã trọng điểm trồng ngô vụ đông của huyện Trấn Yên. Thời gian này, nông dân địa phương đang tập trung chăm sóc ngô. Vụ đông năm nay, xã đã hoàn thành trồng 76/75 ha ngô đông, trong đó ngô đông trên đất hai vụ lúa là 66 ha, trên đất soi bãi là 10 ha. Diện tích này không thay đổi so với vụ đông năm ngoái. Đào Thịnh đã nhận hỗ trợ 340 kg ngô giống DK 6919. Tất cả 7 thôn của xã đều trồng ngô vụ đông, nhiều nhất là thôn 3 với 17 ha, thôn 4 là 14 ha, thôn 1 trồng 10 ha, còn lại rải rác ở các thôn.

Đồng chí Đặng Văn Trung - Phó chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết: "Thôn 3 có diện tích ngô đông trên đất hai vụ lúa lớn nhất vì chủ động được nguồn nước từ trạm bơm, hệ thống kênh mương đã kiên cố hóa toàn bộ. Bên cạnh đó, thôn thực hiện tốt khung thời vụ và người dân có kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất". Các hộ trồng nhiều ngô của thôn 3 có gia đình ông Hoàng Văn Bá là 8 sào, ông Tạ Duy Khải trồng 7 sào, ông Đỗ Xuân Long có 6 sào... Sản phẩm ngô đông chủ yếu phục vụ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà của các nông hộ. Cây ngô ở đây cho năng suất bình quân 32 tạ/ha.

Đồng chí Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên:

Do mưa nhiều trong khoảng thời gian giữa tháng Chín đã ảnh hưởng đến tiến độ gặt lúa mùa sớm và gieo trồng ngô. Vì vậy, nông dân các địa phương cũng phải mất nhiều công chăm sóc hơn. Từ nay trở đi, các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân đẩy mạnh chăm sóc ngô đông, rau màu các loại. Tất cả sẽ nỗ lực để sản xuất vụ đông đạt kết quả tốt nhất.

Đầu tháng Mười vừa rồi, nước sông Hồng dâng cao nên Đào Thịnh có 3,5 ha ngô đông mới trồng bị ngập, chủ yếu ở thôn 2, thôn 3. Đến nay, nông dân cũng đã hoàn thành việc trồng lại và chủ yếu là trồng ngô nếp. Buổi chiều, bà Nguyễn Thị Hương ở thôn 3, xã Đào Thịnh ra đồng chăm sóc ruộng ngô đông.

Bà bảo: "Năm nay, mưa nhiều hơn năm ngoái rồi. Nhà tôi làm xong 3 sào ngô đông trên đất hai vụ lúa nhưng cũng đã phải trồng lại đến lần thứ ba. Nếu thời tiết từ giờ ít mưa thì cây ngô đông cũng vẫn sẽ được dù phải trồng lại cũng như phải mất công chăm sóc hơn. Có cây ngô vụ đông thì thoải mái thức ăn cho một con trâu và vài con lợn thịt. Như trước, chưa làm ngô đông là nhà bỏ ruộng, thấy phí lắm".

Chị Chu Thị Hảo - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên hôm ấy kiêm luôn nhiệm vụ giải đáp mọi thắc mắc cho các bà, các chị ngay trên đồng. Đó là vấn đề thời gian nhận ngô giống hỗ trợ theo chính sách của UBND tỉnh, là việc chuyển đổi cơ cấu giống vụ đông, là cách chăm sóc ngô đông trên các chân ruộng khác nhau, là trồng rau vụ đông cho hiệu quả cao nhất...

Được biết, vụ đông năm 2015, huyện Trấn Yên đã triển khai bảo đảm khung thời vụ. Sản xuất vụ đông đã trở thành nề nếp của nông dân các địa phương. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thúc đẩy phát triển sản xuất. Những giải pháp, biện pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến thời điểm này, sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.

Trên những cánh đồng đã dần kín ngô đông và rau màu các loại, nông dân xã Việt Thành cũng tập trung cho việc chăm sóc. Thôn 12 của xã Việt Thành trồng nhiều rau nhất với 20ha, điển hình là các hộ: ông Lê Quang Đạt, bà Nguyễn Thị Huyền, bà Bùi Thị Hằng... Chuyển sang trồng gần 1.000 cây cà chua do 3 sào bắp cải bị cháy lá, chị Nguyễn Thị Bình ở thôn 12 bảo rằng, nhà vẫn muốn trồng bắp cải hơn vì dù giá có rẻ nhưng vẫn tiêu thụ được một lượng lớn hơn cà chua. Rau này, chị bán ở chợ thị trấn Cổ Phúc và cung cấp cho các trường học trên địa bàn. Năm nay, thời điểm này mà trời vẫn nắng nóng nên cây bắp cải cũng trở nên "khó chiều" hơn. Như năm ngoái, gia đình chị trồng 6 sào rau, thu về gần 20 triệu đồng.

Chị Bình hy vọng: "Có lẽ, năm nay trồng rau sẽ vất hơn năm trước nhưng tôi cũng vẫn cố hết sức, mong là trời không phụ công người nông dân chúng tôi". Bà Hoàng Kim Liên ở thôn 8 đang cùng chồng bắc dèo leo cho 6 thước đỗ cô ve. Đã trồng loại đỗ này từ bốn năm nay, bà Liên bảo cũng dễ trồng, công chăm sóc lại ít hơn các loại rau khác.

"Khó hơn là năm nay khi tra hạt thì trời lại mưa, phải chăm hơn một chút. Thôn này có nhiều hộ trồng đỗ cô ve lắm. Như vụ đông năm trước, mỗi đợt tôi thu hoạch 50 kg đến 60 kg đỗ. Đầu mùa được giá, tới 15.000 đồng mỗi cân, sau đó giảm dần cũng còn 8.000 đồng đấy. Tôi bán đỗ ở chợ Việt Thành, Quy Mông, nói chung dễ tiêu thụ", bà Liên chia sẻ.

Người nông dân rời đồng khi điện đã sáng trong mỗi ngôi nhà. Câu chuyện của bữa cơm tối hẳn sẽ có cây ngô, cây rau... "Trông trời, trông đất" - mong ước bao đời của nhà nông - hôm nay vẫn thế!

 Nguyễn Thơm

Các tin khác

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hành vi vi phạm không tái nhập phương tiện vận tải đúng hạn đối với xe ô tô của Việt Nam qua biên giới giao nhận hàng hóa.

Nếu Dự án Luật Quản lý thuế được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ được xóa 1.300 tỷ đồng nợ thuế.

YBĐT - Ngày 20/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức sơ kết một năm Chương trình phối hợp công tác.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, do điều kiện ngân sách năm 2016 khó khăn nên Chính phủ chưa thể điều chỉnh mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, Chính phủ kiến nghị cho phép phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ để bù đắp vào bội chi…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục