Văn Chấn mở đường về bản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2015 | 9:37:42 AM

YênBái - YBĐT - Xác định giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), là điều kiện để thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp phát triển GTNT khá hiệu quả. Những con đường của "ý Đảng, lòng dân" nối dài trên các xã, thôn, bản đã và đang đáp ứng cho sự phát triển.

Người dân xã Thanh Lương làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Thanh Lương làm đường giao thông nông thôn.

Dân hiến ruộng vườn, nương chè để làm đường

Vẫn biết giao thông là rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, trong khi việc huy động nguồn lực trong nhân dân còn nhiều hạn chế. Trước những hạn chế đó, huyện Văn Chấn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nghị quyết đã được triển khai đến từng thôn, bản, khu dân cư và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.

Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" và sự công khai, minh bạch về tài chính cùng với sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, những con đường liên thôn, liên bản, liên xã được bê tông hóa, mở mới ngày một nối dài. Tính từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa 161,1 km; mở mới trên 182 km (tập trung ở các xã, thôn, bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn); đường cấp phối theo tiêu chuẩn A+B được hơn 251 km. Tổng nguồn vốn cho cả giai đoạn đạt 330 tỷ đồng; trong đó, vốn dân đóng góp trên 76 tỷ đồng - một con số không nhỏ với một huyện còn nhiều khó khăn như Văn Chấn.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã có hàng ngàn hộ gia đình tự nguyện hiến đất làm đường GTNT. Hàng ngàn hộ tự nguyện tháo dỡ công trình, kiến trúc kiên cố trị giá hàng chục triệu đồng và hiến trên 62 ha đất. Điển hình như gia đình ông Giàng A Tu, dân tộc Mông, ở thôn Tập Lăng, xã Suối Giàng, hiến hơn 6.000 m2 đất và chặt hạ 2.200 cây quế để làm đường vào bản; gia đình ông Đặng Văn Tuân ở thôn Tặng Chan, xã An Lương hiến 1.000 m2 đất, trên 1.700 cây quế; gia đình ông Phạm Duy Phương ở thôn Đồng Chằm, xã Bình Thuận hiến 200 m2 đất lúa, 150 m2 đất chè, 100 m2 đất vườn tạp... để làm đường giao thông.

"Nhà mình chưa phải hộ giàu đâu nhưng thấy đường đi lại khó khăn quá, giờ mình hiến một ít đất để mở rộng đường, nắn đường đi cho thuận tiện. Vả lại đường làm để mình đi mà. Đường mở rộng thế chứ rộng nữa mình cũng hiến đất nữa" - ông Giàng A Tu ở thôn Tập Lăng, xã Suối Giàng phấn khởi nói.

Công khai, minh bạch - yếu tố quyết định

Khi thực hiện Chương trình XDNTM, xã Phù Nham lo nhất là tiêu chí về GTNT nhưng qua 4 năm triển khai thực hiện, tiêu chí này đã cơ bản hoàn thành. Những con đường bê tông phẳng lỳ dẫn vào các thôn, bản đã cơ bản khép kín, thực sự làm thay đổi bộ mặt của địa phương.

Chủ tịch UBND xã - ông Đỗ Văn Bách cho biết: "Bên cạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống các trưởng thôn, bản thì việc công khai tài chính, vật tư minh bạch chính là mấu chốt để người dân đồng lòng hưởng ứng chủ trương làm đường GTNT".

Căn cứ vào số ki-lô-mét đường phải làm mỗi thôn, bản rồi tính toán trừ kinh phí hỗ trợ Nhà nước, các tổ chức đóng góp, số còn lại chia đều theo nhân khẩu người dân trong thôn, bản. Đường thuộc thôn, bản nào thì thôn, bản đó làm chủ đầu tư, đại diện người dân làm thủ quỹ đồng thời nhân dân cũng giám sát luôn. Có thể nói, mọi công việc đều được nhân dân bàn bạc thấu đáo, nhân dân được giám sát từng bao xi măng, từng xô cát là động lực đưa đến thành công của phong trào xây dựng GTNT.

Bên cạnh đó, huyện Văn Chấn còn bố trí cán bộ xuống cơ sở thường xuyên, liên tục và hướng dẫn người dân công tác đo đạc, kiểm tra cắm tuyến. Một kinh nghiệm nữa cho thấy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền là nhân tố quyết định. Nơi nào mà cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự vào cuộc, năng nổ nhiệt tình, tuyên truyền, vận động, phát động, nơi đó người dân cũng vào cuộc tham gia tích cực không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT mà cả các phong trào khác.
Hệ thống GTNT ở Văn Chấn được triển khai thành công nhờ sự đồng thuận của mỗi người dân, giao thông phát triển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM.

 Ngọc Trúc

Các tin khác

YBĐT - Đến hết tháng 9/2015, tổng thu ngân sách của huyện Mù Cang Chải đạt 314,884 tỷ đồng, bằng 87% dự toán tỉnh giao và 85,5% dự toán huyện giao.

Tính đến thời điểm hiện tại, CHLB Đức đang có 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,413 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến thời điểm hiện tại,  Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức đang có 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,413 tỷ USD, xếp thứ 22 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Chăn nuôi đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế của xã Nghĩa Phúc.

YBĐT - Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi với việc tích cực, chủ động ứng dụng khoa học, kỹ thuật và giống mới nên bước đầu đã hình thành một số mô hình theo hướng hàng hóa.

Thông qua tuyên truyền, nhận thức của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng đã có nhiều chuyển biến.
Trong ảnh: Một lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng.

YBĐT - Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) đã được đông đảo người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục