"Đòn bẩy" cho huyện nghèo Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2015 | 3:07:18 PM
YBĐT - Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Đảng và Nhà nước những năm qua triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương được xem như "đòn bẩy", tạo bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, từng bước đưa Trạm Tấu bước ra khỏi đói nghèo…
Chẳng còn bộn bề khó khăn như gần chục năm về trước, cho đến hôm nay, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực - vấn đề cốt yếu đối với huyện nghèo Trạm Tấu đã từng bước được giải quyết. Sau rất nhiều năm nỗ lực, huyện đã hình thành được vùng sản xuất chuyên canh lúa đặc sản ĐS-I với quy mô 240 ha. Đặc biệt, với chủ chương chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông - lâm nghiệp, trong đó thực hiện giải pháp đưa cây ngô lên đồi thay thế cây lúa nương kém hiệu quả đã tạo ra cho Trạm Tấu bước chuyển lớn về an ninh lương thực.
Hiện tổng sản lượng lương thực của toàn huyện đã đạt 20.400 tấn, tăng gần 7.500 tấn so với năm 2010, vượt hơn 21% và về đích trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trạm Tấu đã hạn chế được tình trạng xin tỉnh hỗ trợ gạo cứu đói; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 ước đạt trên 10 triệu đồng/năm, tăng 2,02 lần so với năm 2010.
Có đi mới thấy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Đảng và Nhà nước đã làm đổi thay đáng kể đời sống và diện mạo nông thôn miền núi. Còn nhớ trước năm 2004, cả xã Bản Mù chỉ có khoảng 7 ha ruộng nước, mỗi năm độc canh 1 vụ "lúa trời", năng suất thấp; cây ngô trồng cũng chỉ đủ để... nấu rượu. Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã có thời điểm lên tới 90%. Mỗi năm, cấp trên phải trợ cấp cho địa phương 40, 50 tấn gạo cứu đói...
Hôm nay Bản Mù đã khác. Người dân đã biết làm ruộng hai vụ, biết bảo vệ rừng, trồng cây Sơn tra, cây ngô đồi thay vì trồng cây thuốc phiện như trước đây. Đến nay, xã đã có trên 500 ha lúa và gần 200 ha ngô đồi, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 3.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt trên 600kg/năm…
Cuộc sống của đồng bào Mông ở Bản Mù đã đủ đầy hơn cả về cả vật chất và tinh thần khi mà điện lưới quốc gia đã thắp sáng các bản gần trung tâm; trường học được đưa gần hơn các thôn bản khó khăn; đặc biệt từ khi xã có con đường bê tông đến trung tâm thì việc đi lại, giao lưu, buôn bán hàng hóa của nhân dân địa phương với các vùng lân cận được mở mang. Kinh tế vì thế được giao thương phát triển.
Đồng chí Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Nhờ có các chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên cuộc sống của người dân đã no đủ hơn trước. Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã hiện nay giảm còn hơn 50%, so với năm trước đã giảm được gần 10%. Quan trọng nhất là đồng bào đã có ý thức làm ăn vươn lên để thoát đói nghèo”.
Đặt nhiệm vụ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, với trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện Trạm Tấu xác định nhiệm vụ giảm nghèo còn rất khó khăn, nhất là giảm nghèo trong đồng bào DTTS, đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; phát triển sản xuất; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các địa bàn khó khăn.
Giai đoạn 2010 - 2015, huyện Trạm Tấu được tiếp nhận trên 1.415 tỷ đồng nguồn vốn của trung ương và của tỉnh để thực hiện công tác giảm nghèo. Đây là nguồn lực quan trọng, được huyện dành ưu tiên đầu tư cho các nhu cầu thiết yếu của địa phương như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, hỗ trợ cho học sinh vùng cao, xuất khẩu lao động…
Với sự chỉ đạo quyết liệt, việc đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đến nay hệ thống điện lưới đã đến được 100% các xã trên địa bàn với trên 64% số hộ được sử dụng; hệ thống đường ô tô đến được 100% các xã trong mùa khô; xe máy đã đến được 100% các thôn, bản; 12/12 xã, thị trấn của huyện có điểm trường trung tâm kiên cố. Các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất của nhân dân…
Đến năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 56,27%, bình quân mỗi năm giảm 6%. Đây thực sự là kỳ tích được làm nên bởi quyết tâm và sự nỗ lực không hề nhỏ của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững của Đảng và Nhà nước thực sự là đòn bẩy động lực quan trọng.
Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện còn cao; giảm nghèo chưa bền vững và có nguy cơ tái nghèo, cùng với nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ cơ sở về công tác giảm nghèo; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đội ngũ già làng, trưởng bản thực hiện xóa đói, giảm nghèo, vận động đồng bào tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế của địa phương; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở là điều mà Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ.
Vì vậy, Đảng bộ huyện chú trọng thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với việc khai thác hiệu quả quỹ đất, trọng tâm là các mô hình chăn nuôi gia súc, trồng cây sơn tra, trồng chè shan, phát triển cây ngô đồi; tập trung xây dựng các mô hình trình diễn, phổ biến, hướng dẫn đồng bào thuần thục các kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, vật nuôi áp dụng phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Theo lãnh đạo địa phương, để huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững, bên cạnh việc cần điều chỉnh nâng mức vay và mở rộng đối tượng cho vay, giảm lãi suất đối với hộ đồng bào nghèo…, thì việc tập trung nguồn vốn cho đồng bào vay vốn phát triển kinh tế, thực hiện các dự án trồng cây đặc sản, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi đại gia súc là rất cần thiết, cần được Đảng, Nhà nước quan tâm điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù vùng, miền, địa phương.
Minh Thúy
Các tin khác
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng có 0,07% so với tháng trước đồng thời tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là thông tin được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 24/11.
Nhận định này được đưa ra tại báo cáo “Những làn gió thương mại” do Ngân hàng HSBC phát hành ngày 24/11.
YBĐT - Với hướng đi và cách làm cụ thể, kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều trên hai con số, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
YBĐT - Với cách làm riêng, huyện Văn Chấn đã “cán đích” ngoạn mục với số thu 10 tháng năm 2015 đạt hơn 91,7 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu tỉnh giao 2%), về trước thời gian sớm gần 2 tháng.