Cần gấp rút trồng rừng thay thế ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2015 | 3:14:11 PM
YBĐT - Theo quy định, việc trồng rừng thay thế là trách nhiệm của các chủ dự án có sử dụng đất rừng vào mục đích khác ngoài lâm nghiệp (thường là xây dựng các công trình). Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chủ dự án tỏ ra chây ỳ trong việc “trả nợ rừng”.
Vận chuyển cây giống phục vụ công tác trồng rừng ở huyện Văn Chấn.
|
Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Yên Bái đã thẩm định và phê duyệt 12 phương án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 291,4 ha. Trong đó, diện tích trồng rừng thay thế của các dự án thủy điện 199,8 ha; các phương án trồng rừng thay thế để xây dựng các công trình khác ngoài thủy điện (khai thác khoáng sản, xây dựng công trình thủy lợi, xây dựng công trình công cộng) 91ha.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc các đơn vị triển khai công tác trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả trồng rừng thay thế còn chậm.
Đến nay, mới có 4 phương án trồng rừng thay thế thực hiện với tổng diện tích 79,7 ha gồm: Dự án Thủy điện Văn Chấn (2,3 ha), Dự án Thủy điện Ngòi Hút II (48,8 ha), Dự án Thủy lợi Nậm Mở (28,5 ha) và Dự án Xây dựng nhà nguyện Giáo họ Đại Lịch (0,09 ha). 1 phương án đang thực hiện thiết kế thi công là công trình Thủy điện Khao Mang và Khao Mang Thượng (34,3 ha).
7 phương án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 177,38 ha chưa thực hiện gồm: Dự án Thủy điện Ngòi Hút II A của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Thành (16,68 ha); Dự án Khai thác quặng sắt xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên của Công ty CMISTONE (22,1 ha); cụm công trình, thủy điện xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải của Công ty cổ phần Quang Đạt (88,4 ha) (do đang chờ điều chỉnh chứng nhận đầu tư); Dự án Đầu tư khai thác quặng sắt xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Thanh (27,7 ha) hiện đã dừng hoạt động...
Nói về lý do trồng rừng thay thế còn chậm, ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: “Một số dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đều triển khai trước khi Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực nên không đưa hạng mục trồng rừng thay thế vào dự án, một số dự án điều chỉnh đầu tư, đặc biệt có những dự án sau khi đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế nhưng sau đó dừng hoạt động hoặc thay đổi chủ đầu tư (chủ yếu các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản)".
"Rất khó cho cơ quan chức năng đôn đốc trồng rừng thay thế. Ngoài ra, một số chủ dự án kinh doanh phải trồng rừng thay thế không thực hiện đúng trách nhiệm xây dựng phương án trồng rừng, trốn tránh không hợp tác để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ trồng rừng. Đối với những diện tích này, năm 2016, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt diện tích, giá trị trồng rừng thay thế để các chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh” - ông Giang cho biết.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án các công trình thủy điện không có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác trồng và quản lý các dự án trồng rừng. Do đó, khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn về lập phương án trồng rừng, hồ sơ thiết kế trồng rừng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, trình tự thủ tục xây dựng phương án trồng rừng thay thế cũng còn rườm rà. Phương án phải trình hội đồng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt trước khi xây dựng hồ sơ thiết kế..., khiến thời gian kéo dài và chưa hợp lý.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác trồng rừng thay thế mà các doanh nghiệp, đơn vị đang gặp phải, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 02/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai trồng rừng thay thế; rà soát các dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng chưa có phương án trồng rừng thay thế để yêu cầu hướng dẫn, hoàn thành việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế; đôn đốc các dự án đã có phương án trồng rừng thay thế được duyệt, thực hiện hoàn thành trồng rừng thay thế bảo đảm kế hoạch của tỉnh; hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt kinh phí trồng rừng bình quân cho 1 ha trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho các chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo quy định.
Ngoài ra, do chủ đầu tư không có chuyên môn về lâm nghiệp nên đề nghị cho phép các chủ rừng trực tiếp tổ chức trồng rừng trên cơ sở phương án trồng rừng mà nhà đầu tư lập và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, nhà đầu tư nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo phương án để tỉnh phân bổ cho các đơn vị trồng rừng thay thế; đồng thời, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với những dự án không chấp hành việc trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh. Chủ dự án nào cố tình vi phạm sẽ đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Là huyện cửa ngõ của tỉnh Yên Bái, giao thông thuận lợi, lại có diện tích rừng lớn, phong phú về chủng loại, do vậy công tác quản lý bảo vệ rừng ở Yên Bình luôn gặp khó khăn. Đã nhiều năm, Yên Bình là điểm "nóng" về tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản trái phép.
YBĐT - Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Đảng và Nhà nước những năm qua triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương được xem như "đòn bẩy", tạo bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, từng bước đưa Trạm Tấu bước ra khỏi đói nghèo…
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng có 0,07% so với tháng trước đồng thời tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là thông tin được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 24/11.
Nhận định này được đưa ra tại báo cáo “Những làn gió thương mại” do Ngân hàng HSBC phát hành ngày 24/11.