Lục Yên: Phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/12/2015 | 2:55:00 PM
YBĐT - Nghị quyết lần thứ XIX, Đảng bộ huyện Lục Yên đặt mục tiêu sớm xây dựng địa phương trở thành huyện phát triển công nghiệp của tỉnh Yên Bái.
Các cơ sở sản xuất tranh đá quý tại huyện Lục Yên đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
(Ảnh: Đức Toàn)
|
Là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng lớn, trong đó trữ lượng đá vôi trắng đạt khoảng 270 triệu mét khối, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường trữ lượng đạt khoảng 135 triệu mét khối, pyrit trữ lượng khoảng 112.000 tấn - tiềm năng để phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
Những năm qua, Đảng bộ huyện Lục Yên đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả ngoài nước tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là khai thác, chế biến đá hoa trắng.
Một trong những công ty lớn đã có mặt trên địa bàn huyện gần chục năm qua và đang đầu tư có hiệu quả vào lĩnh vực này phải kể đến Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam - Công ty 100% vốn đầu tư thuộc Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ, một tập đoàn có uy tín lớn tại thị trường Ấn Độ và trên thế giới. Với tổng số vốn đầu tư hiện lên tới trên 16 triệu đô la Mỹ, Công ty đã và đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện.
Nhìn vào giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Lục Yên sau 4 năm, từ 300 tỷ đồng năm 2011 tăng lên trên 900 tỷ đồng năm 2014 và phấn đấu đạt trên 1 nghìn tỷ đồng năm 2015, không khó để nhận thấy hoạt động trên lĩnh vực này của địa phương đã có sự đột phá lớn, từng bước làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vượt lên trở thành ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn của địa phương.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 30 doanh nghiệp đã và đang tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; 15 mỏ đang hoạt động khai thác đá hoa trắng; 6 nhà máy chế biến đã đi vào hoạt động và có sản phẩm; 4 doanh nghiệp sản xuất đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 45 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ… Hoạt động của các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã khai thác gần 6 nghìn mét khối đá block, 21 nghìn mét khối đá nguyên liệu xẻ, trên 100 nghìn mét vuông đá xẻ tấm lớn và gần 80 nghìn mét vuông đá xẻ tấm nhỏ. Giá trị công nghiệp khai khoáng trên địa bàn huyện đạt gần 300 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt trên 831 tỷ đồng, bằng 81,7% kế hoạch, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 426 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 411,5 tỷ đồng.
Dẫu vậy, khách quan nhìn nhận, hoạt động phát triển công nghiệp và khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Lục Yên cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn như: hệ thống điện, nhất là đường giao thông từ trung tâm huyện đến các điểm mỏ chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển cũng như nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Nguồn lao động tham gia chủ yếu là lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề chuyển sang lao động công nghiệp nên trình độ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất bởi thế chưa hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản chủ yếu chế biến thô, tỷ lệ thành phẩm chỉ đạt dưới 20%...
Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất và chế biến sâu, giai đoạn 2015 - 2020, với phương châm thu hút đầu tư ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác và chế biến đá hoa trắng, từng bước chế biến tinh, chế biến sâu để có hiệu quả kinh tế cao, huyện tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; huy động nguồn lực hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Thế đã được phê duyệt để mời gọi đầu tư, xây dựng Cảng An Phú và trạm biến áp 110 KV bảo đảm điện và các điều kiện vận chuyển phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Với mục tiêu tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, huyện đang từng bước sắp xếp lại sản xuất công nghiệp, tận thu tối đa nguồn nguyên liệu khai thác từ các mỏ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ đá hoa trắng, nhất là các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ đá hoa trắng tại địa phương như tạc tượng đá mỹ nghệ, tranh đá quý gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật về chuyên ngành khai thác, chế biến khoáng sản... nhằm xây dựng làng nghề, vùng tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dây chuyền hiện đại chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp vào địa phương gắn với bảo vệ môi trường... Mục tiêu từng bước sớm xây dựng Lục Yên trở thành huyện phát triển công nghiệp của tỉnh.
Minh Thúy
Các tin khác
Tuyến cao tốc 6 làn xe từ Hà Nội đi Hải Phòng dài 105 km có mức thu phí thấp nhất cho ôtô dưới 12 chỗ là 160.000 đồng, cao nhất là xe container 840.000 đồng mỗi lượt.
YBĐT - Đến nay, tổng đàn gia súc chính của huyện Văn Yên đạt 110.225 con, bằng 97% kế hoạch.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái có 135 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 1.276 tỷ đồng.
Hơn 60.000 khuyến mãi từ khoảng 2.000 doanh nghiệp mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội mua sắm trực tuyến lớn chưa từng có, bắt đầu từ 0h ngày 4/12.