Ngành chăn nuôi Yên Bái khởi sắc
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2015 | 10:10:36 AM
YBĐT - Năm 2015, ngành chăn nuôi tỉnh Yên Bái có nhiều khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 2.000 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 29%.
Chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ở Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái.
|
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, tổng đàn gia súc, gia cầm đã phục hồi đà tăng trưởng. Tổng đàn gia súc chính đạt 643.519 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ; trong đó, trâu 102.548 con, tăng 4,4%; bò 21.627 con, tăng 15,3%; lợn 519.344 con, tăng 2,9%. Đàn gia cầm trên 3,9 triệu con, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Có kết quả trên là do ngành cùng các địa phương đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm kiểm soát dịch lở mồm long móng, tăng cường quản lý vật tư chăn nuôi thú y; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Đặc biệt, năm 2015, giá thịt lợn tăng mạnh đã giúp người chăn nuôi có lãi nên tích cực mở rộng quy mô gia trại, trang trại, góp phần cho quá trình tái đàn nhanh.
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Dần ở phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đúng lúc gia đình đang chăm sóc đàn lợn trên 60 con. Anh Dần hồ hởi tiếp chuyện: “Năm nay, đầu ra ổn định, dịch bệnh kiểm soát tốt nên người chăn nuôi chúng tôi thu nhập khá. Hiện, giá lợn thịt siêu nạc xuất tại chuồng trên 49.000 đồng/kg. Với giá này, trung bình mỗi đầu lợn sau khi xuất chuồng trừ chi phí lãi gần 1 triệu đồng”.
Bên cạnh yếu tố thị trường đầu ra ổn định, dịch bệnh kiểm soát, phải kể đến các chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh đã thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa, trong năm, tỉnh đã hỗ trợ cho 113 cơ sở; trong đó, 29 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, 41 cơ sở chăn nuôi lợn nái và 43 cơ sở chăn nuôi gia cầm.
Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án Hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp với tổng kinh phí trên 6,6 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản 5,9 tỷ đồng, hỗ trợ làm chuồng 592 triệu đồng, hỗ trợ trồng cỏ (hoặc làm cây rơm) 118,4 triệu đồng.
Đồng bào Mông vùng cao Mù Cang Chải đã quan tâm nuôi nhốt gia súc.
Ngoài các chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh còn có các chương trình hỗ trợ từ các hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, góp phần tăng nhanh tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình cũng chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng con giống ngoại chất lượng cao vào sản xuất, góp phần tăng hiệu quả sản xuất.
Hiện, toàn tỉnh có 1.376 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Trong đó, 642 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 50 - 100 con trở lên; 427 cơ sở chăn nuôi lợn nái từ 10 - 20 con; 307 cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con.
Các cơ sở chăn nuôi góp phần đưa tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính năm 2015 đạt trên 35.293 tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá.
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 29% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp.
Mặc dù có mức tăng trưởng khá nhưng nhìn nhận tổng thể, tốc độ phát triển chăn nuôi còn chậm; năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp; dịch bệnh vẫn xảy ra trên đàn gia súc, ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi. Để chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, thực chất là sắp xếp, tổ chức lại ngành chăn nuôi một cách khoa học nhằm phát huy lợi thế những sản phẩm chăn nuôi đặc trưng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Trong đó, ngành chăn nuôi sẽ tập trung vào một số nội dung chính như thực hiện tái cơ cấu phương thức tổ chức sản xuất, tăng tỷ trọng chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời tái cơ cấu về vật nuôi, trong đó khuyến khích phát triển những loại vật nuôi có lợi thế.
Cụ thể, đàn lợn sẽ ổn định đầu con nhưng tăng quy mô đàn lợn cao sản, áp dụng các yếu tố chăn nuôi công nghiệp. Đàn gia cầm khuyến khích phát triển chăn nuôi gà thịt lông màu theo phương thức bán công nghiệp kết hợp thả vườn nhằm đẩy nhanh tốc độ quay vòng chăn nuôi, tăng nhanh về khối lượng sản phẩm.
Ngành sẽ thực hiện tái cơ cấu về vùng chăn nuôi, căn cứ vào điều kiện thực tế, lợi thế so sánh giữa các khu vực trong tỉnh và đặc điểm của từng loài vật nuôi, quy hoạch các vùng chăn nuôi của tỉnh.
Trong đó, vùng phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm hàng hoá dự kiến 68 xã, thị trấn; vùng phát triển chăn nuôi trâu dự kiến tập trung ở 62 xã; vùng ưu tiên phát triển chăn nuôi bò dự kiến 31 xã.
Cuối cùng, ngành chăn nuôi tập trung tái cơ cấu về đầu tư phát triển, tăng tỷ trọng vốn cho giống, chế biến giết mổ, xử lý môi trường... Đây là những tiền đề quan trọng để chăn nuôi Yên Bái phát triển bền vững.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành vùng cây sơn tra tập trung ở hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải với diện tích khoảng 3.000 ha; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch 980 ha, sản lượng bình quân 2.500 tấn quả/năm. Xét về giá trị kinh tế, cây sơn tra cho thu nhập cao hơn 2,5 lần so với trồng rừng sản xuất bằng cây thông.
YBĐT- Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Yên Bình đạt 15,6, tăng 0,5% so với năm 2014; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 2,6 tỷ đồng với 18 công ty có hành vi vi phạm sử dụng chất chất cấm trong chăn nuôi.
Năm tới, NHNN sẽ không đưa ra mức điều chỉnh cố định như những năm trước. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và điều hành linh hoạt, hướng đến chống đô la hóa và găm giữ ngoại tệ.