Nâng tầm cam Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2016 | 3:08:48 PM
YBĐT - Với năng suất trung bình 11,5 - 12 tấn/ha mỗi năm, hàng năm, sản lượng cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn đạt trên 12.000 tấn.
Được mùa cam.
|
Cam Văn Chấn đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. Giá trị cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định nên cam được coi là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Để nâng tầm giá trị của vùng cam Văn Chấn, bà con nhân dân đang tập trung những tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa vào thành những vùng hàng hóa…
Gia đình anh Phạm Xuân Thắng ở tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú cải tạo vườn tạp, chuyển những cây kém hiệu quả sang trồng cam. Gia đình đang sở hữu gần 4 ha cam các loại, sản lượng bình quân từ 30 đến 40 tấn/năm, thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng. Anh cho biết, gia đình và bà con trong tổ dân phố đã đa dạng hóa các giống cam chín sớm, chín muộn, thời vụ thu hoạch dài để phục vụ nhu cầu của thị trường. Mặt khác, các loại cam ở đây rất ngon nên được nhiều người biết đến và ưa chuộng. “Hiện nay phong trào trồng cam của nhân dân ở đây đang phát triển mạnh, cây cam đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân. Chúng tôi cũng mong muốn có thương hiệu cam và được nhiều người biết đến” - anh Thắng nói.
Thị trấn Nông trường Trần Phú, được coi là “thủ phủ” của vùng cam Văn Chấn bởi luôn dẫn đầu về diện tích và sản lượng hàng năm. Hiện trên địa bàn có khoảng 400 ha cam các loại, năm 2015 sản lượng cam toàn thị trấn ước đạt 4.000 tấn. Cam là cây trồng có giá trị kinh tế cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định, là cây chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương nhưng cũng là cây trồng có khả năng thích nghi hẹp, lại dễ bị sâu bệnh. Do vậy, để phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có, Đảng bộ thị trấn Nông trường Trần Phú đã tập trung chỉ đạo tích cực chuyển đổi giống, mở rộng diện tích, tăng sản lượng và tăng thu nhập cho người dân.
Đồng chí Phạm Văn Thành, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: “Nghị quyết của Đảng bộ thị trấn đã xác định: thị trấn cùng với các xã vùng ngoài xây dựng vùng cam hàng hóa có chất lượng, đáp ứng những đơn hàng lớn, áp dụng các biện pháp thâm canh chăm sóc an toàn, thân thiện với môi trường; xây dựng chỉ dẫn địa lý, xúc tiến quảng bá xây dựng thương hiệu cam Văn Chấn”.
Hiện nay không riêng gì thị trấn Nông trường Trần Phú, mà diện tích cam quýt đã được phát triển mạnh ra các xã, thị trấn vùng ngoài của Văn Chấn. Gia đình anh Trần Minh Quyền ở thôn 5, xã Thượng Bằng La là một điển hình đưa giống cam về phát triển ở địa phương. Ban đầu, anh sang thị trấn Nông trường Trần Phú học cách trồng cam và đưa giống cam về trồng thử nghiệm.
Nhận thấy cây cam Đường canh hoàn toàn phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có 500 gốc cam Đường canh đang trong giai đoạn thu hoạch. Vụ cam năm nay, gia đình thu hoạch khoảng trên 10 tấn, giá bán trên 30 nghìn/kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Nói về việc phát triển vùng cam của gia đình, anh Trần Minh Quyền, thôn 5 xã Thượng Bằng La cho biết: “Hiện nay, diện tích cam đã được phát triển mạnh ở một số thôn có điều kiện đất đai phù hợp, bà con nhân dân mong muốn có sự liên kết tạo ra sản phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu của thị trường, cũng như đem lại nguồn thu cho nhân dân”.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ các xã: Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm và thị trấn Nông trường Trần Phú đều xác định liên kết vùng, quy hoạch những vùng cam hàng hóa; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chăm sóc, từng bước xây dựng thương hiệu cam Văn Chấn. Hiện nay, các địa phương có điều kiện đất đai phù hợp với trồng cam cũng đã quy hoạch những vùng cam, đồng thời lựa chọn những giống cam phù hợp. Văn Chấn đang có hơn 2.000 ha cam quýt, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú.
Với năng suất trung bình 11,5 - 12 tấn/ha mỗi năm, hàng năm, sản lượng cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 12.000 tấn. Để nâng tầm giá trị của cam Văn Chấn, bà con đang tập trung đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa như cam Đường canh, cam sành, cam chanh và tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cam Văn Chấn, xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa cho cam Văn Chấn. Về những giải pháp để thực hiện, ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các viện khoa học, các đơn vị dịch vụ để giúp cho bà con nông dân xây dựng các mô hình, các điểm cam VietGAP; hướng dẫn nông dân bảo quản sản phẩm cam được tốt. Từ nay đến cuối năm 2016, với sự ủng hộ của các sở, ban, ngành cũng như Cục Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” được công nhận thương hiệu sẽ giúp cho cam Văn Chấn nâng lên một tầm mới về giá trị, hiệu quả kinh tế”.
Nguyễn Nghĩa - Phan Tuấn (Đài TT-TH huyện Văn Chấn)
Các tin khác
YBĐT - Đến hết ngày 30/12/2015, thành phố Yên Bái đã thu đạt 351 tỷ đồng, bằng 108% dự toán tỉnh giao, đạt trên 100% dự toán phấn đấu của thành phố và bằng 112% so cùng kỳ.
YBĐT - Những năm trước, tập tục thả rông gia súc, gia cầm, không có người chăm sóc của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hồng Ca (Trấn Yên) đã gây không ít khó khăn trong công tác tiêm phòng và phòng chống rét cho đàn vật nuôi của địa phương.
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra việc kê khai giá cước vận tải trong đó nhấn mạnh việc xử lý nghiêm với các trường hợp tăng giá dịp Tết Nguyên đán.
YBĐT- Yên Bái phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 trồng mới 2.300 ha cam, quýt, bưởi; giữ vững vùng cây có múi hơn 4.000 ha; phấn đấu đưa diện tích cây ăn quả của tỉnh lên 9.000 ha.