Hướng đi đúng của ngành “công nghiệp không khói” ở thị xã Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ ba, 19/1/2016 | 10:04:48 AM
YBĐT - Phát triển du lịch tại thị xã Nghĩa Lộ đã và đang được khai thác hiệu quả. Du lịch trở thành "cầu nối" giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ và bảo vệ môi trường cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Du lịch cộng đồng mang đến những trải nghiệm mới mẻ và sâu sắc cho khách du lịch khi đến với Nghĩa Lộ.
|
Di sản văn hóa - nền tảng phát triển du lịch
Đã hơn 2 năm từ khi UBND tỉnh quyết định triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020”. Đây là điều kiện thuận lợi cho thị xã trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái (chiếm tới 48% trong tổng số 17 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn). Cùng ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, thị xã Nghĩa Lộ xác định hướng đi cho phát triển du lịch là gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ khẳng định: “Trước hết, muốn phát triển du lịch dựa trên bảo tồn văn hóa dân tộc cần phải có những cơ sở được coi là nền tảng. Và một trong những nền tảng quyết định chính là phát huy giá trị các di sản văn hóa - tài sản quý giá của cộng đồng, được cộng đồng tạo dựng, trao truyền cho các thế hệ kế tiếp, là vốn đầu tư cơ bản cho du lịch phát triển”.
Nhắc đến di sản văn hóa ở Nghĩa Lộ là nhắc nhớ Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Căng và Đồn, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - điểm đến đã trở nên quen thuộc, hấp dẫn khách du lịch. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khôi phục đền thờ Cầm Hánh cũng đang được thị xã tích cực triển khai.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng và nâng cấp, bộ mặt đô thị khởi sắc; hệ thống khách sạn, nhà hàng phát triển đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch; đường giao thông nông thôn nối liền các thôn xóm, bản làng; những ngôi nhà sàn được sửa sang, đầu tư trang thiết bị hiện đại; cải thiện môi trường sinh thái, không gian cánh đồng Mường Lò được chú trọng bảo tồn…
Có thể khẳng định, quảng bá di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách khi đến với thị xã ngay từ bước đầu.
Xây dựng thương hiệu từ văn hóa phi vật thể
Song song với phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa, những điệu xòe đã thực sự tạo nên thương hiệu của Mường Lò. Để những điệu xòe sống mãi với thời gian, thị xã đã đưa xòe vào dạy trong chương trình ngoại khóa tại các trường học, xây dựng đĩa CD giới thiệu về 6 điệu xòe cổ; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về "Nghiên cứu bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò"; hướng tới mục tiêu đưa xòe Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò trở thành di sản văn hóa phi vật thể.
Em Lường Thị Hải, 23 tuổi ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi - thành viên của 1 trong 13 đội múa xòe nòng cốt của thị xã chia sẻ: “Với chúng em, múa là một hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ, tết. Để phát huy những điệu múa truyền thống và 6 điệu xòe, chúng em đã tập hợp và duy trì đội múa suốt 5 năm qua với 12 thành viên. Thành viên nhỏ nhất 14 tuổi, lớn nhất 27 tuổi. Đội chúng em cũng dàn dựng, thực hiện hơn 20 tiết mục múa, chưa kể hát và Khắp”.
Bên cạnh đó, thị xã chú trọng bảo tồn các nhạc cụ, sưu tầm giới thiệu các giá trị về văn học, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Thái thông qua các tác phẩm dịch chữ cổ như: "Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng", truyền thuyết "Nặm Tốc Tác và Đông quai ha", truyền thuyết Dòng Nặm Xia, trường ca "Xống chụ xôn xao", "Quan to mương" (Truyện kể bản Mường)… Phục dựng lễ hội Xên Bản, Xên Mường, lễ hội Rằm tháng Giêng, bảo tồn Hội “Hạn Khuống”, “Tết Xíp Xí”.
Đặc biệt, trong 6 năm từ 2007 - 2013 đã có 7 lớp dạy ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Thái với trên 160 học viên là đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh tham gia. Ngoài ra, minh chứng rõ ràng nhất cho hướng đi đúng của ngành “công nghiệp không khói” tại Nghĩa Lộ chính là thành công nở rộ của dịch vụ Homestay (du lịch cộng đồng) - một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, mua sắm, hướng dẫn, trải nghiệm…
Với nét đặc trưng, sức hút riêng biệt, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, tự nhiên và sâu sắc, số lượng khách du lịch đến với Nghĩa Lộ tăng dần theo từng năm. Cụ thể: năm 2013, thị xã đón trên 30.000 lượt khách; năm 2014, đón 45.000 lượt khách; năm 2015, đón 55.000 lượt khách và mục tiêu trong năm 2016 sẽ là đón 65.000 lượt khách với gần 20 hộ đang làm du lịch cộng đồng.
Không gian bên trong phòng nghỉ tại nhà du lịch cộng đồng ở thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Thành Trung)
Khó khăn và giải pháp
Du lịch ở Nghĩa Lộ trở thành cầu nối văn hóa giúp bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu và là điểm đến được khách du lịch cả trong và ngoài nước thăm quan, khám phá. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch cũng phải đối mặt với không ít khó khăn như: số nghệ nhân hiểu biết sâu về văn hóa dân tộc Thái không nhiều, số nghệ nhân còn sống chủ yếu tuổi đã cao, trí nhớ và sức khỏe giảm sút; chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch đủ mạnh tạo sức cạnh tranh; nhiều hộ gia đình làm du lịch cộng đồng chưa thể tiếp cận được với các hoạt động marketing hay chủ động tìm kiếm nguồn khách; phát triển các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ như hàng lưu niệm, biểu diễn văn nghệ còn hạn chế…
Trước những khó khăn, thách thức ấy, câu hỏi được đặt ra là hướng đi nào cho du lịch Nghĩa Lộ để du lịch có sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Trước mắt, thị xã sẽ quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ và người dân trực tiếp làm du lịch, gắn xây dựng thị xã văn hóa với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, làm tốt công tác thu hút đầu tư, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng".
"Chúng tôi tiếp tục Bảo tồn, phát huy những nét hay, nét đẹp trong văn hoá giao tiếp, ứng xử; phát triển vốn dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như: múa xòe, múa sạp, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tó mắc lẹ... Duy trì, nâng cao chất lượng và xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn học nghệ thuật, câu lạc bộ văn hóa dân gian; quảng bá về những món ăn truyền thống ...” - bà Hạnh nhấn mạnh.
Tin tưởng rằng, những quyết tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy và khai thác văn hóa dân gian đồng bào dân tộc Thái trong phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo cho thị xã Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái, xây dựng thành công thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020.
Mai Linh
Các tin khác
Bắt đầu từ ngày 25/1 tới đây, các dòng xe ô tô dưới 7 chỗ trở xuống sẽ thu thêm phí thử nghiệm khí thải, theo Thông tư 199 của Bộ Tài Chính.
YBĐT – Tổng sản lượng niên vụ 2015 ước đạt gần 1.900 tấn củ, với giá hiện tại người dân xã Quy Mông (Trấn Yên) sẽ thu về trên 3 tỷ đồng.
YBĐT - Thôn Khe Bành có trên 150 hộ, đều là đồng bào Dao. Mỗi hộ ở đây có ít nhất 2 đến 3 ha quế trở lên, nhiều hộ hàng chục héc-ta, khoảng 4 - 5 hộ có trên 30 ha.