Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
Từ đôi bàn tay trắng, chị Hà cùng chồng (anh Nguyễn Văn Tiến) đã gây dựng cơ ngơi đáng nể nhờ tinh thần cần cù và ý chí không ngừng học hỏi. Khi mới lập gia đình, họ gặp vô vàn khó khăn do không có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng chị Hà không chùn bước. Chị vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm và dành dụm vốn liếng để đầu tư vào các mô hình kinh tế phù hợp.
Chị bắt đầu với việc trồng rừng và nuôi cá trên hồ Thác Bà. Những năm đầu, chị không ngừng học hỏi từ sách báo, truyền hình và các lớp tập huấn. Sau nhiều năm thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật, chị chuyển sang nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá tầm, cá ngạnh, kết hợp kinh doanh cá giống và cá thịt. Hiện nay, gia đình chị sở hữu hơn 80 lồng cá, cung cấp trung bình 60 tấn cá mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Hà (ngoài cùng bên trái) phát triển mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
Chị Hà chia sẻ: "Đến giờ, tôi nuôi cá trên hồ Thác Bà đã được 8-10 năm rồi. Vừa nuôi vừa kinh doanh cá giống lẫn cá thịt. Cá của tôi cung cấp cho các tỉnh như: Yên Bái, Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ... Bên cạnh đó, tôi cũng học hỏi, khắc phục khó khăn như thiên tai hay dịch bệnh trên cá để dần cải thiện kỹ thuật và phát triển mô hình”.
Không chỉ dừng lại ở đó, chị còn trồng 8 ha keo, bồ đề, quế; nuôi hơn 200 con gà và tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Đã có hơn 10 chiếc thuyền làm phương tiện chuyên chở, để phát triển quy mô, chị còn đầu tư hơn 400 triệu đồng làm đường giao thông, kéo điện lưới đến khu vực nuôi cá. Nắm bắt xu thế phát triển vùng hồ, từ cuối năm 2023 đầu năm 2024, hộ gia đình chị Hà đã đầu tư 3 tàu du lịch, đưa vào khai thác phục vụ du khách trên hồ Thác Bà.
Lan tỏa yêu thương trong cơn lũ dữ
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hà và chồng là anh Nguyễn Văn Tiến còn là những người sẵn sàng hết mình giúp đỡ cộng đồng trong những giờ phút khó khăn. Trong cơn bão số 3 vừa qua, khi nước lũ nhấn chìm nhiều khu vực ở Yên Bái, anh chị đã dùng toàn bộ 13 thuyền và 2 ô tô của gia đình để
cứu người, đưa bà con đến nơi an toàn và hỗ trợ thực phẩm cho người dân những vùng bị cô lập.
Ngay từ đêm 9/9, giữa mưa lớn và nước lũ cuồn cuộn, vợ chồng chị đã kịp thời đưa nhiều người dân ở xã Tuy Lộc và các phường thuộc thành phố Yên Bái thoát khỏi ngôi nhà bị ngập lụt. Để hỗ trợ hiệu quả hơn, anh chị công khai số điện thoại trên mạng xã hội, trở thành đầu mối cứu trợ không quản ngày đêm. Suốt nhiều ngày liền, anh chị cùng các tình nguyện viên vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các điểm khó khăn nhất, những nơi đường sá bị chia cắt và rất nguy hiểm. Tất cả công sức, thời gian và phương tiện đều được anh chị đóng góp miễn phí, chỉ với mong muốn giúp đỡ được nhiều người nhất có thể.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu - Tổ trưởng tổ dân phố số 13, thị trấn Yên Bình chia sẻ: "Trong đợt bão lũ vừa qua, không ai trong tổ dân phố chúng tôi quên được hình ảnh anh chị trong hỗ trợ bà con ở các vùng ngập nặng, đặc biệt là người dân ở những xã: Tân Hương, Đại Đồng, Mông Sơn (Yên Bình) và những hộ dân một số phường, xã ở thành phố Yên Bái. Tôi nghĩ rằng, không chỉ tổ dân phố số 13 mà cả địa phương đều mang ơn những nghĩa cử cao đẹp của gia đình chị Hà. Tấm lòng nhân ái, sự cống hiến ấy đã lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng. Tôi thật sự vinh dự và may mắn khi tổ dân phố chúng tôi có những con người đáng quý như vậy.”
Tấm lòng cao đẹp, tấm gương sáng ngời
Câu chuyện về chị Hà và gia đình đã lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và trong lòng người dân Yên Bái. Một người dân từng được anh chị cứu giúp đã chia sẻ: "Cả đêm thuyền chết máy lênh đênh, anh chị vẫn cố gắng không ngừng nghỉ, lo cho từng bữa ăn, chai nước. Hình ảnh ấy tôi không thể quên”.
Dẫu bão lớn đã qua, nhưng nghĩa tình của anh chị Hà - Tiến vẫn còn đọng lại. Sau bão, vợ chồng chị tiếp tục hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá và bao tiêu sản phẩm cho những hộ khó khăn.
Ông Hoàng Hợp - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình, chia sẻ: Gia đình chị Hà là một trong những tấm gương tiêu biểu của thị trấn Yên Bình, không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong các hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hà không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đây là một điển hình cần nhân rộng, vì không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế thị trấn phát triển bền vững.
Năng động, đi đầu trong phát triển kinh tế và lan tỏa tình yêu thương con người, những hành động ý nghĩa của anh chị đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người, tạo nên ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Những tấm gương như gia đình chị Hà sẽ càng tô thắm thêm hình ảnh con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trên vùng quê nông thôn mới Yên Bình.
Hoài Văn