Yên Bái căng mình chống rét
- Cập nhật: Thứ ba, 26/1/2016 | 3:27:28 PM
YênBái - YBĐT - Người dân, các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở những ngày này đang dồn sức bảo vệ cây trồng và đặc biệt chú trọng bảo vệ đàn gia súc.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, cùng với bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ mạ và đàn gia súc.
|
Trong đợt rét đậm kỷ lục, chỉ trong ngày 24/1, hầu hết ở các địa phương của tỉnh Yên Bái nền nhiệt độ đã xuống dưới mức 6 độ C, ở khu vực vùng núi cao hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có nơi âm 1 đến âm 3 độ C.
Tại một số nơi như đèo Khau Phạ và nhiều xã của hai huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn), ... đã có tuyết rơi, phủ kín đường đi, cành cây, ngọn cỏ, mái nhà. Người dân, các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở những ngày này đang dồn sức bảo vệ cây trồng, đặc biệt chú trọng đàn gia súc.
Người dân vùng cao chống chọi với mưa tuyết.
Chúng tôi có mặt tại vùng cao Trạm Tấu rạng sáng ngày 24/1. Ngay tại trung tâm huyện, tuyết rơi dày từ 1 - 3cm. Theo nhiều người dân, đây là hiện tượng trong vòng 40 năm qua chưa từng xảy ra trên địa bàn. Trên đường vào xã Bản Mù, đường đi phủ dày lớp tuyết trơn trượt khiến giao thông đi lại khó khăn.
Những ngày này, người dân vùng cao đang căng mình cứu đàn gia súc vượt qua giá rét. Ông Nguyễn Văn Liễu - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân phòng chống rét cho các diện tích mạ xuân, vận động nhân dân đưa gia súc về chuồng nuôi nhốt, che chắn chuồng trại, chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học. Đối với học sinh đang ở tại các điểm trường bán trú, có phương án đảm bảo phòng chống rét cũng như đảm bảo bữa ăn cho học sinh. Đối với trung tâm y tế, tổ chức duy trì 100% cán bộ trực tại trạm y tế các xã cũng như trung tâm huyện. Huyện chỉ đạo các tổ công tác phụ trách các xã, phân công các thành viên xuống cơ sở nắm bắt tình hình chủ động thông báo cho cấp trên để có phương án ứng phó”.
Cán bộ khuyến nông cơ sở giúp dân che chắn mạ non.
Những ngày này, hầu hết cán bộ phòng nông nghiệp, cán bộ khuyến nông đều xuống cơ sở để tuyên truyền vận động nhân dân đưa gia súc về nuôi nhốt trong chuồng trại; hướng dẫn nhân dân cách sử dụng các vật liệu tại chỗ như tre, nứa, bạt che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc. Trên đường vào thôn Khấu Ly, xã Bản Mù chúng tôi bắt gặp nhiều người dân trong xã đang hối hả đưa trâu bò về nhà.
Chị Giàng Thị Công – thôn Khấu Ly, xã Bản Mù bảo: “Lần đầu tiên mình nhìn thấy mưa tuyết trắng cả bản như thế này. Trời rét lắm, sợ con bò nhà mình bị chết nên từ hôm qua mình dắt từ trên núi về nhốt vào chuồng và cho nó ăn. Mong sao 3 con bò nhà mình không bị chết rét”.
Công tác chống rét được huyện triển khai rộng để hạn chế số gia súc bị chết. Tuy nhiên đến ngày 24/1, toàn huyện đã có 3 con gia súc bị quật ngã trước giá rét; đến 17h ngày 25/1 đã là 67 con và báo cáo của huyện với đoàn kiểm tra của tỉnh sáng 26/1, số gia súc chết rét là 79 con.
Cũng tại huyện Mù Cang Chải, nhiệt độ ngày 24/1 đã xuống rất thấp, từ âm 1 đến âm 3 độ C, xuất hiện băng tuyết ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến đàn gia súc, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhất là các xã Nậm Khắt, Cao Phạ, Púng Luông, La Pán Tẩn và Dế Xu Phình. Đặc biệt là đoạn quốc lộ 32 từ xã Cao Phạ đến cầu Ba Nhà, xã La Pán Tẩn băng tuyết đã phủ dày hơn 10 cm, đường trơn nên các phương tiện tham gia giao thông khó khăn khi di chuyển bắt buộc dừng hoàn toàn.
Đồng chí Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, đến 8h sáng ngày 25/1, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có 18 con gia súc chết ở 8 xã gồm: Nậm Khắt, Cao Phạ, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Hồ Bốn và Chế Tạo. Tuy nhiên đến 17 giờ cùng ngày con số này tăng vọt lên 108. Số gia súc chết rét chủ yếu là trâu già và nghé non sức đề kháng yếu không chống chịu nổi khi nhiệt độ đột ngột xuống quá thấp. Đến trưa ngày 26/1, nhiệt độ tại đây vẫn rất thấp - chỉ khoảng 2 độ C, kèm mưa rét. Do vậy, các biện pháp ứng phó với giá rét vẫn đang rất khẩn trương.
Đến nay, huyện Mù Cang chải đã thành lập 12 đoàn công tác xuống các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn những biện pháp phòng chống rét cho người, cây trồng và gia súc. Thống kê ban đầu, đến 17 giờ ngày 25/1, toàn tỉnh đã có 248 con trâu bò, ngựa, dê chết rét, gồm: huyện Mù Cang Chải 108 con, huyện Trạm Tấu 67 con, huyện Lục Yên 7 con, Văn Chấn 62 con, thị xã Nghĩa Lộ 4 con. Nhiều xã vùng cao ngày 24 và 25/1 có hiện tượng mặt ruộng bị đóng băng và nhiều diện tích hoa màu của nhân dân bị mưa tuyết vùi lấp, chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại.
Nông dân xã Bản Mù giữ ấm cho trâu bò trong ngày mưa tuyết
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngay trong ngày 24/1, UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho người và gia súc. Là một trong những ngành liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống đói, rét, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống địa phương chỉ đạo hướng khắc phục đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi.
Ông Trần Đức Lâm – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Ngành tăng cường cán bộ xuống kiểm tra, cùng với bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ gia súc khỏi giá rét, trước mắt dùng củi đốt sưởi ấm; bổ sung thêm thức ăn tinh, rơm rạ, nước ấm và dùng chăn cũ, bao tải may quần áo cho trâu, bò. Ngoài ra, ngành chỉ đạo nông dân tạm dừng ngâm, ủ, gieo mạ khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, dùng nilon che phủ đối với diện tích mạ đã gieo…”.
Đến sáng ngày 25/1, UBND tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống rét đậm, rét hại và thành lập 7 đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống rét trên địa bàn.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng băng tuyết trên diện rộng ở địa bàn Yên Bái, vì vậy chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với hiện tượng này. Do vậy, các cấp, các ngành phải triển khai đồng bộ ngay các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do băng tuyết, giá rét gây ra.
Cổng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Bản Mù ngập trong tuyết ngày 24/1.
Theo chỉ đạo của đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, từ chiều ngày 25/1, các đoàn công tác đã lên đường đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc triển khai các giải pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho người, gia súc và cây trồng.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên lưu ý: Tình trạng băng tuyết trên diện rộng ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt, mọi lĩnh vực tại các địa phương. Vì vậy, các đoàn kiểm tra phải xem xét, nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đường giao thông, nhà ở và sinh hoạt của nhân dân đồng thời báo cáo tình hình với UBND tỉnh vào 15h ngày 28/1. Ngành giao thông vận tải cần nhanh chóng khắc phục tình trạng tắc đường do mưa tuyết, giá rét, đảm bảo giao thông đi lại được thông suốt.
Sở Giao thông Vận tải đã lên kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt. Đặc biệt, tại 2km trên đèo Khau Phạ bị tắc do băng tuyết dày đặc, ngày 24/1, Sở đã bố trí một đội ứng trực tại địa điểm trên, bố trí xe gạt băng tuyết và đề nghị tỉnh có phương án ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 công văn gửi các phòng giáo dục -đào tạo và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, bố trí cho học sinh nghỉ học và đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Nếu nhiệt độ dưới 10 độ C cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học; dưới 7 độ C cho học sinh THCS nghỉ học. Khi cho học sinh nghỉ học ở nhà, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn lên kế hoạch học bù, tránh học dồn, ép chương trình. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, bố trí đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, phương tiện, chăn đệm, áo ấm cho người bệnh; tăng cường cán bộ trực đảm bảo thu dung tốt người bệnh đến khám và điều trị; chủ động hướng dẫn phòng chống rét cho người dân, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân. |
Văn Thông- Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào thi đua được Hội Nông dân xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) triển khai thực hiện sâu rộng.
Công tác thí điểm sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố trong vòng 2 năm, từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018.
YBĐT - Thời điểm này, lực lượng chức năng ở Yên Bái đang tăng cường kiểm tra để hạn chế tình trạng hàng kém chất lượng gây bất ổn thị trường, góp phần lành mạnh hoá thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất kinh doanh chân chính…