Văn Chấn xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/1/2016 | 9:45:21 AM
YBĐT - Huyện Văn Chấn có gần 2.000 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các xã vùng ngoài, so với cây chè đây cũng là cây mũi nhọn, chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong huyện.
Ông Trần Ngọc Bích (bên phải) thôn Thiên Tuế xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình.
|
Tuy nhiên, hiện cây ăn quả của Văn Chấn chưa có thương hiệu, chưa có chỉ dẫn địa lý nên việc “vàng thau” lẫn lộn vẫn là lẽ thường tình, bởi vậy người dân có cố gắng nỗ lực bao nhiêu thì sản phẩm vẫn chưa có vị thế và thương hiệu trên thị trường...
Cây chủ lực xóa đói giảm nghèo
Là xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất nhì huyện, thị trấn Nông trường Trần Phú có diện tích khoảng 400 ha cam, quýt các loại. Cam là cây trồng có giá trị kinh tế cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định, là cây chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Do vậy, để phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có, Đảng bộ thị trấn Nông trường Trần Phú đã tập trung chỉ đạo tích cực chuyển đổi giống, mở rộng diện tích, tăng sản lượng và tăng thu nhập cho người dân. Trung bình mỗi năm, thị trấn Nông trường Trần Phú xuất bán ra thị trường trên 1.800 tấn cam quýt.
Nhờ đó, nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên thành hộ khá giả. Là hộ có thâm niên trồng cam hơn 20 năm nay, gia đình ông Đỗ Văn Bản ở tổ dân phố 8 được nhiều người biết đến như là hộ tiên phong trong việc trồng cam. Từ đầu năm 1990, qua đi thực tế ở nhiều nơi khi trở về ông đã mạnh dạn mang cây cam về trồng, bước đầu chỉ là trồng thử nghiệm vài chục gốc, đến nay gia đình ông đã có trên 1 ha với 4 giống cam, trong đó cam sành có gần 500 gốc.
Vụ vừa qua, gia đình thu trên 20 tấn quả, trừ chi phí còn lãi trên 60 triệu đồng. Gia đình anh Phạm Xuân Thắng ở tổ dân phố 8 cũng vậy. Nhận thấy giá trị từ cây cam, gia đình anh đã cải tạo một số diện tích vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cam với gần 4 ha, mỗi năm cũng cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Không riêng nhà ông Bản, anh Thắng mà còn có gia đình ông Nguyễn Chí Thống, Nguyễn Văn Thông tổ dân phố 8 cũng có thu nhập cao, ổn định từ trồng cam. Cây cam đã thực sự trở thành cây không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn làm giàu cho người dân nơi đây.
Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, năm 2004, thị trấn Nông trường Trần Phú đã đưa giống cam Đường canh vào trồng thử nghiệm, đây là giống cam ngon và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2008, nông dân thị trấn đã đưa 100 cây cam Caracara (cam Mỹ) và 6 ha giống cam V2 (Viện Nghiên cứu rau quả) vào trồng thử nghiệm... Tất cả với mục tiêu củng cố thêm tiếng tăm cho sản phẩm cam Văn Chấn. Ở thị trấn Nông trường Trần Phú đã có hơn nửa số hộ dân có thu nhập chính từ cây cam, trong đó, có khoảng 100 hộ có thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Không riêng gì thị trấn Nông trường Trần Phú, diện tích cam, quýt đã phát triển mạnh ra các xã, thị trấn vùng ngoài của Văn Chấn. Là xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển diện tích cây ăn quả của huyện, đến nay, xã Thượng Bằng La đã có gần 200 ha cam quýt các loại, trong đó riêng thôn Thiên Tuế gần 100 ha. Gia đình ông Trần Ngọc Bích, thôn Thiên Tuế có gần 7 ha chủ yếu là cam sành, cam Đường canh, mùa vụ năm 2014 gia đình ông thu về gần 1 tỷ đồng.
Để phát triển vùng cây ăn quả, xã Thượng Bằng La cũng đã quy hoạch và phát triển chuyên canh những diện tích trồng cây ăn quả, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, hướng người dân tới việc sản xuất an toàn, hiệu quả để tiến tới việc xây dựng thương hiệu chung cho vùng cây ăn quả có múi của huyện, đồng thời liên kết các hộ, nhóm hộ trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường một cách bền vững, bởi thực tế hiện nay cam quýt của xã Thượng Bằng La nói riêng và các xã lân cận nói chung chưa có một thương hiệu nên người tiêu dùng và thị trường vẫn còn dè dặt, e ngại nên dễ bị đánh đồng và mất uy tín với những loại quả có múi không đảm bảo tiêu chuẩn trên thị trường.
Thương hiệu cho vùng cây ăn quả
Năm 2010, Văn Chấn đã đưa vào trồng thử nghiệm giống cam V2 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Thượng Bằng La. Năm 2011, phát triển mô hình trồng cam V2 chín muộn tại xã Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Minh An. Năm 2012, đưa giống cam Đường canh vào trồng tại Minh An. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt 2.000 ha. Trong đó, trên 650 ha cam, quýt, chủ yếu là giống cam sành, đường canh có giá trị kinh tế cao.
Sản lượng quả tươi đạt trên 6.000 tấn/năm. Nghị quyết đại hội Đảng bộ các xã: Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm và thị trấn Nông trường Trần Phú đều xác định liên kết vùng, quy hoạch những vùng cam hàng hóa; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chăm sóc, từng bước xây dựng thương hiệu cam Văn Chấn. Hiện nay, các địa phương có điều kiện đất đai phù hợp với trồng cam cũng đã quy hoạch những vùng cam, đồng thời lựa chọn những giống cam phù hợp. Với năng suất trung bình 11,5 - 12 tấn/ha mỗi năm, hàng năm, sản lượng cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 12.000 tấn.
Để nâng tầm giá trị của cam Văn Chấn, bà con đang tập trung đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa như cam Đường canh, cam sành, cam chanh và tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cam Văn Chấn, xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ quy hoạch phát triển vùng kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, có sự đầu tư khá toàn diện, Văn Chấn đã chuyển dịch thành công cơ cấu giống cây trồng, tạo vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Từ kết quả đạt được, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện 5 năm tới là tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, xác định rõ ba vùng sản xuất chính; triển khai Đề án quy hoạch, phát triển vùng cam, quýt bằng đưa các giống cam, quýt chín muộn vào trồng, xây dựng các cơ sở nhân giống cây ăn quả.
Từ lâu, các loại cây ăn quả như cam, quýt đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu đối với người tiêu dùng Yên Bái, nhưng đến nay, vẫn chưa có thương hiệu được cấp chứng nhận. Chưa có thương hiệu, không có chỉ dẫn địa lý, mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch dẫn đến thực trạng giá cả bấp bênh, năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định vấn đề mấu chốt trong việc phát triển vùng cây ăn quả đó là phải xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa cho cam Văn Chấn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì hiện tại, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp Việt Nam, các đơn vị dịch vụ để giúp cho bà con nông dân xây dựng các mô hình, các điểm cam VietGAP; hướng dẫn nông dân bảo quản sản phẩm cam được tốt.
Huyện cũng mong muốn từ nay đến cuối năm 2016, với sự ủng hộ của các sở, ban, ngành cũng như Cục Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” được công nhận thương hiệu sẽ giúp cam Văn Chấn nâng lên một tầm mới về giá trị cũng như hiệu quả kinh tế, mở ra cơ hội mới để người dân yên tâm phát triển vùng cây ăn quả, nâng cao thu nhập và xoá đói giảm nghèo, đồng thời thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm.
Lê Thanh
Các tin khác
Tính đến 17h chiều 28/1, rét đậm, rét hại làm 8.913 con trâu, bò bị chết tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.
YBĐT - Trong những ngày qua, trên địa xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đã có 8 con trâu bị chết do mắc bệnh tụ huyết trùng. Nguyên nhân trâu bị bệnh là do lây lan từ đàn trâu của các hộ dân thuộc xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
YBĐT - Tính đến trưa ngày 28/1, toàn tỉnh đã có 807 con gia súc bị chết rét, trong đó trâu, bò 314 con, bê nghé 391 con, còn lại là dê, ngựa và lợn, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
YBĐT - Ngày 28/1, tại Thanh tra tỉnh, Ban chỉ đạo Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016” (gọi tắt là Đề án 1- 1133) tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án năm 2015 và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.