Xuân về nơi tán rừng Tân Phượng
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 4:20:53 PM
YBĐT - Một mùa xuân mới đang lan tỏa khắp muôn nơi từ vùng thấp đến vùng cao, trong đó có Tân Phượng - một xã nhiều rừng, thưa dân nằm ở phía Bắc của huyện Lục Yên.
Lực lượng kiểm lâm Lục Yên thường xuyên bám sát địa bàn, bảo vệ rừng Tân Phượng.
|
Nhớ lại cách đây trên chục năm, tôi đã có dịp vào Tân Phượng. Vào xã có thể đi theo hai đường chính, từ xã Lâm Thượng vào, hay từ xã Việt Tiến (Bảo Yên, Lào Cai) xuống. Lúc đó chưa có đường ô tô chỉ cuốc bộ. Lãnh đạo xã có việc xuống huyện họp phải mất ba ngày. Ngày đi, ngày họp, ngày về. Tân Phượng lúc đó như ốc đảo, bao bọc xung quanh là những cánh rừng ngút ngàn ẩn hiện trong lớp sương mù huyền ảo.
Dọc đường từ xã Việt Tiến vào trung tâm xã, chúng tôi đi dưới tán cây rừng, thỉnh thoảng lại gặp những cây gỗ to sừng sững đường kính bằng vòng tay vài ba người ôm. Sau này mới biết thông tin, rừng Tân Phượng nằm trên địa bàn các xã Lâm Thượng, Minh Chuẩn, trong đó riêng vùng lõi thuộc xã Tân Phượng có diện tích khoảng 3.000 ha. Rừng có độ đa dạng sinh học lớn nhất huyện Lục Yên.
Khảo sát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp thống kê được 867 loài thực vật bậc cao, thuộc 569 chi của 177 họ, trong đó 6 ngành thực vật và 177 loài động vật có xương sống thuộc 62 họ và 19 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái.
Chuyến đi đó, trong đêm mưa rét tại nhà Bí thư Đảng ủy xã Triệu Tiến Minh (hiện đã nghỉ hưu) chúng tôi được ông kể lại truyền thuyết về mảnh đất này. Khi những người đầu tiên đến đây lập cư, người ta thấy trên đỉnh Mu Đoỏng cao 1.035m chiều chiều có đôi chim phượng hoàng về đậu trên ngọn cây cổ thụ cao nhất. Sải cánh của nó rộng như lá chuối rừng. Khi bay, gió từ hai cánh nó làm rạp cỏ cây. Tiếng kêu của đôi phượng hoàng vang từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia.
Không biết có phải người ta đặt tên cho mảnh đất này là Tân Phượng để nhắc nhở cháu con về một vùng đất của loài chim thần thoại hay không, nhưng về sau lần theo sách, bước đầu tìm hiểu về tên làng cổ của huyện Lục Yên. Trước năm 1926, lúc đó Tân Phượng là động Khiểng Khun, thuộc xã Lâm Vân, tổng Lương Sơn. Sau năm 1945, đặt tên xã là Hạc Phượng. Năm 1950, sáp nhập xã Khai Trung vào thành xã mới là xã Đoàn Kết. Năm 1954, xã tách thành 2, thôn Khai Trung (trước đó gọi là động Thủy Điều) lập nên xã Đoàn Kết, phần đất còn lại (Hạc Phượng) trước đây lập xã Tân Phượng.
Tân Phượng trong tôi chuyến đi đó để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Ngoài những khó khăn vất vả dọc hành trình, của thiên nhiên hoang dã, in đậm trong tôi là hình ảnh của sự đói nghèo, thiếu thốn đủ bề của vùng đất biệt lập và tình cảm chân chất của những người dân vốn ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Đem theo kỷ niệm của chuyến công tác hơn chục năm về trước, tôi lại đến với Tân Phượng. Lần này từ trung tâm huyện Lục Yên, vượt qua Minh Xuân, Yên Thắng, Mai Sơn, Lâm Thượng vừa đi xe vừa ngắm cảnh chỉ hơn giờ đồng hồ tôi đã có mặt tại Tân Phượng. Nhanh hơn lần cuốc bộ trước cả nửa ngày trời. Tân Phượng hôm nay đã khác rất nhiều. Đường ô tô cấp phối đã đi thông từ đầu xã đến cuối xã, trong đó có đoạn đã được bê tông. Trụ sở UBND, trường học, trạm y tế liền kề được xây dựng khang trang, đã có những hộ gia đình kinh doanh dịch vụ.
Dọc các thôn từ Lũng Cọ đến Bó Mi, Khiểng Khun, Khe Bín và Khe Phá nhiều nhà sàn to đẹp đã mọc lên, bên lan can, dưới gầm sàn treo đỏ ngô bắp. Điều dễ nhận thấy nhất là rừng vẫn xanh nhưng đã không gần mà xa hơn, cây to bên đường đã không còn nhiều.
Trên đường vào trung tâm xã, tôi ghé vào ngôi nhà bên đường ở thôn Lũng Cọ. Biết tôi là khách phương xa, chủ nhà là bà Bàn Thị Tạm cho biết: “Cái làng này ngày xưa thưa dân lắm, thôn nơi tôi đang ở chỉ có vài hộ, không biết làm ăn, chỉ biết phát rừng làm nương nên toàn gia đình đói nghèo. Chỉ khi từ năm 2003 Nhà nước mở đường, năm 2005 có điện lưới quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án đầu tư thì cuộc sống người dân chúng tôi mới thay đổi hẳn!”. Niềm vui với bà con người Dao nơi đây càng nhân lên khi làm việc với lãnh đạo xã được Phó chủ tịch UBND xã Triệu Tiến Phượng thông tin: “Tân Phượng có 382 hộ với 1.770 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao đỏ. Từ bảo vệ rừng, trồng ngô đồi, chăn nuôi gia súc mà thu nhập bình quân người dân nay đã đạt 14 triệu đồng, tỷ lệ đói nghèo của Tân Phượng hiện nay giảm còn 37%”.
Tìm lại người quen cũ - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Triệu Tiến Minh, ông già hơn nhưng vẫn phong độ như cách đây hơn chục năm về trước. Ông bảo: “Đường xá thông thương kinh tế - xã hội của xã phát triển nhanh, Tân Phượng hôm nay đã khác xa chục năm trước”. Ông phấn khởi khoe, vừa rồi đường đã thông sang xã Việt Tiến của Bảo Yên (Lào Cai). Như vậy ô tô có thể vào Tân Phượng từ hai đầu, cán bộ và người dân càng đỡ vất vả hơn, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn.
Cũng là cơ duyên, may mắn cho tôi trong chuyến công tác này gặp anh em kiểm lâm huyện Lục Yên xuống tuyên truyền bảo vệ rừng. Ông Đặng Văn Tâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Yên, một người đã nhiều năm gắn bó với đất Lục Yên, với rừng Tân Phượng cho biết: “Xác định được tầm quan trọng của rừng Tân Phượng, nhiều năm nay, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực bảo vệ rừng. Đến nay, tất cả các hộ gia đình trong xã đều đã ký cam kết thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ rừng”.
Dù vẫn còn tình trạng xâm hại rừng nhưng nhận thức của người dân Tân Phượng về bảo vệ rừng đã có những thay đổi đáng mừng. Chị Lý Thị Thu, người thôn Lũng Cọ 1 - một chủ bảo vệ rừng cho biết: “Cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã đã tuyên truyền, nếu phá rừng sẽ không giữ được nguồn nước, mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, phá nương lúa, nương ngô, đe dọa cuộc sống con người. Mình vận động người thân trong gia đình và làng xóm không phá rừng. Có rừng, đời sống mới ấm no, mới phát triển được. Bây giờ bảo vệ rừng để cho con cháu sau này”.
Trên đường vào Tân Phượng, tôi bắt gặp xe chở quế giống, nghe nói ở tận Văn Yên sang bán. Nhiều bà con mua để trồng rừng vụ xuân, trong đó có bố con anh Triệu Văn Phú. Anh Phú bảo, ngoài việc bảo vệ tốt rừng, năm nào mình cũng mua để trồng thêm vào rừng sản xuất nhà mình. Có rừng thì sẽ có tất cả.
Cũng như người Kinh, người Dao đỏ Tân Phượng đón tết cổ truyền theo lịch âm. Với tâm niệm là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động vất vả và cũng là để báo với tổ tiên tất cả chuyện vui buồn xảy ra trong năm, nên ngay từ tháng 8, tháng 9 âm lịch, bà con nuôi lợn, gà để dành riêng cho những ngày tết. Năm nay mưa thuận gió hòa kinh tế ổn định nên đã thấy nhiều nhà tu sửa, dọn dẹp cửa nhà, vườn tược, chuẩn bị gà, lợn đón tết. Còn các thiếu nữ Dao đang thêu những bộ quần áo mới chờ diện tết.
Một mùa xuân mới lại về, với những gì đang diễn ra, chắc chắn cuộc sống của người dân Tân Phượng sẽ đổi thay, đi lên như những cánh rừng nơi đây đang tràn trề sức sống lúc xuân về.
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - Với các giải pháp phù hợp với thực tế, cách điều hành linh hoạt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên diện mạo của huyện Trạm Tấu ngày càng thay da đổi thịt.
YBĐT - Năm 2015 đã khép lại, đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được. Không chỉ lớn lao về tầm vóc mà còn cả tư duy! Tất cả hội đủ niềm tin vững chắc để Yên Bái bước vào năm 2016, năm mở đầu cho một nhiệm kỳ mới đầy triển vọng.
YBĐT - Kết thúc giai đoạn 2011 - 2015, sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, năm 2015 thắng lợi toàn diện với 10/10 chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp đề ra đạt và vượt kế hoạch, góp phần để Yên Bái đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp.
YBĐT - Để rừng mãi xanh là mục tiêu của mỗi cán bộ, chiến sỹ Kiểm lâm Yên Bái. Mỗi ngày, họ vẫn âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ khắc phục khó khăn, quyết tâm bám đất, bám rừng, bảo vệ màu xanh cho sự sống.