Một số lưu ý trong chăm sóc lúa đông - xuân
- Cập nhật: Thứ hai, 15/2/2016 | 3:03:40 PM
YBĐT - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết vụ đông - xuân 2015 - 2016 có nhiều diễn biến phức tạp, có những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp với hiện tượng rét đậm, rét hại, hạn hán, thiếu nước xảy ra ở nhiều vùng.
Để cây lúa vụ đông - xuân sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc.
|
Để cây lúa sinh trưởng, phát triển, cho năng suất và chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế, bà con nông dân cần lưu ý thực hiện một số biện pháp chăm sóc sau:
1. Chế độ phân bón:
Phân bón là yếu tố rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đặc biệt, ở giai đoạn đẻ nhánh, cây lúa có nhu cầu lớn về dinh dưỡng. Đây là giai đoạn quyết định đến số bông trên khóm. Trong thực tế, những dảnh lúa đẻ sớm sẽ là dảnh hữu hiệu. Ngược lại, những dảnh đẻ muộn là dảnh vô hiệu, không cho bông và chia sẻ dinh dưỡng của các dảnh có bông, còn làm cho khóm lúa rậm rạp. Mặt khác, các dảnh vô hiệu còn là nguyên nhân làm cho sâu, bệnh gây hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất. Do vậy, trong canh tác lúa cần phải bón phân sớm, bón tập trung, bón đầy đủ theo đúng giai đoạn, đúng chủng loại và lượng phân để cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh khỏe và tập trung sẽ làm tăng dảnh hữu hiệu là yếu tố quyết định đến năng suất.
Bà con nông dân khi thăm đồng, quan sát trên ruộng thấy khoảng 10% số dảnh cấy bắt đầu có dảnh mới (khoảng 8 - 12 ngày sau cấy), cần tiến hành bón phân thúc đẻ ngay. Không nên bón phân nhiều lần trong giai đoạn này để hạn chế cây lúa đẻ lai rai, sinh nhiều dảnh vô hiệu.
- Đối với quy trình bón phân đơn:
+ Bón phân thúc lần 1: Khi cây lúa vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh (sau cấy 8 - 12 ngày) với lượng 4 - 5 kg đạm + 3 - 4 kg kali/sào.
+ Bón thúc lần 2: Khi cây lúa phân hóa đòng (trước trỗ khoảng 25 - 30 ngày) với lượng 2 - 3 kg đạm + 4 - 5 kg kali/sào.
- Đối với quy trình bón phân tổng hợp: Sử dụng phân NPK-S12-5-10-14 của Công ty Hóa chất Lâm Thao với lượng bón như sau:
+ Bón chăm sóc lần 1: Sau cấy 8 - 12 ngày, lượng bón 8 - 9 kg/sào.
+ Bón chăm sóc lần 2: Khi cây lúa đứng cái bước vào giai đoạn phân hóa đòng (trước trỗ khoảng 25 - 30 ngày): Bón 7 - 8 kg/sào.
Hoặc sử dụng phân NPK13-13-13+TE của Công ty Phân bón Bình Điền với lượng 5 - 6 kg/sào/1 lần bón.
Lưu ý: Sau khi bón phân nên tiến hành sục bùn, làm cỏ bằng tay giúp cho bộ rễ thoáng khí, cây sinh trưởng thuận lợi. Sục bùn lúc này đất còn mềm dễ làm, đỡ công; cỏ mới mọc dễ chết; hạt cỏ đa số chưa nảy mầm sẽ bị vùi sâu. Đồng thời, giúp cho việc hòa phân và vùi sâu phân vào đất, hạn chế sự bay hơi, rửa trôi phân; giúp cây lúa ăn phân sớm, kích thích đẻ nhiều nhánh.
Tuyệt đối không bón phân đạm khi nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC và cần giữ mực nước trong ruộng từ 2 - 3 cm để chống rét cho lúa.
- Có thể sử dụng thêm phân bón lá nếu thấy cây lúa sinh trưởng kém hoặc cằn cỗi bằng một số loại phân bón như: AH, KH, Komic... theo hướng dẫn ghi trên bao bì của từng loại phân bón.
- Đối với diện tích lúa bón phân viên nén dúi sâu: Với những ruộng chưa bón lót phân supe lân thì cần bón sớm với lượng 15 kg/sào. Ngoài ra không phải bón thêm các loại phân khác, chỉ cần điều tiết nước và làm cỏ cho lúa theo đúng quy trình.
2. Chế độ nước tưới:
- Tưới tiêu đầu vụ (từ sau cấy đến khi lúa bắt đầu đẻ nhánh): Khi bón phân thúc lúa đẻ nhánh thì mực nước trên ruộng không nên để nhiều quá và luôn giữ ổn định mực nước là 2 - 3 cm.
Sau khi bón phân và làm cỏ, sục bùn từ 5 - 7 ngày thì tiến hành tháo rút cạn nước, đến khi ruộng nứt chân chim thì lấy nước ngâm qua đêm rồi tháo cạn theo phương pháp rút nước luân phiên. Biện pháp này sẽ giúp cây lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tập trung. Ngoài ra, việc rút cạn nước còn hạn chế sự phá hoại của ốc bươu vàng và giúp cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc khóm lúa kích thích việc đẻ nhánh, đồng thời còn giúp bộ rễ lúa phát triển mạnh, ăn sâu hơn để hút nước, lấy được nhiều khoáng chất trong đất. Do bộ rễ ăn sâu, chắc khỏe và được bón phân cân đối nên cây lúa khỏe mạnh, tăng cường chống chịu điều kiện ngoại cảnh như chịu hạn hán, chống đổ ngã khi gặp gió bão, hạn chế một số loại sâu, bệnh hại.
- Tưới tiêu giữa vụ: Kết hợp tưới nước với phơi ruộng để cho lúa đứng cây, có tính đàn hồi lớn, màu lá xanh tươi và giúp rễ ăn sâu. Khi lúa đẻ nhánh đủ số lượng cơ bản thì rút cạn nước, phơi khô mặt ruộng từ 5 - 7 ngày, sau đó đưa nước vào lại. Khi lúa có đòng cứt gián thì đưa nước trở lại, không được để lúa bị hạn vì đây là thời kỳ cần nước nhất.
- Tưới tiêu cuối vụ (cây lúa làm đòng đến thu hoạch): Thời kỳ cây lúa làm đòng rất mẫn cảm với nước, thiếu nước lúa sẽ bị nghẹn đòng, trỗ bông không đều, hạt lép nên giữ mực nước 3 - 5 cm. Khi lúa bắt đầu uốn câu cho đến thu hoạch, rễ lúa phát triển kém nếu để úng nước thì cây lúa sẽ suy yếu, vì vậy chỉ cần giữ đủ ẩm để lúa đủ sức nuôi hạt và chống đổ. Thời gian từ chín nửa bông đến khi thu hoạch cần tháo cạn nước cho lúa chín đều và thuận lợi khi thu hoạch.
Lưu ý: Biện pháp tháo - lấy nước luân phiên chỉ áp dụng đối với những chân ruộng chủ động trong việc tưới tiêu.
3. Phòng trừ sâu, bệnh, chuột hại:
- Phát quang bờ bụi, dọn sạch tàn dư để hạn chế sâu bệnh, chuột trú ngụ và gây hại, từ đó giảm thiểu chi phí trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
- Thường xuyên thăm và kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm một số loại sâu bệnh như: Sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh nghẹt rễ, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn... và có biện pháp phòng trừ kịp thời theo khuyến cáo của cán bộ bảo vệ thực vật.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Thượng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
Việt Nam xếp hạng 82 thế giới, thứ 5 tại Đông Nam Á và thứ 9 trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu.
YBĐT - Trước thềm xuân mới, chúng tôi đến thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Cả thị trấn như khoác lên mình một tấm áo mới vàng rực màu của những vườn cam Đường canh, quýt sen, cam sành… trải dài trên khắp các triền đồi.
YBĐT - Cùng với toàn tỉnh, sáng 15/2 (tức mồng 8 tháng Giêng), huyện Yên Bình đã tổ chức lễ ra quân trồng cây và phát động phong trào thi đua năm 2016 với sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các em học sinh trên địa bàn thị trấn Yên Bình
Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thanh long là loại quả xuất khẩu chủ lực chiếm trên 40% tổng kim ngạch; một số loại quả như xoài, nhãn, vải… đã và đang tiếp cận xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản...