Trấn Yên: Đầu xuân ra quân trồng tre măng Bát độ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/2/2016 | 2:40:49 PM

YBĐT - Năm nay, huyện Trấn Yên lựa chọn mô hình mở rộng diện tích trồng cây tre măng Bát độ tại xã Hồng Ca làm điển hình của đợt ra quân sản xuất đầu năm.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên trao đổi với nhân dân về hiệu quả kinh tế của việc trồng tre măng Bát độ.
(Ảnh: Tô Hải)
Các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên trao đổi với nhân dân về hiệu quả kinh tế của việc trồng tre măng Bát độ. (Ảnh: Tô Hải)

Từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đến lãnh đạo các ngành, đoàn thể của huyện đều có mặt ở Hồng Ca từ sáng sớm để chung tay với nhân dân trồng mới 100 ha tre măng Bát độ. Không khí lao động hăng say tràn ngập trên những triền đồi với những niềm hy vọng mới...

Sớm qua, trong tiết trời ấm áp của những ngày đầu xuân mới, khi hơi thở của đất trời còn đượm vị ngọt mát tinh khiết của khí xuân giao hòa, khi nơi nơi vẫn còn rộn ràng lời ca tiếng hát mừng vui chào đón một mùa xuân hứa hẹn nhiều đổi mới trên khắp những làng quê, chúng tôi theo chân các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên đến Hồng Ca để nhập vào không khí sôi nổi của ngày hội ra quân sản xuất đầu năm. Năm nay, huyện Trấn Yên lựa chọn mô hình mở rộng diện tích trồng cây tre măng Bát độ tại Hồng Ca là mô hình điển hình của đợt ra quân. Từ sáng sớm, nhân dân đã nô nức tụ về nơi xuất phát của ngày hội ra quân trồng mới 100 ha tre măng Bát độ.

Hơn 10 năm qua, cây tre măng Bát độ đã trở thành cây hàng hóa mang lại nguồn thu lớn cho nông dân huyện Trấn Yên với tổng diện tích lên tới gần 1.600 ha, sản lượng năm 2015 đạt 19.300 tấn măng vỏ tươi, tổng doanh thu trên 30 tỷ đồng. Kế hoạch của năm 2016 này, huyện dự kiến trồng mới 300 ha, trong đó: 200 ha tại xã Kiên Thành, 100 ha tại xã Hồng Ca, nhằm nâng tổng diện tích lên gần 1.900 ha.

Đồng chí Đinh Đăng Luận – Bí thư Huyện ủy Trấn Yên phấn khởi chia sẻ: “Cây tre măng Bát độ là cây trồng chủ lực trong sản xuất lâm nghiệp của huyện. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã rất quan tâm, đầu tư nghiên cứu chiều sâu về thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của nhân dân tại các địa phương để lựa chọn được những giống cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, cây tre măng Bát độ là một trong những điển hình”.

Thật vậy, có chứng kiến sự thay đổi của những cơ sở xã trên địa bàn huyện Trấn Yên trong hơn 10 năm qua, mới thấy sự xuất hiện của cây tre măng Bát độ như một kỳ ước đã thỏa mãn cơn khát tìm tòi ra một cây trồng kinh tế của bà con nhân dân các dân tộc trong huyện. Điển hình, có các xã: Hồng Ca, Quy Mông, Kiên Thành... là những địa phương có diện tích trồng cây tre măng Bát độ nhiều nhất. Mỗi xã có hàng trăm hộ dân xung phong tham gia dự án trồng tre măng của huyện. Sở dĩ có điều đó, bởi gần như toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân đã được huyện Trấn Yên ký hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp Vạn Đạt bao tiêu, thu mua toàn bộ sản lượng măng tre trên địa bàn. Sản phẩm có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế nhanh chóng, lại dễ làm và dễ học tập nhau, vì vậy người dân Trấn Yên ngày càng “yêu” cây tre măng Bát độ hơn, rủ nhau cùng nghiên cứu, cùng làm và cùng hưởng lợi.

Anh Vàng A Củ (thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca) đang tham gia ngày ra quân trồng mới cây tre măng Bát độ quệt nhanh những giọt mồ hôi trên trán mà tươi cười nói: “Mình thích lắm! Cái cây này được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng và chăm sóc đúng cách nên với bà con người Mông mình như “cây thần” ấy, cứ chặt mầm lại nảy mầm, mang đi bán lấy tiền mãi không hết”. Nhà anh Củ đợt này được hỗ trợ trồng mới gần 3 ha tre măng Bát Độ, cộng với diện tích gần 2 ha đã có từ trước, tổng cộng nhà anh có gần 5 ha và theo như lời anh nói: “Chẳng sợ đói nữa rồi”.

Cán bộ khuyến nông huyện Trấn Yên trực tiếp hướng dẫn nhân dân xã Hồng Ca kỹ thuật trồng tre măng Bát độ.

Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, đồng chí Nguyễn Thế Phước vui vẻ cho chúng tôi biết: “Trong đợt ra quân đầu năm tại xã Hồng Ca này, toàn bộ diện tích trồng mới 100 ha tre măng Bát độ được đưa về địa bàn 4 thôn, là: Khe Bổ, Khe Cát, Khe Ron, Khe Tiến. Điều đặc biệt là 100% dân số của 4 thôn đều là đồng bào dân tộc Mông, với trên 1.700 nhân khẩu. Ý nghĩa của việc này theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện chia sẻ là để bà con người Mông thấy được hiệu quả kinh tế từ việc thâm canh cây tre măng Bát độ, từ đó dần hình thành thói quen canh tác để có thể tự xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện triệt để mục tiêu đó, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Trấn Yên huy động trên 300 đoàn viên thanh niên và hàng chục cán bộ khuyến nông đến tận địa bàn giúp bà con đào hố, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây... Tổng số có tới 83.000 hố cây mới sẽ được đào, phủ kín diện tích 100 ha, nâng tổng diện tích cây tre măng Bát độ của xã Hồng Ca lên tới 415 ha.

Đồng chí Cháng A Sai – Phó chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết, việc trồng cây tre măng Bát độ đã được xã thực hiện từ năm 2004. Để loại cây này thực sự phát huy tối đa hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục phối hợp với cán bộ khuyến nông của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, cùng làm, cùng xây dựng mô hình tiêu biểu cho bà con học tập, làm theo...

Chị Trần Thị Hoàn Liên - Trưởng trạm Khuyến nông huyện khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chung sức với bà con nhân dân các địa phương trong huyện để phát triển cây tre măng Bát độ một cách quy mô, có hiệu quả và mang tính bền vững nhất”.

Phát triển quy mô diện tích cây tre măng Bát Độ đã được Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên đưa vào nghị quyết, đó là một hướng đi đúng, trúng và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thắng lợi. Việc này đã, đang góp phần “thay da đổi thịt” ở những vùng quê vốn nghèo khó của huyện, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiên Cầm

Các tin khác
Nhiều mẫu xe điện mini 3-4 bánh được rao bán tràn lan trên mạng. Ảnh: Facebook.

Những ôtô điện mini từ 2 đến 4 chỗ đang được nhiều người rao bán trên mạng thuộc diện không được phép lưu hành.

Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra tình hình gieo cấy vụ xuân ở xã Thịnh Hưng

YBĐT - Vụ xuân 2016, Yên Bình có kế hoạch gieo cấy 2.054ha lúa, trong đó 70% là giống lúa lai, 30% còn lại là các giống lúa thuần chất lượng cao. Tính đến ngày 18/2, toàn huyện đã gieo cấy được 1.950 ha, đạt gần 95% kế hoạch, số còn lại sẽ xong trước ngày 25/2.

Tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân giai đoạn 2016 -2020 đạt khoảng 25-30 tỷ USD, bình quân đạt 5 - 6 tỷ USD/năm, tăng 14% so với giai đoạn 2011 - 2015 và chiếm khoảng 55% - 66% vốn đầu tư phát triển huy động từ bên ngoài

Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên cấy lúa xuân.

YBĐT - Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm, nhiều bà con nông dân Yên Bái đã nô nức “trảy hội” xuống đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục