Chế Cu Nha: Quyết liệt, hiệu quả trong bảo vệ rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/2/2016 | 2:51:22 PM

YBĐT - Xã đã xây dựng được 6 chòi canh gác rừng tại 6 vị trí trọng điểm, là những nơi có độ cao có thể quan sát diện rộng. Việc trực gác được các bản tổ chức phân công 2 hộ/lần; mỗi lần gồm 1 ngày, 1 đêm, sau đó việc trực gác được thay cho 2 hộ khác lần lượt theo thứ tự đã được xã lập thành danh sách.

Đồng bào Mông xã Chế Cu Nha làm đường băng cản lửa.
Đồng bào Mông xã Chế Cu Nha làm đường băng cản lửa.

Xã Chế Cu Nha, có tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.320 ha, trong đó 2.460 ha là đất lâm nghiệp, với gần 1.800 ha rừng tự nhiên, 700 ha rừng trồng, 282 ha rừng ở độ tuổi chăm sóc và 1.577 ha là các loại rừng khác như rừng kinh tế, rừng tái sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm. Những năm qua, xã thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và phát triển rừng.

Là địa bàn nằm tiếp giáp với nhiều xã như: Kim Nọi, La Pán Tẩn, Nậm Có của huyện và giáp ranh với xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, ngoài ra còn có quốc lộ 32 chạy qua cho nên việc tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng là rất cần thiết. Những năm 2007 - 2008 trở về trước, rừng trên địa bàn thường xuyên bị đốn hạ và đốt cháy bừa bãi. Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định muốn giữ được rừng thì phải có phương pháp bảo vệ rừng một cách nghiêm ngặt. Từ đó, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đưa ra giải pháp giữ rừng bằng cách huy động toàn dân cùng trông coi, bảo vệ rừng.

Ông Giàng A Của - Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha cho biết: "Chúng tôi suy nghĩ, muốn giữ thì phải được toàn dân ủng hộ, góp sức nên xã đã củng cố Ban chỉ huy PCCCR và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy để vận động người dân trong xã tham gia bảo vệ rừng tại địa phương, đặc biệt là ở những điểm xung yếu, có nguy cơ xảy ra cháy cao".

Việc đầu tiên là tổ chức họp bản, họp dân tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cùng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và của huyện về PCCCR. Đồng thời, phân tích để nhân dân nắm được lợi ích từ rừng đem lại, từ đó vận động mọi người cùng tham gia ký cam kết không đốt rừng, phá rừng. Bên cạnh đó, phối hợp với các trường học đóng trên địa bàn thường xuyên tổ chức phổ biến cho học sinh về công tác PCCCR vào các buổi sinh hoạt trong tuần đầu hàng tháng.

Nhờ tích cực tuyên truyền đã giúp người dân hiểu về lợi ích của rừng, từ đó các bản cùng phân công thay phiên nhau đi canh gác, trông coi bảo vệ diện tích rừng thuộc địa bàn. Xã đã xây dựng được 6 chòi canh gác rừng tại 6 vị trí trọng điểm là: Pằng Dâu Cù, Nả Pò, Đề Chờ, Pằng Dề Chú, Tồng Phử Chế Nhù và điểm giáp ranh với xã La Pán Tẩn, đây là những nơi có độ cao có thể quan sát diện rộng. Việc trực gác được các bản tổ chức phân công 2 hộ/lần; mỗi lần gồm 1 ngày, 1 đêm, sau đó việc trực gác được thay cho 2 hộ khác lần lượt theo thứ tự đã được xã lập thành danh sách.

Đặc biệt vào đầu mùa khô, xã huy động toàn dân lên rừng phát quang, tạo đường băng mới và tu sửa các tuyến đường băng cũ để ngăn chặn lửa lan ra diện rộng. Chủ động làm tốt việc ứng cứu khi xảy ra cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”, công tác ứng cứu cũng được phân theo từng khu vực cụ thể. Chẳng hạn, khi xảy ra cháy rừng ở khu vực Háng Tầu Dê thì trách nhiệm huy động lực lượng ứng cứu là các bản: Dề Thàng, Thào Chua Chải cùng với dân quân tự vệ của xã; còn nếu cháy ở khu vực Chế Cu Nha thì trách nhiệm PCCCR thuộc về các bản Trống Tông, Háng Tầu Dê; mà cháy tại khu vực Háng Chua Xay thì người dân bản Chế Cu Nha, Trống Tông và dân quân tự vệ phải có mặt ứng cứu ngay. Ngoài ra, Đảng ủy, chính quyền xã còn chỉ đạo các bản làm tốt việc quy hoạch vùng sản xuất, tích cực ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ, chặt phá rừng bừa bãi.

Ông Giàng A Sinh ở bản Háng Chua Say chia sẻ: “Trước đây tôi không nghĩ là rừng mang lại nhiều lợi ích đến thế. Khi xã vận động việc giữ rừng trên địa bàn, tôi đã từng phản đối. Giờ thì tôi đã thấy được lợi ích từ rừng nên tôi cũng tích cực vận động con cháu cùng tham gia bảo vệ rừng cho tốt”.

Với cách làm sáng tạo và quyết tâm cao đã giúp người dân xã Chế Cu Nha nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với rừng, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng. Trong 3 năm qua, trên địa bàn xã chưa có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra, trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng. Với cách giữ rừng tích cực này, xã Chế Cu Nha đã lập được nhiều thành tích và đã được nhận bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh. Mùa khô năm 2016, nhiệm bảo vệ rừng, PCCCR được xã xác định là nhiệm vụ nặng nề. Bởi trận băng tuyết cuối tháng 1 vừa qua đã làm cho cây nhỏ chết khô, cây lớn đổ xuống tạo thành lớp lớp mục khô vô cùng nguy hiểm, nếu không làm tốt, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Sùng A Hồng

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên trao đổi với nhân dân về hiệu quả kinh tế của việc trồng tre măng Bát độ.
(Ảnh: Tô Hải)

YBĐT - Năm nay, huyện Trấn Yên lựa chọn mô hình mở rộng diện tích trồng cây tre măng Bát độ tại xã Hồng Ca làm điển hình của đợt ra quân sản xuất đầu năm.

Nhiều mẫu xe điện mini 3-4 bánh được rao bán tràn lan trên mạng. Ảnh: Facebook.

Những ôtô điện mini từ 2 đến 4 chỗ đang được nhiều người rao bán trên mạng thuộc diện không được phép lưu hành.

Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra tình hình gieo cấy vụ xuân ở xã Thịnh Hưng

YBĐT - Vụ xuân 2016, Yên Bình có kế hoạch gieo cấy 2.054ha lúa, trong đó 70% là giống lúa lai, 30% còn lại là các giống lúa thuần chất lượng cao. Tính đến ngày 18/2, toàn huyện đã gieo cấy được 1.950 ha, đạt gần 95% kế hoạch, số còn lại sẽ xong trước ngày 25/2.

Tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân giai đoạn 2016 -2020 đạt khoảng 25-30 tỷ USD, bình quân đạt 5 - 6 tỷ USD/năm, tăng 14% so với giai đoạn 2011 - 2015 và chiếm khoảng 55% - 66% vốn đầu tư phát triển huy động từ bên ngoài

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục