Yên Bái nâng cao chất lượng rừng
- Cập nhật: Thứ năm, 25/2/2016 | 9:32:05 AM
YBĐT - Trong một vài năm trở lại đây, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều tiến bộ, nhất là những diện tích rừng được chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Mù Cang Chải được quản lý, bảo vệ tốt.
|
Chính sách chi trả DVMTR là một chính sách mới. Tiền phí thu được là để bảo vệ và phát triển rừng, chi trả trực tiếp cho các tập thể, tổ chức và người dân trực tiếp trồng, bảo vệ, phát triển rừng nằm trong lưu vực. Nói như vậy không có nghĩa là công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nói chung không được quan tâm.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, Yên Bái vẫn dành khá nhiều nguồn vốn cho công tác phát triển rừng. Bình quân mỗi năm trồng mới trên dưới 15 ngàn héc-ta rừng từ vùng thấp đến vùng cao, từ rừng phòng hộ đến rừng kinh tế. Nhờ vậy, diện tích rừng ngày một nâng lên.
Hết năm 2015, diện tích rừng toàn tỉnh đã đạt 428.138 ha, độ che phủ đạt 61,5%. Trong đó, có 234.000 ha rừng tự nhiên còn lại là rừng trồng sản xuất và phòng hộ.
Chỉ tính riêng năm 2015, toàn tỉnh đã trồng 15.497,3 ha; trong đó, rừng trồng sản xuất tập trung 12.352,9 ha, bao gồm: keo các loại 4.765,7 ha; quế 4.606,2 ha; bạch đàn 72,4 ha; bồ đề 791,7 ha; xoan, mỡ 212,3 ha; tre Bát độ, mai 48,7 ha; cây lâm nghiệp khác 1.855,9 ha (diện tích trồng lại rừng sau khai thác 10.425,9 ha; diện tích trồng rừng mới 1.927,7 ha); 875 ha rừng trồng phòng hộ và 3.767.225 cây phân tán, quy diện tích 2.269,4 ha.
Nhưng có một thực tế là đời sống người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc có diện tích rừng nằm trong các lưu vực được chi trả tiền DVMTR đã nâng lên rõ rệt.
Ý thức trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, chủ rừng ngày một nâng cao. Từ người khai thác, chặt phá rừng nay chuyển sang trồng và tu bổ rừng, các vụ việc vi phạm lâm luật giảm hẳn, chất lượng tài nguyên rừng nâng lên. Năm 2015, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả cho các chủ rừng trên 36 tỷ đồng với diện tích rừng được chi trả trên 166 ngàn héc-ta (diện tích chưa quy đổi).
Trong đó, diện tích rừng nằm trong lưu vực sông Đà 51.861 ha, lưu vực sông Hồng trên 67 ngàn héc-ta, lưu vực sông Chảy trên 45 ngàn héc-ta. Có thể nói, chính sách chi trả phí DVMTR được coi là bước đột phá trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về trách nhiện bảo vệ và phát triển rừng, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về giá trị phòng hộ mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm rừng.
Xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải có 5.636 ha rừng. Trước đây, bà con mỗi năm chỉ được nhận trên dưới 200 ngàn đồng tiền khoán bảo vệ rừng. Nay vẫn diện tích này, bà con trong xã được nhận thêm 1,135 tỷ đồng từ tiền phí DVMTR.
Gia đình Giàng A Hảng được giao quản lý bảo vệ trên 5 ha rừng. Như vậy, mỗi năm, gia đình cũng có nguồn thu 2,5 triệu đồng từ tiền khoán, bảo vệ và phí DVMTR. Số tiền tuy không phải là quá lớn nhưng cũng góp phần nâng cao cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây và sẽ là động lực để bà con yêu rừng hơn, giữ rừng tốt hơn.
Bên cạnh đó, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ, chủ rừng phải bảo đảm diện tích rừng cung ứng dịch vụ được bảo vệ phát triển theo đúng chức năng được quy định trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hộ nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài phải bảo đảm diện tích rừng cung ứng dịch vụ được bảo vệ phát triển theo đúng hợp đồng đã ký kết với chủ rừng.
Qua 5 năm triển khai thực hiện cho thấy, các chủ rừng, diện tích rừng được chi trả DVMTR đều bảo đảm các yêu cầu theo các hợp đồng ký kết.
Rõ ràng việc thực hiện chính sách chi trả phí DVMTR không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người làm rừng, xóa đói giảm nghèo mà chắc chắn, ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân không ngừng nâng lên. Đó là bước đột phá trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán 2016, người chăn nuôi Yên Bái phấn khởi bởi một lượng lớn gia súc, gia cầm đã được tiêu thụ hết, giá tuy không cao nhưng ổn định. Bên cạnh đó, đợt rét đậm, rét hại vừa qua cũng làm khá nhiều gia súc bị chết, gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.
YBĐT - Các xã "135" đã tổ chức mua giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc công cụ hỗ trợ cho các hộ dân với tổng kinh phí thực hiện gần 3,6 tỷ đồng.
YBĐT - Để đảm bảo về năng suất cũng như diện tích của vụ lúa đông xuân năm 2015 - 2016, nhất là các diện tích đã bị chết rét do đợt rét đậm, rét hại vừa qua, huyện Mù Cang Chải đã cấp bổ sung trên 10 tấn lúa giống, chủ yếu là giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, trong đó có giống VL 20 cho các xã bị thiệt hại.
Ngày 24/2, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành, mặt hàng ô tô điện không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, nên được phép làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.