Khôi phục thảo quả và “bài toán giữ rừng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2016 | 9:24:10 AM

YBĐT - Đợt băng tuyết, rét hại xảy ra cuối tháng 1 vừa qua đã làm gần 1.500 ha thảo quả của huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại, hàng trăm tỷ đồng tan theo băng tuyết. Huyện đã tập trung các biện pháp thâm canh tối đa nhằm “cứu” thảo quả, ổn định sản xuất cho người dân.

Người dân huyện Mù Cang Chải khôi phục diện tích cây thảo quả.
Người dân huyện Mù Cang Chải khôi phục diện tích cây thảo quả.

Tiền tỷ “tan” theo băng tuyết

Thảo quả là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp bà con nông dân ở các xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải thoát nghèo và làm giàu. Ở các bản làng vùng cao, người dân coi thảo quả như cây tiền trên rừng không cây nào sánh được, chuyện những hộ dân thu về hàng trăm triệu đồng từ thảo quả không còn là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, đợt băng tuyết, rét hại cuối tháng 1 vừa qua khiến nhiều diện tích thảo quả trên địa bàn huyện bị chết, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Gia đình chị Giàng Thị Là ở bản La Phu Khơ, xã Kim Nọi có 2 ha thảo quả, năm ngoái thu trên 80 triệu đồng.

Chị Là bảo: “Nhờ trồng thảo quả mà gia đình em thoát nghèo. Thế nhưng, đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm cho toàn bộ diện tích thảo quả bị đổ, chết khô, chắc không có khả năng cho quả”. Trên đường lên xã Kim Nọi, tôi gặp anh Lờ A Khua đang thu dọn những thân cây thảo quả dập nát ngổn ngang.

Chỉ tay vào bụi thảo quả khô héo, Khua bảo: “Cái bụi thảo quả này, nếu còn sống thì sẽ hái được khoảng hơn 10 kg quả tươi, nếu sấy khô bán thì tiền mua được cả yến gạo. Nhà có 3 ha thảo quả, đợt băng tuyết làm hỏng hết, bị chết khô, thế là mất trắng nguồn thu hơn một tấn quả, trị giá hàng trăm triệu đồng. Cây nào có khả năng phục hồi cũng phải mất 3 năm nữa mới cho quả trở lại”.

Theo ông Mùa A Súa - Chủ tịch UBND xã Kim Nọi, hơn 61 ha cây thảo quả của xã đã bị thiệt hại sau mưa tuyết. Để khắc phục diện tích thảo quả trở lại nguyên trạng cần ít nhất 3 năm nữa nên thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Về xã Nậm Khắt - nơi cũng có nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ thảo quả, ông Thào A Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt cho biết: “Toàn xã có hơn 83 ha thảo quả, mỗi năm, người dân thu về hơn 1 tỷ đồng từ tiền bán thảo quả. Đợt băng tuyết phủ kín các bản làng vừa qua đã làm thảo quả chết gần hết”. Đến bản Hua Khắt, gặp Thào A Chù vừa đi dọn thảo quả trên nương.

Anh cho biết: “Ở đây, nhà nào cũng trồng thảo quả. Có vài héc-ta thảo quả là có cả trăm triệu đồng rồi. Nhà tôi có 2 ha thảo quả, năm trước thu về 80 triệu đồng nhưng năm nay bị mưa tuyết vùi lấp chết hết cả rồi”.

Theo báo cáo của huyện Mù Cang Chải, do ảnh hưởng của băng tuyết nên gần 1.500 ha thảo quả trên địa bàn bị cháy lá và gãy đổ hoàn toàn. Bình quân mỗi héc-ta thảo quả cho thu hoạch 1 tấn quả khô với giá bán 150 triệu đồng/tấn, tính ra số thiệt hại người trồng thảo quả lên đến 200 tỷ đồng.

Sau đợt rét hại xảy ra, huyện tập trung thực hiện các biện pháp thâm canh tối đa, nhằm “cứu” thảo quả hồi sinh. Huyện cũng đã có văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ đồng bào khắc phục, mua cây giống trồng lại trên diện tích bị thiệt hại, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, huyện cũng không khuyến khích phát triển cây thảo quả bởi nỗi lo mất rừng.

Không khuyến khích mở rộng diện tích

Đồng chí Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương hướng dẫn bà con thu dọn toàn bộ những cây đã chết, chăm bón các gốc cây thảo quả chưa thối gốc. Đến nay, diện tích thảo quả phục hồi khoảng trên 50%. Tuy nhiên, nhiều năm nay, huyện không có chủ trương mở rộng diện tích bởi phát triển cây thảo quả tràn lan không khác nào “con dao hai lưỡi” nên chúng tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ bằng việc trồng cây sơn tra”.

Những năm gần đây, thảo quả được giá nên nhiều bản làng người Mông đua nhau lên rừng trồng thảo quả. Tuy nhiên, thảo quả đi đến đâu thì nguy cơ mất rừng đến đó. Do đặc tính tự nhiên của cây thảo quả là cây sống dưới tán rừng, thích hợp với ánh sáng tán xạ nên người trồng thảo quả đã phát dọn những cây nhỏ, cây tái sinh và lớp thảm thực bì, chỉ để những cây to, tán rộng làm tàn che cho cây thảo quả.

Người trồng thảo quả dọn cây rừng rất sạch, trong diện tích rừng trồng thảo quả, các cây mọc tự nhiên không có thế hệ tiếp nối, khi những cây to đến lúc già gãy đổ, thì diện tích đó sẽ biến mất. Từ đó, diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng và khả năng phòng hộ của rừng suy giảm theo thời gian, chất lượng rừng ngày càng nghèo đi, nguy cơ mất rừng vì khả năng tái sinh của rừng không còn.

Theo số liệu điều tra của Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, năm 2013, diện tích thảo quả của toàn huyện Mù Cang Chải là 1.421,63 ha trồng tại 13/14 xã, thị trấn, nhiều nhất tại các xã: Cao Phạ, Nậm Có, Chế Tạo.

Trong đó, diện tích cây thảo quả trồng trong rừng đặc dụng 387,86 ha, rừng phòng hộ 931,77 ha và rừng sản xuất 102 ha. Nguy hại hơn là việc thu hoạch và sấy thảo quả trong rừng dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Ông Thào A Chù ở xã Nậm Khắt cho biết: “Do thảo quả khô cho giá trị cao hơn và dễ vận chuyển nên người dân thường sấy thảo quả ngay tại rừng”.

Theo tính toán, để sấy 1 tấn thảo quả cần khoảng 7 - 10 m3 củi gỗ. Như vậy, với diện tích gần 1.500 ha thảo quả hiện nay, mỗi năm, Mù Cang Chải đang mất đi khoảng trên 10.000 m3 củi gỗ. Để có lượng chất đốt này, người dân chặt phá từ rừng và rừng lại tiếp tục bị tàn phá, suy kiệt để phục vụ cho cây thảo quả. Bên cạnh nguy cơ mất rừng, việc tiêu thụ thảo quả hiện phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, khiến giá bán loại quả này cũng lên xuống thất thường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Trước thực tế trên, để thảo quả phát triển bền vững, địa phương cần quy hoạch diện tích trồng thảo quả trên cơ sở không phát triển mở rộng thêm diện tích trên diện tích rừng tự nhiên, từng bước đưa thảo quả ra khỏi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng xung yếu và rất xung yếu, trồng thử nghiệm thảo quả tại rừng sản xuất, rừng trồng đã khép tán; tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật cho người dân về cách trồng thâm canh, thu hoạch và sau thu hoạch để tăng năng suất, chất lượng thảo quả. Ngoài ra, cần tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ và tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến thảo quả trên địa bàn.

Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - 3 tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Lục Yên tiếp tục duy trì ổn định. Giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện (tính theo giá hiện hành) đạt 280,2 tỷ đồng.

YBĐT - Năm 2016, thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đã đầu tư 6 tỷ đồng để cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo với các giống có năng suất, chất lượng cao.

Người dân đến làm thủ tục mua vé tàu.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4, 1-5, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng cường thêm 30 đoàn tàu để phục vụ hành khách, đồng thời giảm 20%-50% giá vé một số tuyến.

Thu hoạch thanh long ở Tiền Giang.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sau thời gian dài đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật giữa Cục Bảo vệ thực vật với Cơ quan Kiểm dịch thực vật Đài Loan (BAPHIQ), phía Đài Loan vừa thông báo sẽ chính thức cho phép nhập khẩu trở lại quả thanh long ruột trắng từ Việt Nam kể từ ngày 1/6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục