Dùng kháng sinh cho chăn nuôi hại gì?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/4/2016 | 8:13:13 AM

Chất kháng sinh có trong gia súc, gia cầm được đánh giá là "nguy hiểm hơn cả chất tạo nạc". Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn người chăn nuôi không chỉ dùng chất tạo nạc mà còn dùng kháng sinh.

Heo được cho dùng kháng sinh để tăng trọng, phòng bệnh và chữa bệnh.
Heo được cho dùng kháng sinh để tăng trọng, phòng bệnh và chữa bệnh.

Dùng kháng sinh cho chăn nuôi hại gì?

Những khu vực có sản lượng gia súc, gia cầm nhiều nhất cũng chính là những khu vực sử dụng nhiều kháng sinh nhất trong chăn nuôi. Khu vực màu vàng có mức độ sử dụng thấp, cam và đỏ nhạt có mức độ cao hơn và đỏ đậm là mức độ cao nhất. Việt Nam nằm ở khu vực màu cam đậm.

Chất kháng sinh có trong gia súc, gia cầm được đánh giá là "nguy hiểm hơn cả chất tạo nạc" - ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, cho biết tại diễn đàn “Quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 12-4 ở Bình Dương.

Tuy vậy, người tiêu dùng hầu hết vẫn chưa được biết mức độ nguy hại của việc sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi.

Dùng kháng sinh kích thích tăng trọng?

Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS,TS) Lê Văn Thọ, Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết kháng sinh dùng trong chăn nuôi gồm ba mục đích: kích thích tăng trọng, phòng bệnh và chữa bệnh.

Trong đó liều thấp nhất với mục đích kích thích tăng trọng, liều trung bình để phòng bệnh và liều cao để điều trị.

“Thế nhưng với hàm lượng kháng sinh thấp để kích thích tăng trọng thì không đủ nồng độ ức chế sự phát triển của vi khuẩn, vì thế các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thường bổ sung kháng sinh liều cao với mong muốn vật nuôi không bị bệnh, không bị tiêu chảy để người chăn nuôi ưa chuộng và tin dùng”, PGS.TS Lê Văn Thọ nói.

Dùng kháng sinh cho chăn nuôi hại gì?

Bên cạnh đó khi thời tiết thay đổi, để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi thường mua kháng sinh pha vào nước uống hoặc trộn thức ăn, vô tình làm cho kháng sinh chồng kháng sinh (kháng sinh có sẵn trong thức ăn và kháng sinh cấp thêm qua nước uống hoặc qua thức ăn).

Một vấn đề nữa là khi vật nuôi bị bệnh, phần lớn người chăn nuôi  mua thuốc về tự điều trị. Nếu vật nuôi bị bệnh nặng điều trị không khỏi thì kêu thương lái đến bán.

“Buổi sáng vừa tiêm kháng sinh xong thì buổi chiều bán gia súc để làm thịt, trong thời gian ngắn như vậy kháng sinh chưa thể đào thải hết khỏi cơ thể vật nuôi. Thịt của vật nuôi đó không thể là thịt sạch được bởi nó vừa là con vật bệnh, vừa tồn dư kháng sinh” - PGS.TS Lê Văn Thọ cho biết.

Một báo cáo khảo sát trên 94 trại chăn nuôi heo thịt gần đây cho thấy kháng sinh được sử dụng cao hơn mức quy định 2 - 4 lần.

“Đó là thực trạng của nền chăn nuôi nước ta hiện nay”, PGS.TS Lê Văn Thọ chia sẻ thêm.

Ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?

Theo bác sĩ (BS) Lê Quang Hào - Viện Dinh dưỡng quốc gia, tác hại đầu tiên của thực phẩm có chứa nhiều kháng sinh là gây dị ứng và nhiều phản ứng không có lợi cho cơ thể.

Về lâu dài, việc vô tình hay cố ý sử dụng nhiều kháng sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận. Mặt khác, kháng sinh vào cơ thể con người sẽ gây kháng thuốc.

Ảnh hưởng lớn nhất của việc lạm dụng kháng sinh chính là sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể, cơ thể trở nên “lờn” các loại vi khuẩn gây bệnh, “lờn” thuốc. Khi đó thì dù có uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi bệnh và sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc.

“Lâu nay người ta cứ tưởng kháng sinh sử dụng để chữa bệnh cho người là chính. Tuy nhiên các nhà khoa học vừa công bố 70% lượng kháng sinh được sản xuất trên toàn cầu là sử dụng cho vật nuôi, thậm chí còn dùng cho cả cây trồng. Vì vậy, có thể nói là hằng ngày con người đang âm thầm tiêu thụ một lượng kháng sinh khổng lồ” - BS Lê Quang Hào lo ngại. 

Kiểm soát ra sao?

Về giải pháp, PGS.TS Lê Văn Thọ cho rằng cần buộc các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phải tuân thủ quy định không trộn chất cấm vào thức ăn ở bất cứ giai đoạn nào của vật nuôi.

“Theo tôi, với những kháng sinh dù được phép sử dụng nhưng cũng không nên trộn trong thức ăn nuôi heo thịt một tháng trước khi xuất chuồng. Điều này nhà máy phải ghi rõ trên bao cám để người chăn nuôi biết. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý” - ông Thọ nói.

Mặt khác, đối với các trang trại chăn nuôi lớn nên có bác sĩ thú y và các kỹ sư chăn nuôi phụ trách.

Việc tự pha trộn thức ăn dùng trong trang trại cũng phải tuân thủ như đối với nhà máy sản xuất thức ăn.

Việc dùng thuốc phòng - trị bệnh phải đảm bảo thời gian ngừng thuốc ghi trên bao bì, không chỉ đối với kháng sinh mà còn đối với các thuốc khác như an thần, xổ giun, hormone, văcxin...

Nên khuyến khích tất cả trang trại thực hiện chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là vấn đề kiểm soát đối với các hộ chăn nuôi cá thể, người tham gia công tác giết mổ và thương lái mua bán gia súc vì họ tự mua thuốc kháng sinh về điều trị khi vật nuôi bị bệnh, tự ý mua thuốc an thần về tiêm cho gia súc trước khi giết mổ…

Theo các chuyên gia, song song với việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng phải kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện thực phẩm bẩn.

“Hiện nay ở Canada người ta thường xuyên có những bài test thử nghiệm phát hiện sự hiện diện của kháng sinh trong thịt tại lò mổ. Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cũng nên làm như thế” - PGS.TS Lê Văn Thọ đề nghị.


Dùng kháng sinh cho chăn nuôi hại gì?

Ảnh trên: biểu đồ mức sử dụng kháng sinh trên gà. Ảnh dưới: biểu đồ mức sử dụng kháng sinh trên heo. Màu đỏ là mức độ cao

(Theo TTO)

Các tin khác
Cần đẩy mạnh tuyên truyền và có chế tài để người chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. (Ảnh minh họa)

YBĐT - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã ở mức báo động, bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng mà còn hệ luỵ tới cả thế hệ sau. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bằng việc đưa các giống cây con chất lượng, hiệu quả xóa đói giảm nghèo và làm giàu thì phải gắn với sản xuất sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên tham quan mô hình chăn nuôi trâu bò bán công nghiệp tại huyện Văn Yên. Ảnh MQ

YBĐT - Thực hiện đề án phát triển chăn nuôi của tỉnh (giai đoạn 2011 - 2015), đến nay, huyện Trấn Yên có 131 trang trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

YBĐT- Hết quý I/2016, tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố Yên Bái đạt 263 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên tặng hoa chúc mừng xã Giới Phiên được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Miến đao Giới Phiên”

YBĐT - Sáng 14/4, UBND thành phố Yên Bái tổ chức lễ đón nhận và công bố quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Miến đao Giới Phiên” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục