Trạm Tấu đối mặt với cháy rừng
- Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2016 | 3:50:37 PM
YBĐT - Hiện nay, thời tiết ở các huyện phía Tây của tỉnh, nhất là huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải vẫn nắng nóng cộng với gió lào, nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao, khi mà hai huyện này có hàng nghìn héc-ta rừng tự nhiên, rừng trồng bị chết do đợt băng tuyết và sương muối gây ra.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu tuyên truyền, vận động phụ nữ Mông không đốt nương rẫy vào những ngày thời tiết nắng nóng, gió to.
|
Từ đầu vụ khô hanh năm 2015 - 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã xảy ra 9 vụ cháy rừng tại xã Tà Xi Láng, Làng Nhì, Xà Hồ, Bản Mù…, làm thiệt hại hàng chục héc-ta rừng trồng phòng hộ, rừng tự nhiên phòng hộ và 36 ha trảng cỏ, cây bụi và lau lách. Nguyên nhân của các vụ cháy rừng vẫn là sự bất cẩn của con người trong sử dụng lửa, cố tình đốt nương rẫy vào những ngày thời tiết nắng nóng, gió to để lửa lan vào các khu rừng gần nương rẫy, gây ra cháy rừng.
Theo báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 1.540 ha rừng trồng bị chết. Trong đó, có 50% bị chết từ 60% trở lên, còn lại bị chết từ 30% - 60% và có nhiều diện tích rừng thông trồng đã được 7 đến 10 năm tuổi bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, còn có khoảng trên 3.000 ha rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi bảo vệ cũng bị chết và thiệt hại nặng.
Những diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên bị chết là do đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết, sương muối, gió trong tháng 1/2016. Diện tích bị thiệt hại tập trung chủ yếu ở các xã: Tà Xi Láng, Làng Nhì, Bản Công, Bản Mù, Túc Đán, Pá Lau và Xà Hồ… Trong tháng 3 và đầu tháng 4, trên địa bàn huyện liên tục xảy ra nhiều vụ cháy lớn, huyện đã phải huy động hàng trăm lượt người để chữa cháy.
Từ ngày 8 - 10/3/2016, đã xảy ra 3 điểm cháy tại các xã Tà Xi Láng, Làng Nhì và Bản Mù, Ban chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển rừng huyện đã phải huy động hàng trăm người để chữa cháy đến chiều ngày 10/3 mới dập tắt được ngọn lửa. Tổng diện tích thiệt hại của các vụ cháy trên là 36 ha (chủ yếu là trảng cỏ, cây bụi, lau lách và núi đá).
Nguyên nhân xảy ra cháy rừng là do lửa cháy lan từ huyện Phù Yên và Bắc Yên (Sơn La) sang. Tiếp đến, ngày 23/3, trên địa bàn xã Xà Hồ lại xảy ra 2 vụ cháy rừng liên tiếp. Vụ thứ nhất xảy ra vào lúc 11 giờ 30 phút, tại tiểu khu 546, khu vực thôn Háng Xê, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện phải huy động 34 người tham gia chữa cháy đến 14 giờ cùng ngày đám cháy mới được khống chế.
Tuy nhiên, lửa đã thiêu rụi 3 ha rừng phòng hộ trồng năm 1998 do Ban Quản lý Rừng phòng hộ đang giao khoán bảo vệ do ông Hờ A Giao ở Xà Hồ làm nhóm trưởng. Nguyên nhân cháy là do Phàng Thị Mủa, cư trú tại thôn Háng Xê, xã Xà Hồ đốt nương để lửa cháy lan gây ra cháy rừng. Chỉ cách 1 giờ cùng ngày, tại tiểu khu 540, khu vực chòm Cang Chi Khúa, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ đã xảy ra một đám cháy, huyện lại phải huy động lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và lực lượng tại chỗ gồm 49 người dập lửa mới khống chế được đám cháy, diện tích thiệt hại là 1 ha rừng tự nhiên phòng hộ.
Nguyên nhân là do Thào Thị Dua và Thào Thị Mo, cư trú tại thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ đốt nương gây cháy lan vào rừng. Sau hai vụ cháy rừng ở Xà Hồ, lực lượng kiểm lâm huyện và các cán bộ của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện mới được “nghỉ ngơi” chưa được 2 tuần thì đầu tháng 4 lại xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy rừng vào ngày 5 và 6/4 tại xã Bản Mù.
Chúng tôi gặp anh Lại Văn Quang - Phó ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu vừa đi chữa cháy rừng ở xã Bản Mù về, trong trạng thái rất mệt mỏi sau nhiều giờ đối mặt với “giặc lửa”, anh chia sẻ: “Nói thật với các anh, phong tục đốt nương làm rẫy đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều phụ nữ Mông rồi! Họ rất thích đốt nương, nhất là phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến trên 50 tuổi. Hai vụ cháy cuối tháng 3/2016 tại xã Xà Hồ, trong đó có một vụ vợ bảo chồng đi đốt nương nhưng chồng không đi vì trời nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng. Vợ chê chồng lười và trốn đi đốt nương nên đã gây ra cháy rừng. Sau khi dập lửa rồi chúng tôi còn phải ngủ trên rừng 2 đêm để canh rừng, mùa này ở Trạm Tấu cứ phải căng mình ra để canh rừng, chữa cháy rừng làm ảnh hưởng rất nhiều tới công việc khác…”.
Hai vụ cháy rừng liên tiếp vào ngày 5 và 6/4 tại xã Bản Mù làm thiệt hại trên 9 ha rừng tự nhiên phòng hộ và rừng tự nhiên tái sinh. Vụ cháy ngày 5/4, thiệt hại 3 ha rừng tự nhiên phòng hộ, nguyên nhân là do Giàng Thị Dở ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù đốt nương, lan ra gây ra cháy rừng. Còn vụ cháy ngày 6/4, làm thiệt hại 5 ha rừng tự nhiên phòng hộ và 1,3 ha rừng tự nhiên tái sinh, nguyên nhân là do Chang A Giang ở thôn Mông Đơ, xã Bản Mù đốt nương gây ra cháy rừng…
Hiện nay, thời tiết ở các huyện phía Tây của tỉnh, nhất là huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải vẫn nắng nóng cộng với gió Lào, nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao, khi mà hai huyện này có hàng nghìn héc-ta rừng tự nhiên, rừng trồng bị chết do đợt băng tuyết và sương muối gây ra. Đây cũng là thời điểm đồng bào vùng cao đốt nương rẫy để trồng lúa, ngô rất dễ xảy ra cháy rừng. Vì vậy, nhiệm vụ số một của các ngành chức năng ở huyện Trạm Tấu nói riêng và các huyện vùng cao của tỉnh nói chung là phải tích cực kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không được đốt nương rẫy vào những ngày trời nắng nóng, gió to; đồng thời, phải phân công lực lượng thường xuyên “gác rừng”, “canh rừng” ở những vùng trọng điểm rừng bị chết nhiều gần với khu vực sản xuất nương rẫy của người dân để kịp thời có biện pháp ngăn chặn những hành vi đốt nương rẫy và sử dụng lửa bất cẩn ngay từ cơ sở mới có thể giữ được rừng trong những tháng mùa khô còn lại của năm nay.
Cao Chính
Các tin khác
YBĐT - Trong 3 tháng đầu năm, nhân dân huyện Văn Yên đã trồng 1.570ha rừng vụ xuân, đạt 58,5% kế hoạch, tăng gần 500ha so với cùng kỳ.
YBĐT - Tổng diện tích đã bán đấu giá 6.961 mét vuông với tổng số tiền thu được 26,5 tỷ đồng.
YBĐT - Nhằm thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển, từ năm 2011 đến nay, huyện Văn Chấn đã thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn với kinh phí trên 60 tỷ 720 triệu đồng.
YBĐT - Hết quý I năm 2016, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Yên đạt 311 tỷ 245 triệu đồng.