Phát triển cây sơn tra: Một chủ trương hợp lòng dân Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2016 | 9:58:44 AM
YBĐT - Không còn hoài nghi về giá trị kinh tế cũng như việc giữ gìn môi sinh, bảo vệ vốn rừng, chủ trương trồng rừng phòng hộ đa mục đích bằng cây sơn tra ở Mù Cang Chải đã và đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, hợp với lòng dân, được đồng bào vùng cao trong huyện tích cực hưởng ứng.
Cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sơn tra cho người dân xã Nậm Khắt.
|
Đưa chúng tôi đến thăm vùng kinh tế tập trung tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt - địa bàn triển khai mô hình trồng 100 ha sơn tra tập trung, đồng chí Nguyễn Thanh Phương - Phó giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho hay: “Đợt băng tuyết, rét đậm, rét hại xảy ra hồi đầu năm 2016 đã cho thấy khả năng chống chịu và hồi sinh tuyệt vời của cây sơn tra. Trong khi không ít cây bản địa, trong đó có cây thảo quả bị chết khô sau rét thì trái lại, ngay khi thời tiết ấm lên, cây sơn tra nhanh chóng trút bỏ những thân, cành khô, chết, bật lộc, đâm chồi, đơm hoa, kết trái. Vụ quả năm nay hứa hẹn được mùa sẽ bù đắp một phần thu nhập đáng kể cho người trồng rừng ở địa phương”.
Bước qua cánh cổng làng vào vùng kinh tế tập trung của Nậm Khắt, không thể không vui khi cả trăm héc-ta nương đồi được phủ xanh một màu bởi ngô đồi và cây sơn tra. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phạm Tiến Lâm giải thích, việc trồng xen ngô với cây sơn tra trong 3 đến 4 năm đầu sẽ bảo đảm nguồn thu nhập cho người dân. Bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi, khi cây sơn tra cho thu bói, kinh tế của người dân sẽ dần ổn định hơn.
Sơn tra không còn là thứ cây rừng hoang dại khi được xác định là một trong những cây kinh tế mũi nhọn trong trồng rừng phòng hộ đa mục đích ở Mù Cang Chải - địa phương có diện tích rừng phòng hộ lớn, trên 50 nghìn héc-ta. Chủ trương phát triển cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ nhanh chóng đi vào lòng dân. Càng yên tâm hơn khi mỗi héc-ta sơn tra trồng xuống, người dân được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng bằng cây giống, phân bón và chi phí vận chuyển. Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu được Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải chú trọng tập trung chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua.
Đồng chí Lê Văn Hùng - Giám đốc Ban quản lý dự án Rừng phòng hộ huyện cho biết: “Chủ trương phát triển cây sơn tra trong trồng rừng phòng hộ đa mục đích xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với đơn vị. Từ năm 2011 đến nay, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải đã triển khai hỗ trợ trồng mới 690 ha cây sơn tra. Quá trình thực hiện cho thấy, đây là chủ trương đúng, hợp với lòng dân, được đồng bào đồng tình hưởng ứng".
"Cây sơn tra trồng dưới tán rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất không những giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giữ đất, giữ gìn nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, trở thành cây xóa nghèo và làm giàu cho không ít hộ gia đình đồng bào dân tộc ở các xã trong huyện, mục tiêu gắn phát triển kinh tế với phát triển và bảo vệ rừng” - Giám đốc Lê Văn Hùng nói.
Để phục vụ nhiệm vụ trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất bằng cây sơn tra, năm 2015, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện đã gieo tạo được trên 1,8 triệu cây giống các loại, chủ yếu là thông và sơn tra, bảo đảm đủ cung ứng phục vụ trồng rừng phòng hộ, trồng dặm rừng và trồng rừng sản xuất, đồng thời thực hiện trồng mới gần 800 ha rừng. Riêng trong 3 tháng đầu năm, đơn vị đã sản xuất, tiêu thụ trên 1,1 triệu cây lâm nghiệp gồm thông và sơn tra, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trồng mới 150 ha rừng phòng hộ, 100 ha rừng sản xuất và 50 ha rừng trồng theo đề án năm 2016.
Vượt qua nhiều cây trồng bản địa truyền thống, trong đó có cả những loại cây trồng mới như trúc sào, việc đưa cây sơn tra vào trồng dưới tán rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở vùng cao Mù Cang Chải, đưa diện tích sơn tra trồng trong rừng phòng hộ và sơn tra trồng rừng sản xuất ở địa phương này lên trên 1.500 ha, góp phần tích cực trong việc bảo vệ rừng, cải thiện và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề rừng, trong đó có trên 3 nghìn hộ có thu nhập trực tiếp từ cây sơn tra.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Yên Bái đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được xây dựng theo hướng đồng bộ, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
YBĐT - Theo quyết định phê duyệt phương án tiết giảm công suất tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2016 bao gồm mức tiết giảm 43MW (tương ứng mức tiết giảm công suất 30%), 64MW (tương ứng mức tiết giảm công suất 50%); 90MW (tương ứng mức tiết giảm công suất 70%).
Chiều 4-5, ông Hoàng Văn Thức - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn đầu đoàn kiểm tra về việc “chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại Formosa” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từ hôm nay (ngày 5/5), việc thu phí dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) sẽ chính thức được thực hiện.