Để chăn nuôi là ngành kinh tế chủ lực
- Cập nhật: Thứ hai, 9/5/2016 | 10:11:01 AM
YBĐT - Liên tục trong mười năm trở lại đây, tốc độ phát triển đàn gia súc chính như: trâu, bò, lợn đều tăng bình quân 3,3%/năm, từ 483.686 con năm 2005 lên 643.519 con năm 2015.
Quy hoạch bãi chăn thả kết hợp trồng cỏ trong phát triển chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.178 trang trại, cơ sở chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp.
Bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ con giống, làm chuồng trại, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh..., phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Chăn nuôi bước đầu phát triển theo hướng hàng hóa, trang trại, tập trung và hình thành một số mô hình chăn nuôi công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi hơn trong sản xuất, tạo bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Liên tục trong mười năm trở lại đây, tốc độ phát triển đàn gia súc chính như: trâu, bò, lợn đều tăng bình quân 3,3%/năm, từ 483.686 con năm 2005 lên 643.519 con năm 2015. Đàn gia cầm giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng bình quân 5,9%/năm, từ 2,5 triệu con năm 2005 lên 3,98 triệu con năm 2015. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 39.242 tấn năm 2015; trong đó, sản lượng gia súc đạt 35.293 tấn, gia cầm đạt 3.949 tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2015 đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 29% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2008, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung, nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.178 trang trại, cơ sở chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp.
Tiêu biểu trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô lớn là: Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao Vinashin (quy mô 200 nái và 1.000 lợn thịt); Trung tâm Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình Minh (quy mô trên 5.000 con; trong đó, trên 600 nái ông bà và bố mẹ); Công ty TNHH Bình An (quy mô 218 nái và 1.000 lợn thịt); trang trại chăn nuôi của ông Phùng Quang Hà ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (quy mô 600 nái); trang trại chăn nuôi của ông Đỗ Ngọc Lân ở phường Nam Cường, thành phố Yên Bái (quy mô 1.200 lợn thịt). Bên cạnh đó, còn có 1.173 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa gồm: chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 50 - 100 con trở lên 523 cơ sở; chăn nuôi lợn nái có quy mô từ 10 - 20 con 385 cơ sở; chăn nuôi lợn nái có quy trên 300 con 1 cơ sở; chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con 264 cơ sở...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn một cách tổng thể thì tốc độ phát triển chăn nuôi vẫn còn chậm, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp, chưa tạo được thương hiệu có uy tín để cạnh tranh với thị trường, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Sản xuất chăn nuôi mang tính truyền thống, quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khá lớn (trên 80%), trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chưa nhiều. Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tuy có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp. Sản phẩm hàng hóa của chăn nuôi còn thấp và không đồng đều ở các vùng.
Việc sản xuất, cung ứng giống vật nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, phần lớn giống phải nhập trôi nổi trên thị trường, không bảo đảm phẩm cấp và an toàn dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi làm chưa triệt để, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn) vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, vẫn chưa có hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm động vật tập trung bảo đảm vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đẩy mạnh, chưa hình thành được các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.
Để chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao giá trị trở thành ngành chính trong nông nghiệp; hình thành và phát triển tốt mối liên kết trong sản xuất chăn nuôi; bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ. Từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại, đồng thời quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi nông hộ đạt hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn.
Cùng với việc tăng cường đưa các giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm có giá trị mang tính đặc trưng vùng miền để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân. Tỉnh cần xây dựng trại sản xuất giống lợn ông bà có quy mô đủ lớn để sản xuất ra đàn bố mẹ phục vụ cho nhu cầu sản xuất giống thương phẩm, nhằm tạo ra con giống chất lượng tốt, đáp ứng đủ 100% nhu cầu giống lợn của tỉnh.
Xây dựng trại sản xuất giống gia cầm tập trung để cung cấp đủ nhu cầu giống trong tỉnh, theo đó quan tâm lựa chọn các giống có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để phát triển sản xuất. Có chính sách khuyến khích để duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất tinh lợn và mạng lưới dẫn tinh viên hiện có để bảo đảm phục vụ có hiệu quả nhu cầu phối giống trong dân.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám định, bình tuyển và loại thải đực giống không bảo đảm chất lượng, xây dựng đàn đực giống bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và được quản lý chặt chẽ. Quy hoạch và hình thành vùng chăn nuôi phù hợp với lợi thế địa phương như: các huyện vùng thấp, vùng chăn nuôi hàng hóa bố trí cơ cấu nuôi 3 loại lợn thương phẩm (lợn lai F1, F2 và lợn ngoại siêu nạc); vùng cao chăn nuôi giống đặc sản địa phương quy mô lớn.
Tiếp tục cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo, sử dụng tinh của các giống có năng suất, chất lượng như: Brahman, Drought Master, 3B… Đẩy mạnh chăn nuôi giống dê cỏ nhằm phát huy khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu và điều kiện chăm sóc của người dân trong tỉnh. Từng bước đưa giống dê Bách Thảo và các giống nhập ngoại khác vào chăn nuôi, cải tạo nâng cao năng suất của giống dê cỏ địa phương.
Thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi, khống chế kiểm soát tốt đối với một số dịch bệnh nguy hiểm; xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trong sản xuất; củng cố, nâng cao năng lực công tác thú y từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường sử dụng các loại thức ăn công nghiệp chế biến sẵn vào thâm canh tăng năng suất, đồng thời tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt để phối trộn bổ sung trong chăn nuôi, nhằm giảm chi phí đầu vào tăng hiệu quả sản xuất.
Quy hoạch, bố trí quỹ đất hợp lý để phát triển trồng các giống cỏ có năng suất, chất lượng như: cỏ voi, cỏ VA06…, đồng thời tận dụng các diện tích đất nhỏ lẻ ven đồi, ven ruộng, lạch, suối... để tăng diện tích cỏ trồng, áp dụng quy trình canh tác, chế biến, bảo quản và sử dụng có hiệu quả thức ăn thô xanh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Một vấn đề hết sức quan trọng là tỉnh cần xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở giết mổ tại các khu đô thị tập trung đông dân cư, phục vụ cơ bản nhu cầu giết mổ ở các đô thị. Tăng cường liên kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên, chắc chắn chăn nuôi sẽ phát triển không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà chăn nuôi sẽ thực sự trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
Thanh Phúc
Các tin khác
Từ 0h ngày 9/5, trạm thu phí Km 1212+550 quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định và Phú Yên chính thức đi vào hoạt động.
Sáng 8/5, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế năm 2015.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, đang đề xuất trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 về kinh doanh bán hàng đa cấp.
Sau chuyến thị sát tình hình hạn hán tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Jan Eliason- Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã tổ chức họp báo tại TPHCM.