Bản Mù tận dụng lợi thế, tăng đàn gia súc
- Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2016 | 9:42:13 AM
YBĐT - Tận dụng lợi thế của địa phương với diện tích bãi chăn thả lớn, nguồn lao động dồi dào, xã Bản Mù (Trạm Tấu) đã chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, mở hướng cho người dân phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống gia đình, vươn lên làm giàu.
Ông Giàng A Phừ ở thôn Khấu Ly chăm sóc bò của gia đình.
|
Ông Giàng A Phừ ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chỉ biết trông vào cây lúa, cây ngô, làm vất vả mà chỉ đủ ăn, khi ốm đau bệnh tật hoặc khi có việc gì là không biết trông vào đâu. Được xã vận động chăn nuôi trâu, bò, mình cũng thấy nguồn thức ăn cho trâu, bò ở đây rất sẵn, chăn nuôi lại có thêm sức cày kéo. Năm 2010, gia đình vay 15 triệu đồng để mua 2 con trâu, bò về làm giống, tích cực học hỏi các biện pháp kỹ thuật chăm sóc khi cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, nhất là cách chống rét cho trâu, bò nên đàn trâu, bò nhà mình phát triển rất tốt”. Đến nay, đàn trâu, bò nhà ông Phừ đã lên tới trên chục con, chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/con, ông Phừ đã có trên 200 triệu đồng.
Cũng như nhà ông Phừ, nhà ông Giàng A Sáy ở thôn Mông Si rất khó khăn trong tìm cách phát triển kinh tế. Trước kia, gia đình chỉ biết trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi trâu để làm sức kéo. “Từ khi được cán bộ xã vận động phát triển đàn gia súc và thấy các hộ chăn nuôi ở đây nuôi trâu bán được hàng chục triệu đồng, gia đình tôi đã làm 3 chuồng phát triển đàn trâu, mua thêm bò giống, lại được cán bộ huyện, xã đến hướng dẫn cách chăm sóc, làm chuồng trại, trồng chăm sóc cỏ; tận dụng đất ven đồi gia đình cũng trồng được 1.000 m2 cỏ VA06, dự trữ thêm rơm, lá ngô làm thức ăn cho trâu, bò những ngày giá rét. Hiện nay, gia đình cũng có 7 con trâu, 5 con bò. Cuối năm 2015, tôi cũng bán đi 2 con trâu, để mua sắm ti vi và các vật dụng gia đình” - ông Sáy cho biết. Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa đang là cách làm mới của người dân Bản Mù.
Chăn nuôi không những giúp người dân phát triển sản xuất mà còn có nguồn vốn tích lũy để nâng cao chất lượng cuộc sống. Toàn xã đã có trên chục hộ có đàn gia súc 10 con trở lên và gần 90% hộ trong xã nuôi gia súc. Hầu hết các gia đình đã có chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà. Đồng chí Triệu Sinh Vĩnh - Phó chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết: “Với lợi thế có 8 bãi chăn thả tự nhiên (ở các thôn Khấu Ly, Mông Đơ, Mông Si, Mù Cao, Tà Ghênh), xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tận dụng các điều kiện để phát triển chăn nuôi đại gia súc”.
Xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Thú y hướng dẫn bà con chăm sóc, phát triển đàn gia súc và chủ động phòng chống dịch bệnh; vận động bà con trồng cỏ, tận dụng rơm rạ, thân, lá cây ngô sau khi thu hoạch để bảo quản, chế biến thức ăn dự trữ những ngày mùa đông giá rét; tăng cường tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh, cách làm chuồng trại sao cho thoáng mát vào mùa hè, kín đáo vào mùa đông; đồng thời, mở các lớp tập huấn ngắn hạn hướng dẫn các hộ chăn nuôi từ khâu chọn giống, chăm sóc; tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi đi tham quan các mô hình thực tế.
Đặc biệt, với các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho các xã vùng cao phát triển đàn gia súc, mới đây nhất là hỗ trợ cho những hộ có gia súc chết rét trong đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm 2016, tạo động lực cho người dân phát triển đàn vật nuôi. Đến nay, người dân Bản Mù có đàn gia súc trên 6.000 con; trong đó, trâu 878 con, bò 964 con, lợn trên 4.100 con. Đây là động lực giúp bà con nông dân nơi đây từng bước xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Minh Huyền
Các tin khác
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó yêu cầu ngân hàng đơn giản hóa thủ tục vay vốn.
YBĐT - Trong hai ngày 16 – 17/5, đoàn công tác của Công ty TNHH Seibu Nousan Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái. Nội dung làm việc nhằm thảo luận về Dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; hình thức đầu tư, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Yên Bái, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh với các ngành nghề: trồng lúa, gia công, sản xuất gạo, trồng rau, dịch vụ máy móc nông nghiệp tại tỉnh.
YBĐT - Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Lục Yên đã triển khai có hiệu quả vốn Chương trình 135 tại 10 xã và 55 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong huyện. Đây là động lực để người dân ở các xã, thôn, bản vùng ĐBKK tích cực tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.