Phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến
- Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2016 | 10:29:16 AM
YBĐT - Muốn đạt hiệu quả, giá trị kinh tế cao đòi hỏi sản xuất phải đi đôi với chế biến, nhất là trong sản xuất nông - lâm sản. Thực tế đó đã được chứng minh trong sản xuất chè, gỗ rừng trồng và một số mặt hàng nông sản như quế, lúa gạo... không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giải quyết khá nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Sản xuất hoa ly tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
|
Đành rằng trong sản xuất nông nghiệp những năm qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng bên cạnh đó có những cái được rất rõ nét. Người dân đã có một tư duy mới, trong sản xuất đã biết gắn với chế biến và thị trường, lấy giá trị kinh tế làm thước đo trên mỗi héc-ta canh tác. Ngành nông nghiệp, các huyện, thị đều xác định: sản xuất phải gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế, giải quyết việc làm.
Để tránh tình trạng hô hào chung chung, các địa phương đã đứng ra xây dựng thương hiệu, đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, chỉ đạo, quy hoạch cụ thể, nhờ vậy, đến nay đã phát huy hiệu quả rõ nét. Huyện Trấn Yên có vùng chè đặc sản Bát Tiên nay đã thực sự trở thành làng nghề do chính người trồng chè tự sản xuất, tự chế biến.
Sản phẩm chè sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, giá trị tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với bán nguyên liệu bình thường. Hay như vùng măng tre Bát độ cũng vậy, huyện đã tạo mọi điều kiện, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ vùng nguyên liệu tới khâu tiêu thụ sản phẩm chế biến ngay tại địa bàn.
Người dân phấn khởi lên đồi trồng măng tre Bát độ, ngay năm đầu triển khai, toàn huyện đã trồng 274 ha và sau 10 năm đã có một vùng măng tre hàng hóa rộng gần 2.000 ha. Từ những vùng tre ban đầu đó, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 6.300 ha cây họ tre, với vùng nguyên liệu này mỗi năm khai thác trên 180 ngàn tấn nguyên liệu giấy, 87 ngàn tấn măng, trong đó măng tre Bát độ đạt 56 ngàn tấn.
Măng tre Bát độ đã làm “hồi sinh” các bản làng như: Tân Đồng, Kiên Thành (Trấn Yên), Yên Thành (Yên Bình)..., góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Sở dĩ, cây măng tre Bát độ phát triển mạnh một phần đây là loài cây trồng dễ tính, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó còn có sự vào cuộc đầu tư, liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân.
Cũng như cây chè, cây măng tre còn phải kể đến sản xuất lúa gạo hàng hóa, huyện Văn Chấn quy hoạch sản xuất trên 500 ha, huyện Văn Yên, Yên Bình mỗi huyện cũng gần 500 ha... không hô hào chung chung mà các địa phương làm rất cụ thể, phối hợp với doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm tới từng hộ dân ngay từ đầu vụ sản xuất. Từ đó, người dân yên tâm đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng trăm tấn lúa gạo chất lượng cao đã được cung ứng cho thị trường.
Tiêu biểu hơn, hiệu quả hơn phải kể đến sản xuất lâm nghiệp, những năm trước, thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hay như Chương trình 327..., người dân Yên Bái nô nức vỡ đất trồng rừng, hàng ngàn héc-ta rừng kinh tế đã được trồng. Mỗi năm khai thác cũng cả trăm ngàn mét khối và phần lớn bán cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng nên giá trị không cao, thị trường không ổn định.
Nhưng vài năm trở lại đây, ngoài các nhà máy chế biến có công suất lớn, hầu hết các vùng quê đã hình thành một loạt cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, nơi làm giấy, nơi làm ván bóc, nơi sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu...
Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 104 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ rừng trồng và hàng trăm cơ sở sản xuất ván bóc. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2015 đạt trên 1.400 tỷ đồng, không chỉ có vậy, từ sản xuất gắn với chế biến còn nâng cao giá trị, tạo việc làm cho nhiều lao động, thu nhập ổn định cho người trồng rừng...
Để đưa sản xuất nông - lâm nghiệp ngày một phát triển hơn nữa, Yên Bái đang tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào phát triển "6 cây và 4 con" có thế mạnh. “6 cây” gồm: cây chè, cây măng tre, cây sơn tra, cây ngô, cây quế, cây ăn quả có múi. "4 con" gồm: con cá, con trâu bò, con lợn và con dê; kèm theo đó là 11 dự án thành phần theo tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Đặc biệt, tất cả các dự án đều gắn sản xuất với chế biến và các giải pháp thu hút đầu tư cho phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Với những việc đã và đang làm thì mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác tăng 1,5 lần so với hiện nay là hoàn toàn hiện thực.
Thanh Phúc
Các tin khác
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa công bố giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B, triển vọng “ổn định”...
YBĐT - Vừa qua, tại UBND xã Minh Quân, UBND huyện Trấn Yên phối hợp với Công ty cổ phần Sân golf Ngôi Sao Yên Bái đã tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết xây dựng tổ hợp sân golf Ngôi Sao Yên Bái tại khu du lịch sinh thái hồ Đầm Hậu, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.
Giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 được phép tăng tối đa lên mức 15.829 đồng một lít từ 15h chiều nay (20/5).
YBĐT - Từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng cao, tại thời điểm đầu tháng 5/2016, giá bình quân đạt 53.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí lợn “chuẩn” bán tới 55.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng cao, trong khi giá cám lại giảm nhẹ, người chăn nuôi rất phấn khởi, tích cực đầu tư tái đàn.