Bình Thuận: Chuyển ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản
- Cập nhật: Thứ tư, 29/6/2016 | 9:31:13 AM
YBĐT - Với chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đa ngành nghề, những năm qua, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi những chân ruộng chằm năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản.
Anh Học giới thiệu mô hình nuôi trồng thủy sản với cán bộ xã Bình Thuận.
|
Là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất lúa nước. Tuy nhiên, một số diện tích ruộng chằm chỉ cấy được một vụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực trạng đó, xã đã chủ động khuyến khích nhân dân chuyển đổi những chân ruộng chằm trũng khó canh tác sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.
Dẫn chúng tôi đến thôn Đồng Chằm, một trong 2 thôn có diện tích ruộng chằm nhiều nhất xã, cũng là thôn có hộ dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tương đối hiệu quả, đồng chí Hoàng Văn Điền - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, Đồng Chằm là thôn nghèo nhất nhì của xã, mặc dù diện tích lúa nước nhiều song chủ yếu là ruộng chằm, mỗi năm chỉ cấy được một vụ.
"Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, phát triển đa dạng ngành nghề trọng tâm là chuyển đổi những chân ruộng trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, đời sống người dân trong thôn đã dần khá lên. Bình quân hộ ít cũng có khoảng 500 m2 ao nuôi cá, hộ nhiều thì từ 2.000 - 3.000 m2 diện tích ao nuôi, thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm” - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Điền nói.
Gia đình anh Vũ Kim Học ở thôn Đồng Chằm là một điển hình như vậy. Cũng như những hộ dân trong thôn, trước đây, toàn bộ diện tích ao nuôi của gia đình anh đều là ruộng chằm, nhiều vụ bỏ không. Khi có chủ trương của xã, anh chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng chằm của gia đình sang nuôi cá. Dồn toàn bộ vốn liếng của gia đình, vay mượn thêm anh em để xây dựng hệ thống bờ ao nuôi cá.
Nhờ có kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên chỉ 3 năm sau, gia đình anh đã trả được số tiền vay mượn. Đến năm 2005, anh lại tiếp tục đầu tư hơn 50 triệu đồng nuôi thêm ba ba sinh sản để cung cấp giống cho nhân dân trong thôn, trong xã và cũng để chủ động con giống phục vụ nhu cầu nuôi ba ba thương phẩm của gia đình. Hơn 10 năm chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản, hiện tại, gia đình anh đã có trên 3.000 m2 gồm 2 ao nuôi cá và một ao nuôi ba ba, mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu lãi trên 100 triệu đồng.
Anh Học cho biết: “Nếu so với cây lúa thì nuôi trồng thủy sản lãi hơn rất nhiều, thức ăn có sẵn như ngô lúa, nếu có nhân lực thì chuyện làm giàu từ nuôi trồng thủy sản là điều không khó. Mình nuôi theo hình thức bán thâm canh, thịt cá chắc, ăn ngon nên không lo đầu ra”.
Gia đình anh Vũ Kim Vĩnh ở thôn Đồng Hòa cũng vậy. Tuy diện tích ao nuôi không nhiều, chỉ hơn 500 m2 song anh Vĩnh cũng được biết đến là một hộ dân có kinh nghiệm nuôi cá tương đối lâu. Khi ra ở riêng, thấy nguồn nước tương đối thuận lợi nên gia đình anh đã tự đắp bờ đào ao thả cá, thấy việc nuôi cá đơn giản, hiệu quả kinh tế cao nên mấy năm sau khi đã có thêm chút vốn liếng, gia đình anh đã chuyển hẳn một số diện tích ruộng chằm của gia đình sang nuôi cá. Bình quân mỗi năm, gia đình anh bán ra thị trường gần 5 tấn cá, trừ chi phí cũng cho thu lãi trên 10 triệu đồng.
Anh Vĩnh cho biết: “Nếu so với nuôi gà và nuôi lợn thì nuôi cá hiệu quả kinh tế hơn nhiều, chỉ cần chuyên tâm, có chút kinh nghiệm và chọn nguồn cá giống tốt. Con cá ở dưới nước nên dịch bệnh ít, cái cốt lõi là phải tuân thủ nguyên tắc của ao nuôi như mật độ cá như thế nào là phù hợp, thả chung những loại nào cùng một ao, hơn nữa phải có sự lưu thông, tuần hoàn của nguồn nước bởi nếu ao tù cá sẽ không lớn được”.
Mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản của Bình Thuận chỉ có gần 7 ha song mỗi năm, từ nuôi trồng thủy sản cũng mang lại nguồn thu cho người dân trong xã gần 3 tỷ đồng. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 5%; đồng thời, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 18 triệu đồng/người/năm đến hết năm 2016, đây được coi là chủ trương đúng đắn trong việc phát triển đa ngành nghề để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân trong xã.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình đạt 1.773 tỷ đồng, mục tiêu của huyện đến năm 2020 sẽ đạt 2.136 tỷ đồng.
YBĐT - Việc giải ngân, thanh toán vốn nợ đọng xây dựng cơ bản thời gian qua được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, song tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu và kế hoạch; một số dự án, công trình có giá trị giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân…
Các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và hiệp hội liên quan phải được gửi trước ngày 12-7 để Bộ Công thương tổng hợp trước khi ban hành quyết định sửa đổi.
YBĐT - Sáng 28/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm.