Mù Cang Chải: Mô hình mới, giá trị mới
- Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2016 | 9:47:22 AM
YBĐT - Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất được huyện Mù Cang Chải xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nông dân xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) chăm sóc cây khoai tây trồng thử nghiệm.
|
Vì thế, việc thử nghiệm và lựa chọn một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với tiểu vùng khí hậu, đặc biệt là trong mùa đông lạnh giá và khô hạn trên chân ruộng một vụ được huyện chú trọng để có cơ sở bổ sung thêm bộ cơ cấu giống cây trồng của huyện, sản xuất thâm canh.
Vụ đông xuân 2015 - 2016 đã ghi nhận nhiều nỗ lực của Mù Cang Chải trong vấn đề này khi có 3 mô hình nông nghiệp thử nghiệm giống mới được thực hiện. Cụ thể, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt thực hiện mô hình trồng lúa mì tại các xã Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và mô hình trồng khoai tây tại xã Nậm Khắt, Chế Cu Nha; phối hợp với Công ty cổ phần Thịnh Đạt xây dựng mô hình trồng cải dầu tại xã La Pán Tẩn và Chế Cu Nha.
Để việc thực hiện mô hình đạt hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất, cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các cơ quan đỡ đầu xã, UBND xã và các công ty cung ứng giống tiến hành khảo sát địa điểm, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sản xuất; phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt và UBND xã Nậm Khắt tổ chức hội nghị triển khai mô hình lúa mì tại xã Nậm Khắt. Một tổ chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và theo dõi suốt quá trình sinh trưởng phát triển của mô hình được thành lập, thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu với UBND huyện hướng giải quyết, khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.
Giống lúa mì được đưa vào gieo trồng là giống Vân Tạp 6, nhập khẩu từ Trung Quốc, thời gian sinh trưởng từ 120 - 125 ngày, tiềm năng năng suất từ 6 - 7 tấn/ ha. Mô hình được thực hiện với diện tích 11,9 ha ở các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, trong đó Nậm Khắt thực hiện 10,6 ha.
Với mô hình khoai tây, giống được lựa chọn gieo trồng là giống khoai tây Marabel của Đức, có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85 - 90 ngày. Giống có tiềm năng năng suất cao, từ 30 - 40 tấn củ/ ha. Củ dạng hình oval, màu sắc vỏ củ và ruột đều vàng đậm, mắt củ nông, ăn ngon, độ đồng đều cao, tỷ lệ củ bé ít… Mô hình khoai tây được thực hiện với 700 m2, tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt. Mô hình cải dầu thực hiện quy mô 4 ha, tại bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn và bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha. Các mô hình đều được bố trí tại các chân ruộng cấy lúa 1 vụ và chủ động nước tưới, tiêu.
Quá trình triển khai các mô hình, khí hậu đầu vụ tương đối thuận lợi cho cây trồng phát triển. Tuy nhiên, cuối tháng 1/2016 xảy ra một đợt rét hại kèm theo mưa tuyết đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các mô hình. Song, các mô hình đều đã đạt được một số kết quả nhất định, qua đó có thể đánh giá mức độ phù hợp của các giống cây này. Lúa mì gieo cấy từ 28/10 đến 2/11/2015, thu hoạch ngày 15/4/2016.
Do ảnh hưởng của thời tiết mưa tuyết, đóng băng đúng vào thời điểm trỗ bông nên đã làm giảm năng suất của lúa mì từ 70 - 80%. Tại xã Nậm Khắt, năng suất lúa mì đạt khoảng 10 tạ/ ha. Một số điểm bị ảnh hưởng nhẹ như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình năng suất đạt từ 50 - 60 tạ/ha.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, giống lúa mì Vân Tạp 6 phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh và chịu được sương muối, thích hợp với chân đất cát pha - thịt; những diện tích đất thịt nặng - sét cây phát triển kém hơn, như ở bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt.
Khoai tây được gieo trồng 2 vụ. Vụ 1 trồng ngày 30/10/2015, thu hoạch ngày 28/1/2016. Vụ 2 trồng ngày 6/2/2016, thu hoạch ngày 7/5/2016. Năng suất vụ 1 đạt 20 tấn/ ha, vụ 2 đạt 12 tấn/ ha. Theo đánh giá, giống khoai tây Marabel phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của xã Nậm Khắt, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng được 2 vụ, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, nhiễm nhẹ bệnh mốc sương, đặc biệt không bị bệnh héo xanh vi khuẩn và bệnh đốm vòng. Cây khoai tây thích hợp với chân đất cát pha - thịt nhẹ, chủ động nước tưới, tiêu. Đây là giống cây trồng chịu được lạnh, có thể sản xuất tăng vụ được trên chân ruộng một vụ tại các xã khu II, dễ trồng, dễ chăm sóc, không cần tưới nước nhiều, ít công lao động.
Cải dầu gieo trồng từ 1 - 5/11/2015, thu hoạch từ 20 - 25/4/2016. Năng suất đạt khoảng 1,6 - 2 tấn/ ha; hàm lượng dầu đạt từ 35 - 40%, đảm bảo để sản xuất đại trà để ép dầu. Qua quá trình thực hiện mô hình cho thấy, giống cải dầu do Công ty cổ phần Thịnh Đạt cung ứng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của xã La Pán Tẩn và Chế Cu Nha. Giống có thời gian sinh trưởng từ 165 - 170 ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, nhiễm nhẹ bệnh sâu xanh giai đoạn trải lá, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với gieo trồng trên chân ruộng bậc thang một vụ lúa. Thời gian gieo trồng từ tháng 9 đến tháng 10 năm trước, thu hoạch vào tháng 3 đến tháng 4 năm sau nên không ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ mùa.
Qua thực tế cho thấy, các mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. 1 ha lúa mì cho thu hoạch 5 tấn, giá bán là 6.000 đồng/ kg, thu được 30 triệu đồng, trừ chi phí giống và phân bón hóa học là 14,4 triệu đồng, lợi nhuận 15,6 triệu đồng. 1 ha khoai tây thu được 20 tấn, giá bán 6.000 đồng/ kg, cho thu nhập 120 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón và công lao động khoảng 63 triệu đồng, còn thu lãi khoảng 57 triệu đồng/ ha. 1 ha cải dầu thu được 2 tấn, 15.000 đồng/ kg, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi khoảng 15 triệu đồng.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải kiểm tra lúa mì trồng trên đất ruộng một vụ tại xã Nậm Khắt.
Theo đánh giá của huyện về việc thực hiện các mô hình này, khả năng nhân rộng các mô hình trong những năm tới là rất lớn vì có nhiều thuận lợi. Thời vụ thực hiện các mô hình từ tháng 10 năm trước và thu hoạch tháng 3 đến tháng 4 năm sau nên không ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa. Các giống cây này không khó trồng và đầu tư ban đầu không quá cao. Sản phẩm thu hoạch đã có doanh nghiệp bao tiêu, mở ra một hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa cho huyện. Các giống này lại khai thác được lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng cao.
Việc đưa các giống cây này vào gieo trồng cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện là, phát huy lợi thế của huyện để phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển một cách bền vững, chủ động giải quyết thiết thực các vấn đề về đời sống và đáp ứng nhu cầu của nông dân, trong đó chú trọng tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Với những kết quả đã đạt được trong thực tế sản xuất và qua đánh giá tiềm năng phát triển của các mô hình, được biết, UBND huyện đã đề nghị Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện, Thường trực UBND huyện tiếp tục cho phép thực hiện gieo trồng lúa mì trong vụ đông xuân 2016 - 2017 tại các xã khu II để đánh giá khả năng thích nghi của cây lúa mì trên địa bàn huyện; đề nghị Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt tiếp tục nhập khẩu và cung ứng giống lúa mì, hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất để người dân sản xuất có hiệu quả kinh tế tốt nhất. Đối với mô hình trồng khoai tây, đề nghị được nhân rộng mô hình với diện tích khoảng 20 ha tại xã Nậm Khắt và thị trấn Mù Cang Chải.
Đối với mô hình cải dầu, đề nghị Công ty cổ phần Thịnh Đạt tiếp tục gieo trồng thí điểm tại các xã khác trên địa bàn huyện để đánh giá tính thích nghi, hàm lượng dầu, từ đó làm cơ sở để xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.
Có thể nói, các mô hình sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong vụ đông xuân 2015 - 2016 đã mở ra một hướng phát triển sản xuất cho nông nghiệp của huyện, là tiền đề cho công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và thâm canh tăng vụ trên diện tích ruộng một vụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Hạnh Quyên - Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Nhận thức về chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi rất rõ ràng, người dân trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ chỉ sử dụng cách thức cho ăn truyền thống gồm thức ăn trong tự nhiên và một phần thức ăn hỗn hợp nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt.
YBĐT - Theo Phòng Thống kê thị xã Nghĩa Lộ, 6 tháng qua, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của thị xã đạt gần 90 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trồng trọt trên 61 tỷ đồng, giá trị chăn nuôi hơn 20 tỷ đồng, giá trị thủy sản hơn 6 tỷ đồng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ triển khai công tác dạy nghề, xuất khẩu lao động, việc làm và sinh kế cho ngư dân.
Tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính tới hết năm 2015 đã lên tới hơn 459.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công. Trong khi ấy, thực tế, việc trả nợ đúng hạn vẫn là vấn đề đặt ra khi quỹ tích lũy đang phải hỗ trợ ứng cho vay hàng chục triệu USD trong năm qua.