Chuyện về những người làm du lịch ở Đông hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 9:44:19 AM

YBĐT - Có tháng cao điểm, gia đình anh Tướng Văn Bội ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình) tiếp đến 20 đoàn khách; riêng tiền đi chợ Vũ Linh mua thực phẩm phục vụ các đoàn khách cũng hết trên 60 triệu đồng.

Hồ Thác Bà là điểm đến hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư du lịch. (Ảnh: Thanh Miền)
Hồ Thác Bà là điểm đến hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư du lịch. (Ảnh: Thanh Miền)

Tháng 7, chúng tôi có dịp về thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh và thôn Đồng Tý, xã Phúc An (Yên Bình), tìm hiểu về câu chuyện làm du lịch cộng đồng ở đây. Qua nghe những người trong cuộc nói về những cái được và chưa được trong việc làm du lịch cộng đồng tại hai địa phương, mới hiểu được việc phát triển du lịch cộng đồng và làm du lịch cộng đồng không phải là dễ.

Thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh có địa thế rất đẹp, một phần là đất liền, phần còn lại tiếp giáp với mặt nước hồ Thác Bà mênh mông. Ngòi Tu không chỉ đẹp bởi phong cảnh tự nhiên mà nơi đây vẫn gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày, Nùng…

Cuộc sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thôn chỉ có 5,56 ha ruộng gieo cấy hai vụ, chia cho 152 hộ với 650 nhân khẩu, thâm canh giỏi cũng chỉ đủ lương thực sinh hoạt, chăn nuôi, dịch vụ chậm phát triển nên nhiều người dân phải bươn trải làm nhiều nghề như: đánh bắt cá, tôm trên hồ; đi làm thuê, chở hàng thuê, chở khách… để mưu sinh. Một trong những người đã lênh đênh nhiều năm trên hồ Thác Bà để mưu sinh gặp may bắt được “cá vàng” là anh Tướng Văn Bội ở thôn Ngòi Tu.

Khi chúng tôi đến địa phương tìm hiểu về phát triển du lịch cộng đồng ở Ngòi Tu, anh Lương Ngọc Bắc - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vũ Linh rút ngay điện thoại ra gọi cho chị cán bộ văn hóa xã đưa chúng tôi đi vào Làng Văn hóa Ngòi Tu gặp anh Bội - người  đưa du lịch về làng.

Từ UBND xã Vũ Linh đi ngược theo đường Đông hồ Thác Bà khoảng 2 km, rẽ trái là đến Ngòi Tu. Con đường vào Làng Văn hóa Ngòi Tu ra đến Khu du lịch sinh thái của Công ty TNHH Lavie Vũ Linh khoảng 1,5 km, mới được nguồn vốn kích cầu của tỉnh hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40% đã bê tông hóa được 0,5 km, ô tô, xe máy đi vào sạch sẽ; phần còn lại khoảng 1 km chỉ đi được bằng xe máy và đi bộ, mỗi khi trời mưa rất lầy lội. Vừa đi hết đoạn đường bê tông là đến “xóm” du lịch Ngòi Tu.

Hôm nay không có lịch đón đoàn khách nào nên anh Tướng Văn Bội và con trai tranh thủ xây kè nền nhà sàn cho sạch đẹp để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch.

Thấy có khách đến, anh Bội nhanh nhẹn dừng tay ra chào hỏi, đón khách như đã đặt tour đến với gia đình mình! Vừa pha trà mời khách, anh Bội vừa chậm rãi kể lại chuyện khởi nghiệp làm du lịch: “Năm 1996, tôi đầu tư mua thuyền máy về vừa vận chuyển hàng hóa thuê từ Cảng Hương Lý về Vũ Linh, vừa chở khách đi lại trên tuyến đường thủy. Một lần tình cờ chở mấy ông “tây” về làng mời vào nhà uống nước. Thấy nhà sàn của người Dao mình đẹp, môi trường trong lành, văn hóa ứng xử, giao tiếp, đối đãi với khách của người Dao trắng ở đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mấy ông khách “tây”…

Cán bộ văn hóa xã Vũ Linh trao đổi việc tổ chức, đón tiếp khách với gia đình anh Tướng Văn Bội.

"Sau lần đó trở về Pháp, ông “tây” đó chính là Frédo Bình - quốc tịch Pháp đã đưa khách du lịch quay trở lại Ngòi Tu một vài lần nữa. Chính ông ấy cũng là người vận động tôi xin phép chính quyền địa phương cùng đón khách du lịch nước ngoài về làng; hướng dẫn tôi cách làm các món ăn phục vụ khách; làm nhà tắm, nhà vệ sinh để cho phục vụ du khách… Thế là tôi đã trở thành người làm du lịch cộng đồng cùng Frédo Bình…” - anh Bội kể.

- Năm 1996, anh đón được bao nhiêu khách nước ngoài về làng? Tôi hỏi.

- Khoảng gần 200 khách. Có lần Frédo Bình đưa đoàn khách 30 người về Ngòi Tu, mình phải nhờ bác Tướng Văn Thương cùng thôn cho khách nghỉ và mình tự chế biến các món ăn như: thịt gà nướng, nem rán, cá rán, trứng kiến ngạt rán… Có ông khách “tây” ăn trứng kiến ngạt vào bị dị ứng ngứa không chịu được mình phải đi mua thuốc cho uống, bây giờ thì không có trứng kiến ngạt để ăn nữa rồi.

- Khi đó gia đình anh thu một khách bao nhiêu tiền?

- Nghỉ lưu trú lại một tối họ trả cho 30 nghìn đồng, còn ăn uống thì tùy, họ bảo làm món gì thì mình làm, tiền lãi mỗi khách cũng được 10 đến 15 nghìn đồng một bữa.

- Sao anh không tiếp tục phối hợp làm du lịch với Công ty TNHH Lavie Vũ Linh?

- Mình cũng vẫn muốn phối hợp, nhưng đầu 2008, khi Frédo Bình thành lập Công ty TNHH Lavie Vũ Linh, khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Ngòi Tu ngày càng tăng hơn, gia đình mình có đón thêm một số đoàn khách của các công ty du lịch khác, Frédo Bình không đồng ý làm như vậy nên mình đã tách ra làm riêng khỏi bị phụ thuộc.

Sau khi tách ra không làm du lịch cộng đồng với Công ty TNHH Lavie Vũ Linh nữa, gia đình anh Bội đầu tư làm thêm một nhà sàn, công trình vệ sinh và khuôn viên sạch đẹp hơn, có thể đón tiếp được 30 khách một đợt. Anh Bội và vợ là chị Bàn Thị Mùi còn đi học lớp nấu ăn được cấp chứng chỉ và tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch ngắn hạn để đón, phục vụ khách tốt hơn.

Con trai anh là Tướng Văn Hoàn, khi học xong THPT, anh định hướng cho đi học tiếng Anh và Hoàn đã trở thành hướng dẫn viên du lịch của nhiều công ty du lịch chuyên dẫn khách nước ngoài đi bằng xe máy phân khối lớn từ Đà Nẵng ra các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc. Con dâu anh Bội khi về nhà chồng đã cùng chị em trong thôn tập các bài hát, điệu múa của người Dao, Tày, Cao Lan… phục vụ văn hóa văn nghệ khi khách có nhu cầu thuê.

Bằng cách làm riêng của mình, những năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình anh Bội đón khoảng trên 600 khách du lịch, trong đó khách trong nước chiếm tới 60%, còn lại là khách nước ngoài đến từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Úc… Có tháng cao điểm, gia đình anh Bội tiếp đến 20 đoàn khách; riêng tiền đi chợ Vũ Linh mua thực phẩm cũng hết trên 60 triệu đồng. Doanh thu từ làm du lịch cộng đồng mỗi năm của gia đình anh đạt vài trăm triệu đồng, trừ chi phí còn lãi được trên 100 triệu đồng/ năm.

Không chỉ làm du lịch cho riêng mình anh Bội còn giúp một số hộ gia đình trong thôn Ngòi Tu và thôn Đồng Tý, xã Phúc An cùng làm du lịch để nâng cao đời sống. Anh Tướng Văn Thành ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An (Yên Bình) tâm sự: “Năm 2004, anh Bội lên hướng dẫn tôi sắp xếp lại nhà ở và các phòng, cách đón tiếp, nấu ăn phục vụ khách. Sau đó, anh đưa một số đoàn khách lên nghỉ tại gia đình, mỗi năm được 200 đến 300 khách. Lượng khách đông dần lên hàng năm nên tôi đã đầu tư làm thêm một nhà sàn, nhà ăn, một số phòng nghỉ và công trình vệ sinh, trị giá trên 1 tỷ đồng để có thể đón trên 50 khách một đợt…”.

Được biết, nhờ anh Bội giúp đỡ mà trong 2 năm gần đây, mỗi năm gia đình anh Thành đón từ 700 đến 800 khách do trên 20 công ty du lịch trong nước giới thiệu theo tour du lịch cộng đồng về Vũ Linh và Phúc An. Mỗi một khách, anh Thành thu 70.000 đồng/ tối, cộng với dịch vụ ăn uống, một năm gia đình anh có thu nhập được trên 100 triệu đồng, anh Thành đã trở thành hộ giàu có trong xã nhờ làm du lịch cộng đồng. Hiện anh Thành và anh Bội còn đang cùng nhau đi học lái xe ô tô, để mua xe phục vụ công việc làm du lịch của gia đình tốt hơn.

Hai vợ chồng anh Bội chuẩn bị giường ngủ để đón khách du lịch.

Hiện nay, khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Ngòi Tu và Đồng Tý tăng lên khá nhanh theo từng năm. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở Ngòi Tu có khoảng gần 20 hộ, ở Đồng Tý cũng vậy, song chưa có một tổ chức hay cá nhân nào đứng ra gắn kết các hộ lại để tổ chức, liên kết họ cùng làm du lịch, mà chỉ 7 hộ ở Ngòi Tu và 1 hộ ở Đồng Tý làm du lịch cộng đồng. Hộ thì tham gia làm du lịch với Công ty THNH Lavie Vũ Linh, hộ thì tự làm nên tính chuyên nghiệp chưa cao, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Vẫn còn một số hộ không làm du lịch chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung gây mất mỹ quan, làm ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi đó, các sản phẩm du lịch chưa có gì đặc sắc; các câu lạc bộ văn nghệ dân gian đã thành lập nhưng trang phục biểu diễn thiếu, mỗi khi khách có nhu cầu chị em lại phải sang Tuyên Quang, ra thị trấn Thác Bà hoặc thành phố Yên Bái để thuê trang phục về biểu diễn phục vụ du khách… Các tour đưa khách đi tham quan trên hồ chưa hấp dẫn; việc chở khách đi tham quan trên hồ Thác Bà chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Anh Tướng Văn Thành cho biết thêm: “Mình chưa có bằng lái thuyền máy, nhưng nhiều khi vẫn phải chở khách đi vì họ yêu cầu”... Những yếu tố đó đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới việc giữ chân du khách ở lại Ngòi Tu và Đồng Tý lâu hơn. Thông thường, các hộ làm du lịch ở đây chỉ giữ chân khách được một tối, thi thoảng mới có đoàn khách nghỉ từ 2 đến 3 tối.

Để du lịch cộng đồng ở Ngòi Tu và Đồng Tý trở thành “Làng du lịch cộng đồng” xanh, sạch, đẹp hấp dẫn, thu hút, giữ chân được khách du lịch trong nước và nước ngoài thì cùng với sự nỗ lực, năng động của các hộ dân làm du lịch ở đây, rất cần các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện, và địa phương quan tâm hơn trong việc hướng dẫn các hộ làm du lịch ở đây tổ chức các tour, liên kết làm du lịch cộng đồng, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng phát triển và phải quản lý chặt chẽ hơn việc đưa khách du lịch đi tham quan trên hồ Thác Bà để bảo đảm an toàn cho họ.

Minh Hằng

Các tin khác
Những gốc nhãn ghép ở An Bình bắt đầu cho thu hoạch.

YBĐT - Từ chủ trương, cách làm đúng hướng, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân xã An Bình (Văn Yên) đang ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần theo từng năm. Đâu là “chìa khóa” cho sự thay da, đổi thịt này?

YBĐT - 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn của huyện Văn Chấn đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án trên 8 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng.

Các dự án có xả thải ra môi trường sẽ được thanh tra toàn diện, bắt đầu từ tháng 8.

Cả nước ta có 64.122 doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng qua.

7 tháng qua, cả nước ta có 64.122 doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký đóng góp số vốn vào nền kinh tế là 496.958 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục