Hướng đi trong phát triển kinh tế ở Văn Tiến
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 3:24:47 PM
YBĐT - Kinh tế dịch vụ - thương mại, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vẫn được Đảng bộ, chính quyền xã xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.
Xóa bỏ lò gạch thủ công, gia đình ông Lại Văn Nghiêm ở thôn 2, xã Văn Tiến đã đầu tư trên 400 triệu đồng mua sắm máy móc để chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung.
|
Là xã bán thuần nông của thành phố Yên Bái, với lợi thế có khu công nghiệp (KCN) phía Nam của tỉnh đứng chân trên địa bàn - đây là KCN đa ngành nghề thuộc hệ thống các KCN quốc gia, Văn Tiến đang từng bước chuyển đổi ngành nghề, phát huy lợi thế đưa nền kinh tế của địa phương chuyển dịch, phát triển theo hướng kinh tế đô thị.
Nói về tình hình phát triển kinh tế của địa phương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Thiêm cho biết: “Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã hiện còn gần 68 ha, chiếm 23,1% trong cơ cấu kinh tế của địa phương nên sản xuất nông nghiệp ở Văn Tiến giờ không còn là ngành kinh tế chủ lực. Lực lượng lao động tham gia trong lĩnh vực này hiện cũng chỉ có dưới 20%, trong khi đó hơn 80% lao động của xã lại đang tham gia hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp. Tháng 5/2016, xã đã xóa bỏ cơ bản hoạt động của các lò gạch thủ công. 14 chủ hộ với 25 vỏ lò trên địa bàn toàn xã đã ngừng hẳn việc sản xuất gạch thủ công theo đúng chủ trương của tỉnh và chỉ đạo của thành phố.
Mặc dù việc chuyển đổi ngành nghề còn gặp không ít khó khăn song người dân đã chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, chuyển đổi sang các ngành nghề phù hợp như xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh vật liệu xây dựng kết hợp với sản xuất gạch không nung, kinh doanh dịch vụ vận tải…
Từ nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ 2015 - 2020 này, kinh tế dịch vụ - thương mại, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vẫn được Đảng bộ, chính quyền xã xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.
Thực tế, nhìn vào cơ cấu lao động ở Văn Tiến không khó để nhận thấy, kinh tế nông nghiệp đang dần nhường chỗ cho các lĩnh vực kinh tế mang thế mạnh của đô thị như dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng... Nhận thức rõ điều này, Nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ 17 và 18 đã xác định rõ và coi phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Trong đó, xã chú trọng vận động các hộ mở rộng ngành nghề, cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất, đầu tư mua sắm phương tiện vận tải, cơ sở chế biến, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Năm 2015, giá trị sản xuất trên lĩnh vực này đạt gần 48 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với đầu nhiệm kỳ. Dịch vụ phát triển đa dạng với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ vận tải được đầu tư đổi mới phương pháp phục vụ, tập trung vào dịch vụ thương mại, vận chuyển và phát triển các đại lý phân phối sản phẩm, đa dạng hóa các nguồn hàng… Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn xã đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng 2,15 lần so với năm 2010. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị thương mại - dịch vụ và lao động việc làm đạt 14,1 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước 2,88 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận sự năng động, nhạy bén của người dân Văn Tiến trong tìm tòi hướng đi để phát triển kinh tế. Ví như hộ ông Lại Xuân Nghiêm ở thôn 2. Là người đầu tiên phát triển sản xuất gạch thủ công ở địa phương, ông Nghiêm cũng là một trong những hộ tiên phong trong thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công ở xã để chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường mà tỉnh đặt ra.
Mặc dù còn khá khó khăn, bỡ ngỡ trong chuyển đổi sản xuất, tạo dựng uy tín trên thị trường nhưng ông chủ cơ sở sản xuất gạch không nung này đã mạnh dạn đầu tư trên 400 triệu đồng để chuyển đổi công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Hiện, mỗi ngày cơ sở của gia đình ông sản xuất khoảng 2.500 viên gạch, tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/ tháng.
Mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2020 được Đảng bộ xã Văn Tiến xác định, đó là tập trung quy hoạch vùng sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới tại thôn Nhà Giát và Lưỡng Sơn, phấn đấu mỗi năm sản xuất khoảng 16 nghìn viên gạch sản phẩm; khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ đầu tư chuyển đổi phát triển ngành nghề, mở rộng và tăng thêm từ 10 - 15 cơ sở chế biến gỗ, chế biến chè và các mặt hàng nông sản; chú trọng khuyến khích phát triển các cơ sở sửa chữa, kinh doanh các mặt hàng cơ khí, dịch vụ hàng quán ăn uống tại các thôn Văn Quỳ, Lục Bình, Bình Sơn; tuyên truyền thu hút lao động địa phương vào làm việc tại các KCN. Bên cạnh đó, nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác, phấn đấu đến năm 2020, giá trị trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 100 triệu đồng/ 1 ha, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Minh Thúy
Các tin khác
Đó là thông tin vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật thông báo. Hiện hàng chục lộ đường dây lưới điện truyền tải đang bị sự cố, "ảnh hưởng của bão là nặng nề".
YBĐT - Có tháng cao điểm, gia đình anh Tướng Văn Bội ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình) tiếp đến 20 đoàn khách; riêng tiền đi chợ Vũ Linh mua thực phẩm phục vụ các đoàn khách cũng hết trên 60 triệu đồng.
YBĐT - Từ chủ trương, cách làm đúng hướng, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân xã An Bình (Văn Yên) đang ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần theo từng năm. Đâu là “chìa khóa” cho sự thay da, đổi thịt này?
YBĐT - 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn của huyện Văn Chấn đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án trên 8 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng.