Bỗng dưng mất tiền trong thẻ ATM, ngân hàng phải chịu trách nhiệm
- Cập nhật: Chủ nhật, 14/8/2016 | 10:02:53 AM
Theo các chuyên gia pháp lý, nếu tiền trong thẻ ATM bỗng nhiên biến mất thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Tiền trong thẻ ATM bỗng nhiên "biến mất" thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
|
ATM là một thiết bị ngân hàng giao dịch tự động với khách hàng, thực hiện việc nhận dạng khách hàng thông qua thẻ ATM (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng) hay các thiết bị tương thích, và giúp khách hàng kiểm tra tài khoản, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.
Đây là mộ hình thức gửi tiền vào tài khoản mở tại một tài khoản ngân hàng, do ngân hàng quản lý và có thu phí hàng năm và thu phí qua từng lần giao dịch.
Ngân hàng phải bồi thường
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết về mặt pháp lý, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng để thực hiện giao dịch bằng thẻ ATM là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Thông qua thủ tục làm thẻ, gửi tiền ngân hàng tức là giữa khách hàng và ngân hàng đã kết lập một hợp đồng gửi giữ tài sản.
"Ngân hàng có nghĩa vụ giữ tài sản của khách hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ bảo mật tài khoản khách hàng. Mọi hành vi đột nhập vào hệ thống lấy trộm tiền của khách hàng đều là thiệt hại ngân hàng phải gánh chịu chứ không thể đổ lỗi cho hacker xâm nhập được" - LS Huỳnh Công Thư nói.
Theo quy định của BLDS 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Ngoài ra, Điều 557 BLDS cũng quy định nghĩa vụ của bên nhận giữ là phải bảo quản tài sản và trả lại cho người gửi.
Như vậy, trong trường hợp số tiền người gửi tự nhiên bị mất đi thì ngân hàng phải có nghĩa vụ bồi thường cho khách hàng vì tiền lúc này đang nằm dưới sự quản lý của ngân hàng và khách hàng chưa hề nhận lại.
LS Thư nhận định: “Ngân hàng có nghĩa vụ giữ tài sản của khách hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ bảo mật tài khoản khách hàng. Mọi hành vi đột nhập vào hệ thống lấy trộm tiền của khách hàng đều là thiệt hại ngân hàng phải gánh chịu chứ không thể đổ lỗi cho người khác xâm nhập được”.
Trong trường hợp ngân hàng không chịu bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền kiện ngân hàng ra Tòa để yêu cầu bồi thường.
Lỗi của ngân hàng
Đồng quan điểm, LS Võ Công Hạnh (Hãng luật Công Khánh, Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế) nêu quan điểm, thông qua hệ thống thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, giữa Ngân hàng và khách hàng hình thành mối quan hệ phức tạp hơn bởi môi trường mạng, các thiết bị tương tác.
Chính điều này là thách thức của tính bảo mật của ngân hàng và cả khách hàng. Theo nguyên tắc xử lý hậu quả của giao dịch dân sự, thì bên có lỗi phải chịu bồi thường hoặc phải chịu tổn thất thiệt hại tùy theo mức độ lỗi.
Với trường hợp khách hàng không nhận được mật khẩu từ OTP (One Time Password) từ Vietcombank (VCB) mà tiền vẫn bị chuyển đi là một sai sót nghiêm trọng đối với hệ thống quản lý tài khoản trực tuyến.
“Ở đây không loại trừ khả năng bị kẻ xấu sử dụng các biện pháp để can thiệp, điều hướng giao dịch ngay tại hệ thống máy tính của VCB, hoặc việc rút tiền trên có thể được thực hiện từ những nhân viên biến chất trong hệ thống ngân hàng; hay tin tặc can thiệp thông qua hệt thống internet từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều này phải chờ kết quả điều tra từ phía cơ quan chức năng”, LS Hạnh đánh giá.
Đối với các giao dịch trên do lỗi từ ngân hàng, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn lại tiền cho khách hàng.
Trong trường hợp các bên không thống nhất về việc thương lượng, bồi thường, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
LS Hạnh cũng cho rằng với trách nhiệm là chủ sở hữu một trang web của một ngân hàng lớn, việc VCB không có biện pháp hữu hiệu để một trang web “nhái” tồn tại là hết sức thiếu chuyên nghiệp, tắc trách và gây tổn hại cho khách hàng lẫn uy tín của mình.
Khách hàng cần tự bảo vệ mình
Theo LS Huỳnh Công Thư để tự bảo vệ cho mình, khách hàng phải tuyệt đối bảo mật tài khoản và password của mình, thường xuyên thay đổi password, không dùng thẻ ATM để thanh toán qua mạng các trang web bán hàng mà mình không biết. ATM dễ bị lừa đảo nên không để số tiền quá nhiều, nếu nhiều tiền thì nên chuyển qua hình thức gửi tiết kiệm sẽ an toàn và có lợi hơn.
LS Võ Công Hạnh thì đưa ra lời khuyên rằng không nên gửi số tiền lớn vào ATM, mà nên chuyển gửi số tiền lớn với phương thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Việc bảo quản thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu mỗi người cũng phải hết sức thận trọng, cần cảnh giác đối với các thông tin yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu liên quan đến tài khoản của mình.
(Theo TNO)
Các tin khác
Sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt ở 46 nước trên thế giới, trong đó có 3 quốc gia rất mạnh trong ngành sữa là Mỹ, Úc và New Zealand.
Từ ngày 15/8 đến 22/8/2016, chủ thẻ ATM nội địa của 29 ngân hàng Việt Nam khi thanh toán vé máy bay trực tuyến, sẽ được giảm ngay 15% giá vé.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 - 100%.