Động lực giúp người dân phát triển du lịch cộng đồng
- Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2016 | 8:33:37 AM
YBĐT - Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch mà cả người dân bản địa và du khách cùng tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, qua đó người dân bản địa thu được các lợi ích kinh tế - xã hội, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, văn hóa địa phương.
Trình diễn giã bánh dày của đồng bào Mông (Mù Cang Chải) tại các lễ hội luôn thu hút khách du lịch.
|
So với các loại hình du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng thì du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng phát triển hơn cả. Bởi vậy, việc dạy cho người dân kỹ năng làm du lịch cộng đồng rất cần được đẩy mạnh.
Bà Vũ Thị Hà – giảng viên Khoa Văn hóa và Du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật và Du lịch (VHNT&DL) tỉnh, người trực tiếp tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân khẳng định: “Kể từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, Trung tâm Dạy nghề Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch thuộc Trường Cao đẳng VHNT&DL đã mở rất nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, người dân ở các địa phương có hoạt động du lịch cộng đồng phát triển đều tích cực tham gia các khóa đào tạo về du lịch. Tuy nhiên, cách làm du lịch cộng đồng hiện nay của người dân phần lớn còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà quản lý, nhà nông và doanh nghiệp trong hoạt động du lịch là hết sức cần thiết”.
Được biết, thời gian qua, để giúp người dân kỹ năng làm du lịch, các giảng viên Trường Cao đẳng VHNT&DL đã nhiệt tình đi đến từng bản, làng có hoạt động du lịch cộng đồng đang phát triển để giảng dạy. Cùng với dạy lý thuyết, các giảng viên còn tổ chức các trò chơi, các hoạt động thực hành; hướng dẫn người dân cụ thể từ cách vệ sinh nhà cửa, đón tiếp, giao tiếp với khách; cách tổ chức bữa ăn, chế biến và bảo quản thức ăn, pha chế đồ uống; cách nấu một số đồ ăn nhanh; tự làm danh thiếp (namecard); cách quản lý tiền thu được từ kinh doanh du lịch để có thể tái đầu tư…
Chị Lường Thị Hải – người dân bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ bày tỏ: “Trước đây vợ chồng tôi chỉ làm nông nghiệp nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ khi được tham gia lớp đào tạo miễn phí làm du lịch, gia đình đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa nhà cửa, trang bị một số đồ dùng, vật dụng, kinh doanh du lịch “homestay” nhờ vậy mà cuộc sống khấm khá hẳn lên”.
Hiện tại, du lịch Yên Bái nói chung mới ở giai đoạn đầu khai thác, bởi vậy đây cũng là điều kiện thuận lợi để áp dụng những nguyên tắc phát triển du lịch một cách bền vững ngay từ bước đầu. Muốn thu hút được du khách, Yên Bái cần tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, quảng bá các sản phẩm du lịch, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng nhằm giúp du khách đến tham quan các bản, làng dân tộc thiểu số để tìm hiểu các giá trị văn hoá bản địa như: tập quán sinh hoạt sản xuất, lao động, văn hóa, lễ hội, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian và mua những sản phẩm thổ cẩm, mỹ nghệ, mây tre đan làm quà lưu niệm. Hiện, loại hình du lịch cộng đồng đang được tổ chức khá thành công tại một số địa phương như: làng du lịch Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình), làng du lịch văn hoá xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), làng du lịch xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải)…
Để phát triển loại hình du lịch cộng đồng thì trong thời gian tới trước hết phải đề cao tính cộng đồng, phải có được sự tham gia rộng rãi của người dân, người dân phải trở thành chủ thể và được đảm bảo lợi ích. Nếu làm được điều này thì không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các dân tộc mà còn góp phần thiết thực vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Theo báo cáo nhanh của các địa phương đến sáng 21/8, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh Yên Bái, ước tính khoảng 210 tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả đang được tập trung cao độ.
YBĐT - Theo Công ty cổ phần Đường sắt Yên Lào, 8 giờ 10 sáng 21/8, Công ty đã chính thức trả đường chạy tàu tất cả các vị trí trên đường sắt qua tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Ngày 20/8, đoàn công tác của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Yên Bái do đồng chí Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình sạt, lở đất đá tại các tuyến đường phía Tây của tỉnh.
YBĐT - Vấn đề thiệt hại lớn nhất của tỉnh Yên Bái chủ yếu là về hạ tầng, trong đó có việc sạt lở kè suối Thia ở thị xã Nghĩa Lộ ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng.