Trạm Tấu khắc phục hậu quả thiên tai
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2016 | 8:21:23 AM
YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao, địa hình 100% là đồi núi độ dốc lớn, vách đứng xen kẽ các khe suối nhỏ, khi mùa mưa đến tạo thành thác lớn chảy. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu làm nương rẫy, ruộng bậc thang, công trình thủy lợi ở đầu các con suối có độ dốc cao, nhân dân định cư ở sườn núi. Vì vậy, khi có thiên tai xảy ra, công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) gặp nhiều khó khăn.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu thăm hỏi, động viên các gia đình bị sạt lở đất tại xã Hát Lừu.
|
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Tram Tấu, năm 2015, thiên tai, mưa, lốc trên địa bàn huyện đã làm 16 hộ dân bị sạt ta-luy, 2 hộ bị sụt lún đất, nhiều công trình giao thông, phúc lợi bị hư hỏng. Nghiêm trọng hơn, ngày 13/8/2016 do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, mưa lớn trên địa bàn huyện đã làm 5 hộ dân tại xã Hát Lừu bị sạt đất, trong đó có 1 hộ bị sập hoàn toàn, 2 hộ phải di dời tài sản, 2 hộ bị ảnh hưởng do đất đá sạt. Sạt lở đất cũng đã gây thiệt hại 6 ha hoa màu, 57 ao cá bị vỡ và tràn bờ, tuyến đường từ huyện Trạm Tấu đi xã Xà Hồ bị đất đá vùi lấp. Sạt lở đất cũng đã vùi lấp 900 m2 lúa tại xã Bản Công. Tiếp sau đó là cơn bão số 3, tính đến 8 giờ 30 phút ngày 21/8/2016 đã làm 2 người chết, 1 người bị thương do sạt lở đất; 4 nhà bị sập đổ hoàn toàn và nhiều diện tích lúa, hoa màu bị vùi lấp...
Đồng chí Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện cho biết: “Sau khi nhận được công điện của UBND tỉnh về việc ứng phó với các cơn bão năm 2016, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã họp và triển khai các phương án đã được phê duyệt, chỉ đạo các ban chỉ huy PCTT-TKCN tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng, các hộ gia đình nâng cao cảnh giác về PCTT; tuyên truyền cho nhân dân cách phòng tránh, di dời người già và trẻ em ở các khu vực vùng thấp đến nơi an toàn; chỉ đạo các phòng, ban liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết 24/24 giờ cũng như mực nước ở các khu vực thấp, khu vực ngập úng để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, giữ vững tình hình an ninh trật tự, không để kẻ xấu lợi dụng, trục lợi khi bão lũ xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân”.
Tuy nhiên, 2 cơn bão liên tiếp xuất hiện khá gần nhau khiến công tác chỉ đạo ứng phó cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước những thiệt hại do cơn bão số 2, số 3 gây ra, huyện đã tiến hành họp bàn, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp; đồng thời, kịp thời có mặt tại hiện trường để xử lý các tình huống do mưa lũ gây ra.
Trước mắt, với những hộ dân bị thiệt hại về người, tài sản, hoa màu, huyện đã trích kinh phí từ nguồn kinh phí PCTT kịp thời hỗ trợ, động viên các hộ dân; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của huyện khẩn trương huy động lực lượng vận chuyển, di dời người, tài sản của người dân đến nơi ở an toàn; huy động máy móc, phương tiện san gạt ta-luy để bảo đảm cho các phương tiện đi lại, chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát các hộ có nguy cơ sạt lở cao, có phương án di dời đến nơi ở an toàn, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.
Cùng với đó là việc thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện khi có cảnh báo thời tiết nguy hiểm và dự báo mưa bão kéo dài; triển khai ngay các nội dung công điện, chỉ thị xuống cơ sở thôn, bản và chòm dân cư; rà soát, nắm bắt tình hình, phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện phụ trách từng địa bàn, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để chủ động đối phó với thiên tai.
Đồng thời, triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” theo kế hoạch đã xây dựng để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về thiên tai, cách thức phòng, tránh, chống; làm tốt công tác báo cáo, thống kê, bảo đảm kịp thời chính xác mọi tình huống kết hợp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Để chủ động đối phó với các tình huống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện chủ động hiệp đồng với huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ tập trung chủ yếu ở khu 3 (Tà Xi Láng, Làng Nhì, Phình Hồ) và 2 xã khu 2 (Pá Lau, Túc Đán) để tăng cường lực lượng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2016, tình hình thiên tai hết sức khắc nghiệt, đặc biệt là việc ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão, bởi vậy trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là các huyện vùng cao như Trạm Tấu sẽ có mưa vừa đến mưa to trong nhiều ngày rất dễ xảy ra hiện tượng ngập úng, sạt la-tuy, lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Chính bởi vậy, công tác PCTT - TKCN của huyện cần được duy trì bao đảm tốt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản, hoa màu do thiên tai gây ra trong năm 2016 này.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Để có ngày một nhiều sản phẩm nông - lâm, thủy sản an toàn hơn, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp thực hiện trong sản xuất, giám sát, kiểm tra các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tái cơ cấu nông nghiệp sáng 25/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với thị trường. Người nông dân không chỉ làm ra những gì họ có thể mà là làm ra những gì thị trường yêu cầu.
YBĐT - Như tin đã đưa, khoảng 7h sáng 25/8, tại Km79+300 trên quốc lộ 32C, đoạn qua địa phận thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái xuất hiện một vết nứt trên mặt đường kéo dài khoảng 30m, rộng 3m và sâu hơn 1,5m.
YBĐT - Theo Công ty Điện lực Yên Bái, bão số 3 đã làm gãy đổ và nghiêng 4 cột trung áp, 46 cột lưới hạ áp, gây sự cố cho 1 máy biến áp, hỏng 10 công tơ, đứt dây trung áp và hạ áp với chiều dài gần 900 mét.