Thực trạng nghèo ở Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2016 | 8:17:46 AM
YBĐT - Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Nghĩa Lộ, hiện tại trên địa bàn có 1.925 hộ nghèo theo tiêu chí mới, bằng 24,9%; 418 hộ cận nghèo, bằng 5,41%.
Thị đoàn Nghĩa Lộ hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo ở xã Nghĩa Phúc.
|
Luẩn quẩn mãi không thoát được nghèo là hoàn cảnh của bà Hoàng Thị Lọc, tổ Pá Khết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Nhà đông con, không việc làm ổn định, đất sản xuất ít, đầu năm 2015, gia đình bà được hỗ trợ 11,2 triệu đồng, bà vay thêm họ hàng 5 triệu đồng nữa để mua con trâu 16 triệu đồng. Đến nay, trâu đã nuôi được hơn 11 tháng nhưng chưa sinh sản, chưa biết cày bừa và bà lại tính bán, vì cái nhà đang ở sắp đổ cần sửa chữa, 2 đứa cháu cũng đã đến tuổi đi học. Nhà có 5 khẩu chỉ trông vào 1.000 m2 ruộng và tiền bốc vác thuê của đứa con trai. Bà Lọc nói: “Nghèo đói mãi, có 3 đứa con cứ lo dần cho chúng nó lấy vợ và cứ có một tý lại cưới vợ cho con, nên giờ nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Tổ Pá Khết, phường Trung Tâm có 109 hộ, thì có tới 32 hộ nghèo theo chuẩn mới, so với năm 2015 tăng 17 hộ. Theo kết quả rà soát mới đây nhất của tổ, trong năm 2016 có 6 hộ có khả năng thoát nghèo. Ông Hà Văn Bắc, Tổ trưởng tổ Pá Khết cho biết, những hộ nghèo ở tổ phần lớn rơi vào diện đông con, ốm đau bệnh tật và cũng có phần không nhỏ lười lao động, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Do đó, không có tư tưởng vươn lên thoát nghèo, cho dù đã được hỗ trợ.
Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Nghĩa Lộ, hiện tại trên địa bàn có 1.925 hộ nghèo theo tiêu chí mới, bằng 24,9%; 418 hộ cận nghèo, bằng 5,41%. Thực hiện công tác giảm nghèo, thị xã đã có nhiều chương trình như: hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất thông qua nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để đẩy mạnh chăn nuôi, trồng cây màu vụ đông, hỗ trợ làm nhà, đào tạo việc làm...
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của thị xã vẫn còn nhiều bất cập và ngoài những nguyên nhân được xác định như trên, còn có lý do là tiêu chí chuẩn nghèo được thực hiện cao hơn; một số hộ ở những nơi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để phục vụ các dự án xây dựng trọng điểm của tỉnh chưa tìm được việc làm ổn định...
Được biết, để giảm nghèo, các cấp, ngành, xã, phường đã có rất nhiều giải pháp, nhưng trước nguyên nhân, thực trạng nghèo như hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ xác định vẫn phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu năm 2016 giảm 4% hộ nghèo, tương ứng với 310 hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, thị xã chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích hộ nghèo có ý thức tự lực vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo, nâng cao hiệu quả nguồn vốn bằng cách khuyến khích kéo doanh nghiệp về nông thôn tạo lập vùng hàng hóa thu hút nhiều lao động có việc làm; thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách khuyến công của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích phát triển cơ sở chế biến sản phẩm tại vùng nông thôn của thị xã.
Bên cạnh đó, để hoàn thành công tác giảm nghèo của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIII, thị xã Nghĩa Lộ cũng đang tiếp tục kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội từ thị xã đến các xã phường. Đồng thời, huy động sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cùng vào cuộc của nhân dân thì mục tiêu giảm nghèo của thị xã Nghĩa Lộ mới thành công và hiệu quả bền vững.
Thùy Hương (Đài TT - TH Nghĩa Lộ)
Các tin khác
Từ 15h hôm nay (5/9), giá bán lẻ xăng trong nước tăng 611-702 đồng/lít, vượt mốc giá 16.000 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu tăng 474-502 đồng/lít (kg).
Sáng 5-9, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN& PTTN) Trần Quang Hoài cho biết như vậy tại Hội thảo “Hành động vì biến đổi khí hậu: phụ nữ là người nắm giữ giải pháp".
Sau sự vào cuộc ráo riết của lực lượng chức năng, tình trạng sử dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi đã giảm mạnh, song lại phát hiện việc lạm dụng hóa chất công nghiệp để trộn vào thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt là một số hóa chất “lạ, mới”. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ngày càng gia tăng.
Bộ KH&ĐT vừa công bố Dự thảo “Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020” để lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cơ quan liên quan.