Yên Bái chủ động phòng chống sâu bệnh hại lúa mùa
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2016 | 8:20:25 AM
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái đã có 1.233 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, diện tích nhiễm nhẹ 1.090 ha, nặng 142 ha. Ngoài ra, trên 260 ha đã nhiễm sâu cuốn lá nhỏ.
Nông dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên phun thuốc phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng.
|
Hiện nay, lúa mùa ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, trỗ bông. Trong khi đó, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng, nóng xen lẫn mưa kéo dài đã khiến hàng trăm ha lúa mùa ở các địa phương trong tỉnh bị nhiễm sâu bệnh. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, các địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực để kịp thời ngăn chặn sâu bệnh phát sinh.
Gần tháng nay, anh Dương Văn Long ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên thường xuyên thăm đồng phát hiện sâu bệnh hại lúa. Anh Long cho biết: “Thời gian này, trên đồng ruộng sâu bệnh đang phát sinh mạnh, chủ yếu là bệnh khô vằn và rầy nâu. Hiện, gia đình đang tập trung phun thuốc chống rầy, đảm bảo năng suất lúa”.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa này, toàn tỉnh gieo cấy trên 22.691 ha, bằng 108% kế hoạch, trong đó, trà lúa mùa sớm gieo cấy được trên 7.015 ha. Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn: đứng cái, làm đòng, trỗ, chắc xanh, đỏ đuôi. Tuy nhiên, do thời tiết mưa, nắng xen kẽ nên trên đồng ruộng xuất hiện sâu bệnh hại lúa.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.233 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, diện tích nhiễm nhẹ 1.090 ha, nặng 142 ha. Ngoài ra, đã có trên 260 ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, bệnh khô vằn không gây mất trắng mà chỉ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Điều đáng lo ngại là ở nhiều địa phương, rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây hại.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 432,5 ha lúa nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ trung bình 150 con/m2, nơi cao 3.000 con/m2, tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Nghĩa Lộ, Trấn Yên.
Trước diễn biến tình hình sâu bệnh như trên, Chi cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các trạm bảo vệ thực vật thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật điều tra đồng ruộng để thống kê diện tích nhiễm bệnh, dự báo chính xác, ra thông báo chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời, tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chỉ đạo kịp thời trong việc phòng chống dịch bệnh. Tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh kịp thời và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ.
Mặt khác, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng; tăng cường hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; khi sâu bệnh phát sinh, lập tức dập, diệt không để lây lan ra diện rộng.
Bà Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, điều kiện thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, nắng, mưa xen kẽ sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, cần đề phòng: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn. Những ngày này, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tăng cường cán bộ kỹ thuật để kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn nông dân phun thuốc diệt trừ một cách hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời ”.
Để chủ động phòng chống sâu bệnh hại lúa, bảo đảm năng suất lúa mùa, Chi cục Bảo vệ thực vật đề nghị trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến của từng đối tượng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng và các dịch hại khác như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá… để phòng trừ kịp thời.
Chi cục Bảo vệ thực vật cũng tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của các đại lý trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn việc tăng giá, thuốc giả, thuốc kém phẩm chất. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ kịp thời, tiện lợi cho việc phòng trừ sâu bệnh vụ mùa.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Vụ măng tre Bát độ năm 2016, sản lượng măng tươi của huyện đạt trên 25.000 tấn.
YBĐT - Ngày 8/9, UBND huyện Yên Bình phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm EMI Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
YBĐT - Chiều 8/9, UBND tỉnh tổ chức sơ kết sản xuất vụ hè thu, triển khai sản xuất vụ đông năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ thực hiện 4 tháng cuối năm.
Bộ Y tế đã quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.