Quy hoạch tốt để đáp ứng yêu cầu phát triển
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2016 | 1:49:59 PM
YBĐT - Cùng với nâng cấp, mở rộng các bến xe, xây dựng các trạm dừng, nghỉ, giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các luồng, tuyến, phương tiện... từng bước hình thành vận tải theo phương thức hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đến năm 2020, Bến xe khách Yên Bái sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn bến loại 2.
|
Những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ (VTĐB) đã đạt được những bước tiến quan trọng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đi lại của người dân cũng như góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, từ khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào khai thác đã tạo điều kiện đưa hoạt động VTĐB phát triển mạnh mẽ cả về số lượng phương tiện và khối lượng hàng hóa, hành khách. Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của vận tải hàng hóa đạt 12% và vận tải hành khách (VTHK) 10 - 14%.
Hiện, toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường bộ với tổng số xe hoạt động là 5.498 chiếc cùng năng lực vận chuyển trên 52.000 tấn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 5 đơn vị kinh doanh VTHK với trên 103 tuyến vận tải khách cố định cùng hàng trăm hộ cá thể đăng ký kinh doanh VTHK bằng xe hợp đồng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mùa lễ hội cũng như phục vụ du lịch theo yêu cầu.
Theo ông Lê Tuấn Giang - Phó trưởng phòng, Phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải): “Tỷ trọng vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ có xu hướng ngày càng tăng từ 65% (năm 2010) lên 90% (năm 2015) do việc kết nối giữa các vùng miền bằng các tuyến đường bộ ngày càng phát triển, nhất là từ khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào khai thác. Phương thức VTĐB sẽ ngày càng chiếm ưu thế và trở thành nguồn vận tải chủ lực”.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, phấn đấu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt trên 13.000 tỷ đồng… Như vậy, nhu cầu về VTĐB sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.
Theo dự báo, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu tăng khoảng 9% - 14%/năm; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt trên 13,4 triệu tấn và trên 15 triệu lượt hành khách. Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân đòi hỏi ngành giao thông vận tải, nhất là hoạt động VTĐB phải có những quy hoạch, bước đi phù hợp trong đầu tư xây dựng các bến xe, trạm dừng nghỉ, luồng tuyến…
Ông Bùi Danh Tú - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Hiện nay Sở Giao thông - Vận tải đang tiến hành xây dựng điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông - vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng, vận tải, dịch vụ vận tải tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, có khả năng liên kết các phương thức vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt”.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, các bến xe trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng sự tăng lên về số lượng phương tiện và nhu cầu của nhân dân. Cụ thể, các bến xe khách ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn bến loại 2; các bến xe Mậu A, Lục Yên nâng cấp đạt tiêu chuẩn bến loại 3.
Bên cạnh đó, ngành giao thông - vận tải tiến hành xây dựng mới 2 bến xe tại huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu đạt tiêu chuẩn loại 5; xây dựng 2 bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn thành phố tại khu đô thị trung tâm và các khu đô thị dân cư mới. Cùng với đó, một số luồng tuyến vận tải quan trọng sẽ được tập trung đầu tư phát triển, trong đó, nổi bật là luồng hàng hoá liên tỉnh giữa Yên Bái đến cửa khẩu biên giới, các cảng biển và các tỉnh trong cả nước thông qua quốc lộ 2, quốc lộ 37 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai phục vụ nhu cầu xuất khẩu và giao thương hàng hóa vùng miền; luồng hàng hóa từ thành phố Yên Bái đi đến các trung tâm huyện, các thị trấn, thị tứ, luồng hàng kết nối giữa các đô thị của các huyện (thị trấn, thị tứ) và với các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh và các tuyến đường tỉnh, đường huyện quan trọng.
Song song với việc tiếp tục duy trì các tuyến vận tải hành khách cố định đang có ngành giao thông - vận tải có thể mở mới các tuyến vận tải đến các khu vực khác nếu có nhu cầu; đồng thời, nâng cao chất lượng, tiện nghi của phương tiện. Ngành sẽ kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các tuyến VTHK bằng xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt các tỉnh liền kề thay cho các tuyến xe cố định, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng thuận lợi, nhanh chóng cho nhân dân.
Trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe và kiểm định xe, ngoài việc nâng cao, mở rộng mô hình, quy mô, tính chất đào tạo nghề lái xe ô tô từng bước hiện đại; đầu tư, xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trình độ giáo viên… cho Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới và các cơ sở sát hạch hiện có, ngành sẽ xây dựng thêm 1 dây chuyền kiểm định xe cơ giới, 1 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 1 cơ sở đào tạo lái xe mô tô tại khu vực thị xã Nghĩa Lộ vào năm 2030.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Sáng 9/9, tại Sở Công thương, Hội đồng Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016 đã tổ chức trao giải cho 18 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
YBĐT- Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Yên Bái đang tiến hành các công việc tổ chức lập hồ sơ và thực hiện khắc phục sự cố lún sụt nền, mặt đường quốc lộ 32C.
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái đã có 1.233 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, diện tích nhiễm nhẹ 1.090 ha, nặng 142 ha. Ngoài ra, trên 260 ha đã nhiễm sâu cuốn lá nhỏ.
YBĐT - Vụ măng tre Bát độ năm 2016, sản lượng măng tươi của huyện đạt trên 25.000 tấn.