Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 12/9/2016 | 11:51:42 AM
YBĐT - Sản xuất nông nghiệp những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, bước đầu hình thành vùng chuyên canh lúa, màu theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.
Vùng cao chuyển từ sản xuất một vụ lên hai vụ; vùng thấp sản xuất luân canh gối vụ năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng ngày một cao. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường, song vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Điều dễ nhận thấy, trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay, ngày càng đòi hỏi cao, gấp gáp về mùa vụ. Một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phần do nguồn lao động thiếu hụt và vấn đề mấu chốt là nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập.
Nông dân hôm nay sản xuất không chỉ 2 vụ/năm mà còn vụ ba, vụ 4, sản xuất luân canh, gối vụ nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác. Để sản xuất thành công, hiệu quả cao, các nhà khoa học đã nghiên cứu lai tạo ra những bộ giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao, bố trí cơ cấu giống, thời vụ phù hợp với thổ nhưỡng, lợi thế của từng tiểu vùng khí hậu.
Cũng trên một diện tích, nếu bà con chỉ gieo cấy hai vụ lúa thì giá trị thu nhập không cao bằng cấy 2 vụ lúa một vụ màu. Biết là giá trị cao hơn, nhưng do không làm chủ được mùa vụ, dẫn tới cả mấy tháng vụ đông bỏ đất hoang. Từ đó cho thấy, sản xuất nông nghiệp cần phải đẩy mạnh cơ giới hóa để luân canh tăng vụ, giảm công lao động, tăng thu nhập, giúp cho lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp dịch vụ.
Thực tế cho thấy, đã có một số vùng lúa trọng điểm, bà con đã đưa cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch nên hiệu quả sản xuất tăng cao, mùa vụ được thực hiện tốt.
Xã Phù Nham (Văn Chấn) là một điển hình trong việc cơ giới hóa. Toàn xã có gần 300 ha ruộng nhưng có tới 40 - 50 máy cày, bừa, tuốt lúa. Vài năm gần đây, bà con đã đưa cơ giới hóa vào làm đất, thu hoạch đạt 80% diện tích. Đó cũng là lý do tại sao nơi đây luôn dẫn đầu về làm cây vụ ba trên đất 2 vụ lúa. Nhờ phát triển thêm cây rau màu, nhiều diện tích đất cho thu nhập tới 200 triệu đồng/ha/năm - một con số không phải địa phương nào cũng làm được.
Nói về đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ông Vũ Xuân Hòa - một nông dân ở Phù Nham nói: “Những năm qua, cùng sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, nhiều loại máy móc được bà con đưa vào sử dụng không chỉ giải quyết lao động nặng nhọc mà còn đảm bảo thời vụ, giảm tổn thất trong sản xuất. Cùng với đó, việc cơ giới hóa còn giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận so với sản xuất thủ công trên 25%. Qua thực tế cho thấy, cơ giới hóa rất quan trọng trong nông nghiệp, nên Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích giúp nông dân mua được máy móc sản xuất”.
Không riêng gì xã Phù Nham, nhiều địa phương đã khá thành công trong cơ giới hóa như vùng lúa Đại - Phú - An (Văn Yên), Mường Lai - Vĩnh Lạc (Lục Yên) hay vùng Mường Lò...
Rõ ràng việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tuy nhiên, việc đưa cơ giới vào sản xuất, nhất là sản xuất lúa vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết người nông dân Yên Bái khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, do máy móc thiết bị được vay vốn phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố có giá trị sản xuất trong nước trên 60% và người vay phải có tài sản thế chấp, không cho phép sử dụng tài sản thế chấp được hình thành từ nguồn vốn vay. Số hộ được vay nguồn vốn này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một nguyên nhân nữa là do cơ sở hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ, diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, phân tán, địa hình không bằng phẳng gây khó khăn trong việc di chuyển nội đồng và tác nghiệp trên thực địa, đặc biệt là khâu thu hoạch dẫn tới năng suất thấp, tăng chi phí nhân công, nhiên liệu và sửa chữa.
Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân còn thấp, nên khả năng đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, phần lớn lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề, dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp kém phát triển, ứng dụng cơ giới hóa tại một số nơi chưa hiệu quả, chưa phát huy hết công năng, tác dụng của máy dẫn tới năng suất lao động thấp, chi phí đầu tư cao, thu hồi vốn chậm đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là lý do cho đến hôm nay nông dân Yên Bái phần lớn mới chỉ đưa các loại máy móc nhỏ vào khâu làm đất và tuốt lúa, tẽ ngô là chính.
Tỉnh cũng đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa được nhiều, mới chỉ có một phần nhỏ thông qua kênh hỗ trợ từ các chương trình của khuyến nông và mới chỉ dừng lại ở mức trình diễn, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí nên số lượng nông dân được hưởng lợi còn hạn chế...
Cơ giới hóa trong sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng mùa vụ hiệu quả và giảm sức lao động, hầu hết người nông dân đều muốn đưa vào sản xuất. Nhưng để làm được, chúng ta cần giải quyết tốt những hạn chế đã nêu trên và chỉ có đưa cơ giới hoá vào sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Đã một thời Yên Bái có khá nhiều "điểm nóng" trong quản lý bảo vệ rừng, tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản khá phức tạp. Song, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành công tác quản lý bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, từ ngày 1-10 sẽ tổ chức bán vé tàu Tết Đinh Dậu 2017 cho hành khách cá nhân qua các websitewww.dsvn.vn, vietnamrailway.vn, vetau.com.vn và các điểm bán vé.
YBĐT - Sáng 11/9, Công ty Điện lực Yên Bái tổ chức chương trình "Ngày Chủ nhật xanh - Chung tay tiết kiệm điện vì lợi ích cộng đồng" tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Trên thị trường hiện nay, việc mua bán rượu, bia khá dễ dàng, thậm chí người sử dụng mua với số lượng nhiều vẫn có thể được đáp ứng. Tình trạng này đang gây những tác hại không nhỏ đối với trật tự an toàn xã hội, nhất là vi phạm an toàn giao thông (ATGT).