Ngày mới ở Tân Đồng
- Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2016 | 12:14:58 PM
YBĐT - Được chọn làm xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sau hơn 4 năm thực hiện, xã Tân Đồng (Trấn Yên) đã cán đích xã nông thôn mới (NTM). Sự đổi thay rõ nét nhất không chỉ là cơ sở vật chất được xây dựng mà còn có sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Nông dân xã Tân Đồng chăm sóc tằm.
|
Đi thăm các tổ hợp tác sản xuất dâu tằm, Phó Chủ tịch UBND xã -Nguyễn Hồng Phong phấn khởi: “Cái được nhất ở Tân Đồng gần đây không phải là xã đạt chuẩn NTM, không chỉ mới con đường, trường học, trạm y tế mà là chuyển đổi được sản xuất, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ những chuyển đổi tư duy sản xuất, cuộc sống người dân đã khấm khá hơn”.
Tân Đồng là xã vùng 2, nhưng cũng đầy khó khăn; đất đai rộng nhưng chủ yếu đồi núi và chỉ có khoảng 183 ha đất nông nghiệp. Xã có 8 thôn thì 3 thôn 100% người dân tộc Dao quần trắng. Nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi bước vào thực hiện Chương trình XDNTM, xã chỉ đạt 2/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, tư tưởng của cán bộ, người dân vẫn nặng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước...
Trước thực trạng đó, Tân Đồng đã tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia XDNTM. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đặc biệt chú trọng và xác định rõ mục tiêu cốt lõi XDNTM là nâng cao thu nhập cho nhân dân. Do đó, xã đẩy mạnh chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế tổ hợp tác xã, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Cây dâu tằm không phải là cây trồng mới ở đây, nhưng bà con phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, không biết ứng dụng tiến bộ khoa học, dẫn đến hiệu quả không cao. Trên cơ sở vẫn là cây dâu, xã vận động nhân dân tận dụng diện tích ven đồi, soi bãi, chuyển đổi hàng chục héc-ta ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu.
Cùng với đó, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đến người trồng dâu nuôi tằm. Nhờ vậy, diện tích dâu toàn xã đạt trên 103 ha với trên 200 hộ nuôi tằm tập trung ở thôn 1, 2, 3, 4, 5. Bên cạnh đó, thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm và đã có 4 tổ hợp tác được thành lập với 120 hộ. Các tổ hợp tác liên kết trong cung ứng con giống, tiêu thụ sản phẩm khá hiệu quả. Năm 2015, toàn xã đạt sản lượng kén trên 92 tấn, thu về 10 tỷ đồng và dự kiến năm 2016 sản lượng không dưới 100 tấn, thu trên 11 tỷ đồng.
Ông Hán Văn Tình ở thôn 4 có 10 sào ruộng. Do đất đai cằn cỗi nên trước đây dù có chăm sóc thế nào thì mỗi năm cũng chỉ thu được 3 tấn thóc. Năm 2013, ông chuyển toàn bộ diện tích sang trồng dâu nuôi tằm. Ông còn liên kết với 30 hộ trong thôn cùng sản xuất nên mỗi năm sau khi trừ chí phí ông còn lãi 80 triệu đồng từ nuôi tằm, cung ứng tằm giống cho các thành viên trong tổ hợp tác và ký kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Tình cho biết: “Trồng dâu nuôi tằm không khó mà hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần làm ruộng. Trước đây, người dân làm không hiệu quả là do làm nhỏ lẻ, thiếu liên kết, không có kỹ thuật, dựa vào kinh nghiệm là chính. Bên cạnh đó là khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, làm nhỏ lẻ hay bị tư thương ép giá. Nay liên kết thành các tổ hợp tác, quy trình sản xuất như nhau, tiêu thụ sản phẩm cùng một giá nên hiệu quả rõ nét”.
Vừa phát triển mạnh trồng dâu nuôi tằm, Tân Đồng còn vận động dân trồng quế. Những diện tích trồng cây nguyên liệu giấy trước đây chuyển sang trồng quế. Do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên quế phát triển rất tốt, chất lượng quế vỏ không kém gì quế ở huyện Văn Yên. Giờ đây, toàn xã đã vượt 1.500 ha quế, bình quân mỗi năm khai thác trên 150 ha, thu được 12 tỷ đồng. Quế và dâu tằm là hai cây chủ lực kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập người dân, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Mức thu nhập của người dân năm 2014 là 20 triệu đồng/người/năm; năm 2015 đạt 24 triệu đồng và năm 2016 chắc chắn không dưới 27 triệu đồng.
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM, Tân Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Diện mạo ban đầu của xã NTM đã rõ. Chủ thể tham gia quá trình XDNTM cũng được khẳng định rõ ràng hơn, đó chính là người dân. Từ mô hình Tân Đồng, huyện Trấn Yên cần nhân rộng trong thời gian tới để cuộc sống người dân nông thôn ngày càng tốt hơn.
Thanh Phúc
Các tin khác
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông vận tải ứng trước 471 tỷ đồng để trả nợ.
YBĐT - Những năm gần đây, huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mời gọi các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CNTTCN) với nhiều ngành nghề khác nhau. Đồng thời, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển CNTTCN đạt giá trị năm sau cao hơn năm trước, đưa sản xuất CNTTCN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế.
YBĐT - Với phương châm “sáng lúa, chiều ngô”, những ngày cuối tháng 9, nông dân trong tỉnh đang tích cực thu lúa mùa và sản xuất vụ đông. Tính đến ngày 22/9, toàn tỉnh đã thu hoạch 30% diện tích lúa mùa sớm, năng suất ước đạt bình quân 47 tạ/ha.
YBĐT - Năm 2016, huyện Yên Bình triển khai đầu tư xây dựng 27 công trình giao thông (2 công trình chuyển tiếp năm 2015), khởi công mới 25 công trình.