Hương cốm Tú Lệ
- Cập nhật: Thứ ba, 4/10/2016 | 1:39:54 PM
YBĐT - “Tú Lệ gạo trắng nước trong/Ai lên đến đó thì không muốn về”. Câu ca như mời gọi du khách tìm về Tú Lệ và đến với xã Tú Lệ (Văn Chấn) những ngày giữa mùa thu khi tiết trời se lạnh những thửa ruộng bậc thang lưng chừng núi bắt đầu chín. Đây cũng là thời điểm bà con người Thái bắt đầu một vụ làm cốm, vì lúa nếp thường chín muộn hơn.
Người dân bản Nà Loóng làm cốm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Chị Hàng Thị Minh, ở thôn Nà Loóng cùng 2 người cháu ra ruộng để gặt những bông lúa nếp Tan về giã cốm. Làm cốm rất cầu kỳ, người dân phải chọn những bông lúa đang thời kỳ uốn câu (trắc xanh) cho vào máy tuốt để loại bỏ rơm rạ, sau đó tiếp tục cho vào sàng sảy loại bỏ những hạt lép. Những hạt trắc mẩy được cho vào chảo gang đảo đều trong lửa nhỏ đến khi chín có mùi thơm rồi bỏ ra cho nguội cho vào cối giã. Một người đạp cần cối, một người ở đầu cối đảo cốm bằng đũa cả và hai tay phải đảo thật đều để cho những hạt cốm không bị nát, có màu xanh, cốm dẹt và dẻo. Từng mẻ cốm sau khi giã, chị em dùng sàng lọc trấu để lựa chọn những hạt cốm đẹp nhất có màu xanh rồi dùng lá dong gói lại giữ mùi thơm và bảo quản cho những hạt cốm không bị cứng.
Chị Hàng Thị Minh cho biết: “Gia đình mình cấy 3 sào lúa nếp Tan nhưng đã thu hoạch làm hết cốm rồi. Giờ mình phải đi mua lúa của những hộ cấy sau trong bản để làm. Có những ngày nhu cầu của khách tăng đột biến như trong Tuần Văn hoá - Du lịch và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, ngày cao nhất mình bán tới trên 100 kg cốm. Còn những ngày thường thì bán được khoảng 50 - 70 kg”.
Xã Tú Lệ có 10 thôn, bản thì cả 10 thôn, bản đều có người dân làm cốm nhưng tập trung nhiều nhất ở bản Nà Loóng. Ở đây có 157 hộ thì có trên 40 hộ làm cốm. Những ngày này đến với Nà Loóng, huơng cốm bay thơm nức một vùng. Từng đoàn xe dừng lại, người người tíu tít lựa chọn mua cho mình và người thân những gói cốm làm quà.
Chị Đào Thu Hương - du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Nói đến cốm thì ai cũng nghĩ ngay đến cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội rồi. Còn đối cốm Tú Lệ thì đây là lần đầu tiên mình được thưởng thức. Mình thấy độ dẻo thơm và ngon không kém gì cốm Làng Vòng. Bởi thế, mình quyết định mua mấy cân cốm về vừa làm quà cho bạn bè và để dành nấu cháo cho cháu nhỏ. Cốm ở đây sản xuất với quy trình thủ công và không nhuộm phẩm màu”.
Trước đây, người dân Tú Lệ làm cốm để cúng tổ tiên, để ăn hoặc làm quà cho nhau. Còn bây giờ, ngoài mục đích trên, nhà nhà làm cốm, người người làm cốm để nâng cao thu nhập. Mỗi cân cốm được làm ra có giá thành từ 90 - 120 nghìn đồng. Xã Tú Lệ có diện tích cấy lúa khoảng 150 ha, trong đó diện tích cấy giống lúa nếp Tan khoảng 40 ha, năng suất 4 tấn/ha, tổng sản lượng lúa nếp khoảng 200 tấn.
Ông Lò Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: “Nhờ chế biến cốm từ giống nếp Tan mà nhiều gia đình ở đây đã có của ăn của để. Từ khi bản Nà Loóng làm cốm cho thu nhập cao, các bản khác như: Pom Ban, Phạ Trên, Phạ Dưới... đều làm cốm. Mùa lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2016, cao điểm có ngày bà con trong xã bán được 3 đến 5 tấn. Ngày thường, trung bình bà con bán được từ 300 - 500 kg và tính ra cả mùa cốm người dân bán chừng gần 20 tấn chứ không ít”.
Mỗi người xuôi ngược qua vùng đất Tú Lệ này đều muốn dừng chân lựa chọn cho mình những gói cốm để làm quà và cũng là để thưởng thức món xôi nếp Tú Lệ với thịt nướng mà không đâu có thể sánh bằng.
Quyết Thắng
Các tin khác
Ngân hàng nhà nước Việt Nam vừa có công văn gửi các ngân hàng đang thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
Chiều 3/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc với một số bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để bàn những biện pháp, chủ trương, cơ chế để bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế một cách chủ động, kịp thời.
YBĐT - Xã Trung Tâm, huyện Lục Yên là xã vùng 3, có 1.003 hộ, 4.327 nhân khẩu cư trú tại 10 thôn và chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Nùng, Tày...
YBĐT - Hội đã giúp 86 hộ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền trên 2,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất.