Nơi trồng quế xây biệt thự
- Cập nhật: Thứ tư, 5/10/2016 | 8:20:27 AM
YênBái - YBĐT - Anh Đặng Y Vi - Trưởng thôn 4, xã Đại Sơn phấn khởi cho biết: “Thôn có 100% dân số là đồng bào Dao, sống bằng nông nghiệp, cây trồng chủ lực là quế và lúa nước. Hiện nay, thôn có gần 20 hộ xây được nhà to, kiểu dáng biệt thự đẹp với chi phí xây dựng từ 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Số hộ xây nhà với kinh phí dưới 700 triệu đồng thì khá nhiều”.
Ngôi nhà kiểu biệt thự mới hoàn thành của anh Bàn Phúc Xuân ở tổ 4, thôn 4, xã Đại Sơn (Văn Yên).
|
Những ngày này, khắp các địa phương trên địa bàn huyện Văn Yên, không khí chuẩn bị cho Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ II - năm 2016 càng thêm nhộn nhịp. Chúng tôi tìm về xã Đại Sơn, 1 trong 8 xã trọng điểm vùng quế của huyện và là 1 trong 4 địa phương nằm trong vùng lõi khu bảo tồn nguồn giống quế của huyện. Đại Sơn còn là xã sở hữu diện tích quế nhiều và quế có chất lượng tinh dầu cao nhất nhì huyện Văn Yên.
Ông Bàn Phúc Minh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự cố gắng đặc biệt từ mỗi người nông dân, hiện nay Đại Sơn có tổng diện tích quế gần 3.000 ha, hàng năm cho khai thác bình quân khoảng 700 tấn quế khô, tận thu trên 1.000 tấn cành lá và trên 4.000 m3 thân gỗ quế. Xã có 8 thôn, bản thì chỉ còn thôn 7 và thôn 8 là đặc biệt khó khăn vì cách xa trung tâm, giao thông đi lại không thuận lợi. Thôn 3 và thôn 4 là hai trong số các thôn nổi trội nhất về kinh tế, có nhiều hộ xây được nhà cửa khang trang là nhờ cây quế”.
“Trăm nghe không bằng một thấy” và trải nghiệm trên các bản làng Đại Sơn với bạt ngàn rừng quế mới thấy và cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội của địa phương. Mỗi năm trôi qua, Đại Sơn lại có thêm nhiều ngôi biệt thự mới mọc lên với thiết kế hiện đại, kiểu dáng đẹp mắt, cao ngang những cây quế cổ thụ; chợ, trường học đang dần được đầu tư khang trang; cuộc sống người dân ngày một ấm no, sung túc.
Đi đến thôn 4 phải đi bằng đường đất và thôn cách trung tâm xã khoảng 3 km. Nhưng ở thôn này lại có nhiều hộ xây được nhà to đẹp từ trồng quế.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Đặng Y Vi - Trưởng thôn 4 phấn khởi cho biết: “Thôn có 100% dân số là đồng bào Dao, sống bằng nông nghiệp, cây trồng chủ lực là quế và lúa nước. Hiện nay, thôn có gần 20 hộ xây được nhà to, kiểu dáng biệt thự đẹp với chi phí xây dựng từ 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Số hộ xây nhà với kinh phí dưới 700 triệu đồng thì khá nhiều”.
Cũng theo Trưởng thôn Đặng Y Vi thì những hộ đã xây được nhà to không phải tất cả đều là hộ có nhiều đất, trồng được nhiều quế mà nhiều hộ chỉ có khoảng 4 đến 5 ha, nhưng nhờ có kế hoạch khai thác hợp lý, chi tiêu tiết kiệm nên vẫn xây được nhà tiền tỷ.
Trưởng thôn Vi đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Bàn Phúc Bảo ở tổ 2, thôn 4. Ông Bảo tâm sự: “Trước những năm 1990, phong trào trồng quế ở đây kém phát triển vì đất đai chủ yếu do hợp tác xã quản lý nên người dân không có đất trồng. Sau năm 1993, hợp tác xã giải thể, giao lại đất cho địa phương để chia cho nhân dân. Mỗi hộ có vài héc-ta để canh tác thì phong trào trồng quế bắt đầu phát triển rầm rộ. Khi đó, gia đình tôi nhận được 6 ha, về sau tôi mua thêm được 1 ha. Có đất, hàng năm ngoài làm ruộng, thời gian còn lại vợ chồng, con cái tập trung vào trồng quế”.
Nhờ phát triển mạnh cây quế, ông Bảo đã có điều kiện nuôi các con ăn học trưởng thành. Với 7 ha, ngoài những diện tích đã khai thác tỉa trước để trang trải cho cuộc sống, năm 2015 ông Bảo khai thác liền 3 ha thu về trên 600 triệu đồng. Cộng với khoản tiết kiệm từ trước, gia đình ông đã có điều kiện xây được ngôi nhà 2 tầng to đẹp khang trang với chi phí trên 700 triệu đồng. Khác với gia đình ông Bảo, mới ngoài 40 tuổi, lại chẳng được học hành lên cao, nhưng anh Bàn Phúc Xuân ở tổ 4, thôn 4 đã xây được nhà cửa khang trang.
Ông Bàn Phúc Bảo ở tổ 2, thôn 4, xã Đại Sơn (Văn Yên) bên đồi quế gần chục năm tuổi.
Chị Bàn Thị Duấn - vợ anh Xuân tâm sự: “Vợ chồng tôi mới tách hộ ở riêng năm 2001 nên không còn được chia đất nữa. Bố mẹ hai bên đều nghèo và đông con nên chúng tôi cũng không được chia tài sản gì ngoài 4 ha đất đồi trống của bố mẹ chồng chia cho. Vợ chồng tôi bắt đầu dựng nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Ngoài khai hoang vỡ đất làm ruộng đảm bảo lương thực thì vợ chồng tôi còn đi nhặt hạt quế về ươm giống để trồng. Diện tích đất trồng hạn hẹp nên hai vợ chồng chủ yếu dồn công vào chăm bón, phát tỉa...”.
Với sự cố gắng trong lao động và có mục tiêu phấn đấu cho tương lai, sau hơn chục năm chăm chỉ, tích luỹ, năm 2015, anh Xuân bán 2 đồi quế khoảng 2 ha, được 400 triệu đồng.
Đầu năm 2016, anh bán tiếp một đồi khoảng hơn 1 ha được 280 triệu đồng và vay mượn thêm, anh đã xây được căn biệt thự hai tầng to đẹp, với tổng chi phí xây dựng gần 1 tỷ đồng. Được biết, nhờ đẩy mạnh phát triển cây quế, Đại Sơn đã từng bước vươn lên khỏi xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, xã đã có trên 70 hộ có điều kiện xây được nhà kiên cố với tổng chi phí xây dựng từ 600 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ mua sắm được tiện nghi hiện đại để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để cây quế tiếp tục giữ vững vai trò là loại cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân phát triển diện tích đi đôi với sử dụng 100% giống từ nguồn quế giống tại địa phương; chú trọng trồng, chăm sóc, hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ để có nguồn sản phẩm quế sạch. Việc trồng mới và khai thác đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch trồng rừng để giữ độ che phủ ở mức cao nhất. Đặc biệt, quy hoạch các khu có địa hình, địa thế đẹp để phát triển thành rừng quế cổ thụ, bảo tồn nguồn quế giống và phục vụ du lịch cộng đồng ở địa phương.
Châu Á
Các tin khác
YBĐT - Từ nhiều năm nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của người dân thị xã Nghĩa Lộ. Vì vậy, để bảo đảm vụ đông 2016 - 2017 sản xuất an toàn, hiệu quả ngay từ đầu vụ, nông dân thị xã đã tích cực ra đồng, đặc biệt là trồng cây ngô đông trong khung lịch thời vụ tốt nhất.
YBĐT - Vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện Văn Yên đã hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng cho các đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; thực hiện theo Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 19/2/2016 của UBND tỉnh Yên Bái với số tiền trên 655/ 685 triệu đồng (bằng 95,6% kế hoạch).
YBĐT - Theo đánh giá mới đây, giá trị kinh tế đất ruộng canh tác 3 vụ của Ngòi A đạt 110 triệu đồng/ha/năm.