Y Can nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản
- Cập nhật: Thứ năm, 20/10/2016 | 7:08:45 AM
YBĐT - Phong trào nuôi cá ở xã Y Can đã lan tỏa hầu khắp các thôn. Rất nhiều hộ đã chuyển ruộng kém năng suất sang nuôi cá.
Nông dân xã Y Can thu hoạch cá.
|
Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Thắng Lợi, trước đây anh Đào Minh Tuấn đã xoay đủ nghề, song cuối cùng nuôi cá đã là nghề gắn bó với anh. Sẵn có chút vốn, năm 2012, anh Tuấn mạnh dạn mua những diện tích ruộng nương, đồi gò của một số hộ trong thôn để phát triển kinh tế.
Đồng thời, sẵn có chủ trương chuyển đổi những chân ruộng kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, anh Tuấn đã đầu tư gần 100 triệu đồng để đắp bờ, cải tạo gần 1 ha ruộng chằm chuyển sang nuôi cá. Anh đã kết hợp nuôi xen canh nhiều loại cá có giá trị kinh tế: cá lăng, nheo, trắm đen; đồng thời, tìm hiểu thị trường đầu ra để nuôi chuyên canh cho phù hợp.
Để có thêm kiến thức về nuôi những loại cá đặc sản, ngoài việc tìm đọc, nghiên cứu tài liệu qua sách, báo, anh Tuấn còn tham gia lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản ngắn hạn tại Trạm Khuyến nông huyện và anh quyết định nuôi theo hình thức tự nhiên. Nhờ vậy, chất lượng cá của anh Tuấn được nhiều người dân và thương lái tin tưởng lựa chọn. Bình quân, mỗi năm anh Tuấn thu gần 100 triệu đồng.
Anh cho biết: “So với hình thức nuôi bán công nghiệp, nuôi bằng thức ăn tự nhiên có thời gian nuôi lâu hơn; tuy nhiên, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cũng cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, hiện nay xu hướng người dân đang tìm và lựa chọn các loại thực phẩm sạch, mình nuôi có uy tín sẽ không lo đầu ra sản phẩm”.
Cũng như anh Tuấn, anh Lê Xuân Cường, thôn Quyết Thắng cũng là một điển hình nuôi cá. Sau khi rời quân ngũ, năm 2013, anh Cường bàn với gia đình mua lại những diện tích ruộng chằm trũng của người dân để cải tạo làm ao thả cá. Gia đình đã vay gần 100 triệu đồng để đầu tư cải tạo 3.000 m2 ruộng thành ao cá, mua con giống và nuôi theo hình thức chuyên canh. Lúc đầu ít vốn nên anh Cường chỉ thả xen canh cá rô phi đơn tính và cá chim trắng mỗi năm 2 lứa. Khi đã có chút vốn, anh đầu tư chuyên canh cá trắm cỏ và cũng là hình thức nuôi tự nhiên. Cá giống lúc thả bình quân từ 7 lạng - 1,5 kg và thời gian nuôi khoảng 1 năm, cá có trọng lượng khoảng 3 - 4 kg, chất lượng cá thịt được nhiều thương lái đến đặt trước. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí anh Cường thu lãi trên 60 triệu đồng.
Anh cho biết: “So với cấy lúa thì nuôi cá lãi gấp 4 - 5 lần và rủi ro, dịch bệnh ít, chỉ cần chọn nguồn gốc con giống có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt thì việc nuôi cá rất yên tâm. Nếu có vốn, đầu tư chuyên canh vào những loại cá đặc sản thì với diện tích như thế này, mỗi năm cũng thu tới cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường”.
Từ những điển hình như anh Tuấn, anh Cường, giờ đây phong trào nuôi cá ở xã Y Can đã lan tỏa hầu khắp các thôn. Rất nhiều hộ đã chuyển ruộng kém năng suất sang nuôi cá. Mặc dù diện tích nuôi cá của xã chỉ có trên 15 ha, song mỗi năm cũng thu trên 1 tỷ đồng, góp phần đáng kể trong xóa đói giảm nghèo.
Để có được kết quả đó, xã Y Can đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho người dân như: chỉ đạo các ngành, đoàn thể chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản, tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ chuyển đổi ruộng.
Bà Trần Thị Thu - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Căn cứ vào thực tế nhu cầu của từng thôn, xã chỉ đạo từng chi bộ, từng thôn xây dựng vùng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác cho nông dân; khuyến khích nông dân nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh. Bên cạnh đó, để người nuôi cá yên tâm đầu tư, phát triển mở rộng mô hình, xã cũng tạo mối liên kết với thương lái, các cơ sở thu mua thủy sản để ổn định thị trường cho người dân”.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Qua công tác tuần tra, kiểm soát lực lượng kiểm lâm huyện Lục Yên đã phát hiện xử lý 13 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
YBĐT - Đến nay, nông dân huyện Mù Cang Chải đã thu được trên 80% diện tích, năng suất ước đạt 39 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 17.000 tấn, tăng trên 2.000 tấn so vụ mùa năm trước.
Với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17, siêu bão Hải Mã đang tiến nhanh vào biển Đông. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; Bộ Công an vừa có Công điện chỉ đạo ứng phó với siêu bão này.
Trả lời phỏng vấn báo Tin tức của Nga ngày 19/10, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Á-Âu (EABD, trực thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu), Dmitry Pankin bày tỏ mong muốn 12 nước ứng viên có thể gia nhập tổ chức tài chính này vào cuối năm 2017.